Dân Việt

Các ngân hàng trước áp lực nâng chuẩn an toàn

Quốc Hải 09/09/2016 15:16 GMT+7
Việc “nâng chuẩn” kiểm soát an toàn( Basel II) của hệ thống ngân hàng đang gặp áp lực rất lớn từ bài toán tăng vốn điều lệ. Nhiều ngân hàng có hệ số số an toàn vốn (CAR - vốn tự có/tổng tài sản có rủi ro) thấp đang tìm mọi phương án nâng cao hệ số này, từ việc để lại tiền cổ tức, tiền từ thoái vốn đầu tư nhà nước, đến gọi vốn từ khối ngoại...

“Vật vã”… tăng vốn

Thời gian gần đây, các ngân hàng liên tục lên kế hoạch tăng vốn nhưng kết quả thực tế lại không mấy khả quan. Thực tế, trong số 10 ngân hàng thí điểm thực hiện Basel II, trừ Sacombank, BIDV và Maritime Bank có tăng vốn điều lệ do nhận sáp nhập với các ngân hàng khác; thì chỉ có MBBank và VPBank là 2 ngân hàng thành công trong việc kêu gọi huy động vốn. Cụ thể, kết quả phát hành thêm cổ phiếu vào năm ngoái đã giúp MBBank tăng vốn điều lệ lên 16.000 tỷ đồng, tăng 38% so với năm trước đó.

Tương tự, VPBank cũng nâng vốn điều lệ lên 9.181 tỷ đồng vào cuối năm ngoái, đồng thời kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 13,07% trong quý II.2016 cũng giúp VPBank tăng vốn điều lệ, cải thiện chỉ số CAR.

Trong khi đó, các ngân hàng còn lại ít thay đổi về vốn điều lệ, kể cả những ngân hàng lớn. Tại BIDV, dù vốn điều lệ có tăng nhưng hệ số CAR của nhà băng này chỉ suýt soát trên 9% vào cuối tháng 6.2016 (ngưỡng tối thiểu theo quy định là 9%). Ngân hàng này dự kiến phải tăng thêm 27% vốn điều lệ trong thời gian tới.

Tại VietinBank, nhà băng này cũng đưa ra kế hoạch tăng vốn thêm gần 32%, lên mức 49.000 tỉ đồng (trong số này bao gồm cả phần vốn từ việc sáp nhập với PGBank) từ năm 2015, nhưng đến nay vẫn chưa thành công.

Vietcombank cũng lên kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 26.650 tỷ đồng lên gần 40.000 tỷ đồng trong năm nay bằng việc phát hành cổ phiếu thưởng, tỷ lệ 35% cho các cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ đối đa là 10%. Hiện hệ số CAR của nhà băng này cũng chỉ vào khoảng 9%, chỉ đạt ngưỡng tối thiểu theo quy định của Basel II.

Ở một số ngân hàng vừa và nhỏ, tình hình tăng vốn điều lệ lại càng khó khăn hơn. Chẳng hạn, OCB đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn lên 4.500 tỷ đồng song đến nay vẫn chưa thành công kêu gọi vốn. Tương tự, Saigonbank cũng được chấp thuận tăng vốn lên 4.000 tỷ đồng, nhưng đến nay cũng chưa thực hiện được.

img

VPBank là ngân hàng thành công trong việc kêu gọi huy động vốn.

Khó sử dụng “chiêu trò” tăng vốn ảo

Trước đây, nhiều ngân hàng có các “chiêu trò” tăng vốn ảo để đáp ứng điều kiện, nay thì không dễ dàng.

Phó giám đốc một ngân hàng thương mại tại TP.HCM cho biết, hiện nay tình trạng nợ xấu ở các ngân hàng khá cao, lợi nhuận kinh doanh bị ảnh hưởng lớn do phải trích lập dự phòng, vì vậy nhiều ngân hàng phải chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc giữ lại lợi nhuận (không chia cổ tức) để dành tăng vốn khiến nhà đầu tư bức xúc và không muốn rót thêm tiền vào. Chưa kể, việc phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu cũng sẽ dẫn đến việc cổ đông sở hữu trên 5% vốn điều lệ trở lên, sẽ phải trình NHNN xem xét, chấp thuận nếu không sẽ xảy ra tình trạng sở hữu chéo sai quy định. Vì vậy, việc kêu gọi tăng vốn điều lệ càng khó khăn.

“Trước đây để tăng vốn ảo thì khá dễ nhưng hiện nay NHNN đã giám sát chặt chẽ hơn khi yêu cầu các đối tác muốn trở thành cổ đông phải chứng minh được nguồn tiền và năng lực tài chính. Hoạt động đầu tư góp vốn qua lại (sở hữu chéo) giữa các ngân hàng như trước đây cũng không thể thực hiện được nên việc có được “dòng tiền thực” là rất khó”, vị phó giám đốc này nói.

Trong khi đó, TS Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính của ĐH Ngân hàng TP.HCM nói, dù còn khó khăn trong việc kêu gọi tăng vốn nhưng để tăng năng lực cạnh tranh, đồng thời còn để chuẩn bị đáp ứng những yêu cầu mới về chỉ số an toàn hoạt động, các ngân hàng buộc phải đặt kế hoạch tăng vốn là trọng tâm và phải thực hiện bằng mọi giá.

“Thực tế, ngoài yêu cầu về vốn tối thiểu, các ngân hàng cũng sẽ phải tuân thủ thêm yêu cầu về giám sát chặt chẽ vốn điều lệ và nguyên tắc thị trường. Điều này đồng nghĩa với việc vốn điều lệ sẽ được kiểm tra thường xuyên, tránh tình trạng các tổ chức tín dụng thua lỗ nhưng lại không ghi nhận vào vốn điều lệ. Khi việc kiểm soát được chặt chẽ thì ngân hàng mới thực sự đáp ứng theo chuẩn Basel II”, ông Tín nói.