Du lịch 4 tỉnh miền Trung vùng cá chết quá ảm đạm. Dọc các bờ biển lơ thơ vài bóng người trong khi trước kia tấp nập khách khứa. Người trong nghề nói “ngành du lịch thất thủ” trước họng xả của Formosa. Sau thiệt hại của ngư dân là kéo theo chuỗi thiệt hại khác mà còn lâu nữa mới có thể bắt đầu hồi phục.
Các bãi biển ở Quảng Trị vắng khách, hàng quán vắng bóng người, cũng bởi hải sản chưa có kết luận an toàn hay không nên ra biển mà ăn đồ đặc sản rừng nuôi như gà, thỏ, quả thật khó khăn. Làng mực nháy ở biển Vũng Áng (Hà Tĩnh) cũng đìu hiu đắng cay mà nhiều người ở đây lo lắng, một địa chỉ hải sản tươi sống lừng danh bao nhiêu năm qua có nguy cơ biến mất bởi quá vắng du khách sau cú sốc độc dược của Formosa xả thải.
Quảng Bình là nơi chuyên gia đánh giá thiệt hại nặng nề, các vùng biển đẹp nức tiếng như Bảo Ninh, Nhật Lệ, Đá Nhảy, Hải Ninh, Vũng Chùa... thật sự đìu hiu. Các hãng bia đã cắt giảm nhân sự tiếp thị bia trong quán xá ven biển, doanh thu hoàn toàn sụt giảm, nhân viên của các hãng bia nháo nhác tìm kế sinh nhai. Các đại lý phân phối bia cũng giảm số lượng lao động thời vụ chở bia, nhiều cơ sở cung cấp nước giải khát, tăm tre, khăn lạnh, dịch vụ giặt đồ ảnh hưởng quá nghiêm trọng. Nhà hàng, khách sạn đình đốn phòng ốc.
Hàng quán ế ẩm, những chồng đĩa nằm trơ không được sử dụng, ghế bàn bụi phủ.
Một báo cáo của UBND tỉnh Quảng Bình gửi đi cầu cứu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giúp đỡ đã nói lên thực trạng ngành công nghiệp không khói của địa phương này: "Thiệt hại lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng". Văn bản số 1240 báo cáo với Thủ tướng rằng: "Du lịch Quảng Bình bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng, rơi vào tình trạng điêu đứng, đời sống của hơn 4.000 lao động trực tiếp, 7.300 lao động gián tiếp, và hơn 30.000 lao động trong các ngành dịch vụ đi kèm bị ảnh hưởng nặng nề; nhiều cơ sở lưu trú, nhà hàng, các cơ sở kinh doanh du lịch dịch vụ phải giảm lao động, cho nhân viên nghỉ việc đến 50%, đa số là lao động có tay nghề, 12.000 lao động có nguy cơ mất việc làm, nhiều khách sạn 3 sao trở lên, nhiều nhà hàng đang triển khai phải dừng thi công, nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch phải đóng cửa, ngừng hoạt động và phải trả lãi vay hàng tháng cho ngân hàng rất lớn, ước thiệt hại trên hàng chục nghìn tỷ đồng".
Tôi nhớ rằng, các văn bản báo cáo địa phương ra Trung ương vô cùng hiếm dùng từ như thế nhưng nay đã phải dùng đúng đến bản chất khó khăn vô biên là "rơi vào tình trạng điêu đứng". Tôi về các bãi biển ở Vũng Chùa (Quảng Trạch), quá nhiều nhà hàng ven biển đóng cửa từ đó vào Quảng Phú, Quảng Đông, Cảnh Dương, Quảng Xuân...Đi bất cứ vùng biển nào cũng thấy bóng dáng điêu đứng của giới chủ nhà hàng, khách sạn, đi bất cứ nơi nào ngư dân thiệt hại thì chuỗi kinh tế theo đó bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng.
