Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cương quyết theo đuổi chương trình hạt nhân.
Theo Daily Beast, Triều Tiên ca ngợi vụ thử hạt nhân lần 5, diễn ra vào sáng ngày 9.9, đã “thành công tốt đẹp”.
Vụ thử hạt nhân tạo nên cơn địa chấn 5,3 độ Richter, với tâm chấn là khu vực Punggye-ri, phía đông bắc Triều Tiên. Nguồn tin từ quân đội Hàn Quốc cho biết, sức công phá của vụ của quả bom hạt nhân ước tính vào khoảng 10 kiloton, mạnh nhất so với 4 lần Triều Tiên thử hạt nhân trước đó.
Nguồn tin từ Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên đã sẵn sàng thử nghiệm bom hạt nhân kể từ hồi tháng 5. Bình Nhưỡng có thể muốn chờ đợi đến đúng ngày 9.9, ngày quốc khánh - đánh dấu kỷ niệm 68 năm thành lập nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên.
Theo giới phân tích, chính quyền Kim Jong-un nhận thấy cơ hội thử hạt nhân lần thứ 2 trong năm nay, bởi Trung Quốc đã không còn cảnh báo hệ quả nếu Bình Nhưỡng tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân nguy hiểm.
Vụ thử hạt nhân diễn ra chỉ 3 ngày sau khi vụ phó Vụ Bắc Mỹ Bộ Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-Hui đến Bắc Kinh, tham gia đàm phán 6 bên về chấm dứt chương trình hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Tên lửa đạn đạo tầm trung Rodong của Triều Tiên.
Ông Choe Son-Hui là phó đặc phái viên về đàm phán 6 bên của Triều Tiên. Hiện chưa rõ nội dung chuyến thăm của nhà ngoại giao này. Nhưng vụ thử hạt nhân cho thấy, Bình Nhưỡng tỏ ra tự tin trước phản ứng của Bắc Kinh.
Hiện tại, Trung Quốc đang thất vọng với Hàn Quốc nhiều hơn là Triều Tiên. Hồi tháng 7, Hàn Quốc và Mỹ tuyên bố triển khai Hệ thống Phòng thủ Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD). Bắc Kinh lo ngại, radar công suất lớn của THAAD có thể theo dõi các mục tiêu trên đất Trung Quốc. Mặc dù Mỹ sẵn sàng chia sẻ thông tin kỹ thuật nhưng Trung Quốc không hề thay đổi quan điểm.
Kể từ đó, Bắc Kinh đã đưa ra những động thái khước từ ngoại giao và kinh tế với Hàn Quốc. Giới phân tích cho rằng, Triều Tiên nhận thấy nước này có thể làm bất cứ điều gì mình muốn.
Ngay sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bên lề hội nghị G20, Triều Tiên đã phóng 3 quả tên lửa tầm trung Rodong, có thể mang đầu đạn hạt nhân. Khi đó, Trung Quốc không những không răn đe Triều Tiên mà còn cảnh báo Nhật Bản về vấn đề Biển Đông.
Bên cạnh đó, Triều Tiên vẫn tiếp tục nhận viện trợ từ Trung Quốc bất chấp lệnh trừng phạt thứ 5 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) chưa từng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Thương mại tại khu vực biên giới giữa hai nước đạt đến mức cao nhất trong tháng 8. Thậm chí, Bắc Kinh vẫn chuyển giao cho Bình Nhưỡng vật liệu và thiết bị phục vụ mục đích chế tạo vũ khí hạt nhân, ông David Albright, Chủ tịch Viện Khoa học và An ninh quốc tế (Mỹ) cho biết.
Triều Tiên biết rằng ông Tập Cận Bình coi Mỹ là đối trọng chính, ngăn cản tham vọng Bắc Kinh ở mọi hướng. Nhìn cách ông Tập tiếp đón Tổng thống Mỹ Obama và Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice ở Hàng Châu, nhà lãnh đạo Kim Jong-un nghĩ mình có thể tiếp tục theo đuổi tham vọng đưa Triều Tiên trở thành cường quốc hạt nhân.
Ông Kim hiểu rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chưa muốn đẩy mạnh mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên như Mỹ mong muốn. Đó là tín hiệu bật đèn xanh để Bình Nhưỡng theo đuổi chương trình trang bị đầu đạn hạt nhân cho các tên lửa đạn đạo.
Chương trình hạt nhân của Triều Tiên sẽ không thể chấm dứt, bất chấp nỗ lực của cộng đồng quốc tế nếu không có những phản ứng mạnh mẽ từ đồng minh Trung Quốc, tác giả Gordon G. Chang kết luận.