Dân Việt

Bưởi da xanh hồi sinh bên sông Lại

Đình Thung 11/09/2016 07:15 GMT+7
Cứ ngỡ bưởi da xanh đã bị “thất truyền” trên vùng đất Hoài Nhơn (Bình Định), thế nhưng từ năm 2009 đến nay, từ mô hình “trồng cây có múi”, cây bưởi da xanh bắt đầu xuất hiện trở lại, rồi phát triển mạnh trong những vườn nhà.

Theo nhiều lão nông ở huyện Hoài Nhơn, bưởi da xanh vốn có nguồn gốc là bưởi Thanh Trà, được du nhập vào Hoài Nhơn từ thế kỷ XVI, theo chân những người ở Đàng Ngoài vào đây lập nghiệp.

img

Ông Hồ Ngọc Khánh nâng niu những quả bưởi

Cụ Nguyễn Bá Phát (85 tuổi) ở thôn Phụ Đức, xã Hoài Đức kể: "Bưởi Thanh Trà là giống bưởi ruột thẳng, quả tròn vừa phải, nước nhiều, ngọt lịm. Loại bưởi này có đặc điểm là dù đã chín, vỏ vẫn giữ màu xanh nên người dân địa phương gọi là bưởi da xanh”.

Trong chiến tranh, vườn tược bỏ hoang không ai chăm sóc, những cây bưởi da xanh chết dần. Sau ngày giải phóng, cây nào còn trụ được cũng đã già cỗi, cho chẳng bao nhiêu trái, người dân không mặn mà chăm sóc. Đến năm 2009, Hội Nông dân phối hợp với Phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn triển khai mô hình “trồng cây có múi”, chọn giống bưởi da xanh để triển khai.

Chị Võ Thị Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoài Đức nhớ lại: “Hồi đó ngành chức năng vận động “ráo nước miếng” cũng chỉ có 10 hộ tham gia. Bởi nhiều người còn nghi ngờ giống bưởi da xanh không phù hợp với đồng đất quê mình, sợ trồng không có hiệu quả. Nhưng sau 3 năm triển khai, những vườn bưởi da xanh trong mô hình bắt đầu cho hiệu quả. Cây phát triển tốt, đồng đều, tỷ lệ đậu quả khá cao, trên 90%. Trung bình mỗi trái khi chín có trọng lượng từ 1,5kg trở lên, chất lượng thì còn ngon hơn cả bưởi đầu dòng”.

Ông Nguyễn Ngọc Ánh ở xóm Phú Nga, thôn Lại Khánh Tây, xã Hoài Đức chia sẻ: “Bưởi da xanh rất phù hợp với vùng đất ven sông, nếu được chăm sóc tốt thì chỉ hơn 2 năm bưởi sẽ ra trái chín, từ năm thu hoạch thứ 2 trở đi cây cho quả ổn định, mùa sau sai quả hơn mùa trước.

 Nếu canh tác đúng kỹ thuật, cây sẽ cho năng suất rất cao. Bưởi da xanh ra hoa vào đầu tháng giêng, chín vào cuối tháng 7 âm lịch, đó là vụ chính, còn quả thì ra quanh năm. Đặc biệt, dù còn xanh hay đã chín bưởi vẫn có vỏ màu xanh mượt, bà con mua về chưng mâm cỗ, bàn thờ tổ tiên cả tháng da bưởi không hề chuyển màu hoặc bị úa”.

Được trồng trên đất phù sa màu mỡ, nên bưởi nhà ông Ánh cho quả to, vỏ mỏng, ruột đỏ, nhiều nước và rất ngọt nên thương lái rất thích. Số bưởi bán lẻ trong năm cho bà con địa phương ông Ánh không nhớ hết, nhưng ông nhớ, hàng năm vào chính vụ, ông bán “xô” cả vườn cho thương lái với giá ổn định từ 25.000 - 30.000 đồng/kg loại 1, sau khi trừ chi phí, vườn bưởi 50 gốc của ông cho thu nhập khoảng 40 triệu đồng/năm. Theo ông Ánh, so với nhiều loại cây ăn trái bản địa, khó có loại cây nào cho giá trị cao như bưởi da xanh.

img

Ông Hồ Ngọc Khánh thường xuyên thăm nom, chăm sóc vườn bưởi  

 Do trồng giống tốt, đầu tư chăm sóc đúng quy trình, liên tục trong 4 vụ thu hoạch vừa qua, vườn bưởi của ông Hồ Ngọc Thuận ở thôn Lại Khánh cho thu nhập bình quân khoảng 2 triệu đồng/cây. Cá biệt có cây cho thu hoạch trên 3 triệu đồng/năm. Còn vườn bưởi da xanh hơn 60 gốc liền kề của 3 anh em Huỳnh Văn Tín, Huỳnh Văn Mười và Huỳnh Văn Dư được trồng từ năm 2006, nhiều gốc có đường kính gần 40 - 50cm cho thu nhập cao tương tự.

 Hiện trên địa bàn xã Hoài Đức có 28 hộ trồng bưởi da xanh trên diện tích gần 4ha, trong số đó có hơn 10 hộ trồng từ 40 gốc trở lên. Ngoài ra, còn có hàng chục vườn bưởi da xanh vừa được bà con cấy ghép, lai tạo giống theo thị hiếu của người tiêu dùng và trồng mới theo quy mô gia đình với tổng diện tích hơn 2ha, tại 3 thôn Bình Chương, Văn Cang và Văn Khánh Đức.

“Dự kiến trong thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tham mưu với ngành cấp trên và chính quyền địa phương thành lập Câu lạc bộ trồng bưởi da xanh để các hộ được hỗ trợ kỹ thuật canh tác nhằm hạn chế rủi ro, nâng cao sản lượng và chất lượng quả, góp phần mang lại thu nhập cao cho nông dân”, chị Võ Thị Hoa, Chủ tịch Hội Nông xã Hoài Đức chia sẻ.