Ở Đồng Hới, một lãnh đạo ngành du lịch vừa cho tôi biết, một khách sạn đã cho nghỉ 70 nhân viên chất lượng cao, chỉ duy trì chừng vài người bảo vệ vì không có khách. Một chủ khách sạn khác phải dừng giữa chừng công trình 300 tỷ ven biển vì tương lai mờ mịt, mỗi tháng trả lãi 3 tỷ đồng, mỗi năm phải trả lãi đến 36 tỷ đồng. Thật ra nhiều khách sạn đang xây đã phải dừng.
Ngành công nghiệp không khói 4 tỉnh miền Trung đã hoàn toàn thua cuộc trước họng xả của Formosa làm cá chết kéo dài mấy trăm cây số bờ biển. Người làm du lịch hiện không nhận được bất cứ sự đền bù nào trong dự thảo của các bộ ban ngành, nguồn vốn dồn vào các nhà hàng, khách sạn cực lớn nay có nguy cơ phá sản, ngân hàng thu hồi nếu không có nguồn kinh doanh để trả lãi và nợ gốc.
Khách khứa không đổ về du lịch ở các bãi biển 4 tỉnh do hậu quả Formosa gây ra. Hệ lụy của Formosa còn kéo dài thê lương. Chỉ mới mấy tháng mà nhiều chuỗi tan hoang. Người làm nước mắm không bán được nước mắm vì nghi ngờ không đảm bảo chất lượng, các làng nghề nước mắm truyền thống ven biển nay thiếu nguyên liệu nghiêm trọng vì không có cá, và họ sợ làm ra sẽ rồi chẳng ai mua. Người làm bún, bánh các loại như bánh lọc, bánh nậm... từng bán rất được ở dọc bãi biển hoặc phục vụ khách khứa trong các nhà hàng, khách sạn thì nay nhiều nhà vô công. Có những chủ làm bún mỗi ngày bán vài tấn bún thì nay chỉ còn vài chục ký, các tiệm bánh mì, quán cà phê, cháo sáng cũng ảnh hưởng quá lớn.
Các loại đặc sản như kẹo Cu Đơ (Hà Tĩnh), khoai Gieo (Quảng Bình)... đều trở thành ế ẩm. Cú xả của Formosa đã làm chuỗi thiệt hại kéo dài và kéo sâu vào nền kinh tế 4 tỉnh miền Trung. Tiếp sau chuỗi thiệt hại đó là con em của những người đang lao động mưu sinh cần tiền ăn học, chữa bệnh, sinh hoạt...Ngành công nghiệp không khói thất bát còn kéo theo dịch vụ vận tải du lịch cũng không thể chuyển bánh. Các hãng taxi ở Quảng Bình ế ẩm, thường mỗi mùa hè, đường sắt Hà Nội-Đồng Hới tăng 2 đôi tàu nhưng vẫn chật kín, xe khách giường nằm các hãng chạy hết công suất thì nay đìu hiu, những hãng bay về sân bay Đồng Hới cũng thưa thớt khách.
Bao nhiêu năm trước, mỗi mùa hè, tôi vẫn ra dạo đường ven biển Nhật Lệ hoặc Bảo Ninh mỗi đêm, ánh đèn từ các khách sạn hắt ra từ tầng cao nhất đến thấp nhất, hàng quán nườm nượp thì nay cũng đường phố đó, khách sạn rất hiếm ánh đèn từ mỗi phòng được bật lên, dấu hiệu ấy là dấu hiệu thất bại, không có khách khứa trở lại sau cú xả độc của Formosa.
Nếu Chính phủ không có chương trình giúp đỡ du lịch 4 tỉnh vùng cá chết, chuỗi thiệt hại sẽ còn kéo sâu và dài ra. Người tha hương sẽ ngày mỗi nhiều hơn, người thất nghiệp sẽ ngày một đông ra bởi cuộc sống trong vùng cá chết ngày mỗi quá khó khăn.