Ngoại trưởng Ri Yong Ho ở thăm Viêng Chăn (Lào) ngày 25.7.
Sau vụ thử hạt nhân lần thứ 5 của Bình Nhưỡng, Bắc Kinh đã thúc giục Bình Nhưỡng phải kiềm chế các hành động có thể làm leo thang căng thẳng và sớm trở lại lộ trình phi hạt nhân đúng đắn.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Nghiệp Toại ngày 10.9 nhấn mạnh rằng vụ thử hạt nhân của Triều Tiên trước đó 1 ngày “không có lợi cho hòa bình và ổn định của Bán đảo Triều Tiên”.
Ông Trương cũng tái khẳng định lập trường vững chắc và nhất quán của Trung Quốc trong việc thực hiện phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, cũng như duy trì an ninh, hòa bình khu vực; giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại và tham vấn. Trung Quốc thúc giục Triều Tiên kiềm chế các hành động có thể làm leo thang căng thẳng và sớm trở lại lộ trình phi hạt nhân đúng đắn.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng nhấn mạnh thêm rằng không một ai hưởng lợi trong sự hỗn loạn hoặc chiến tranh diễn ra ở Triều Tiên, theo đó kêu gọi tất cả các bên trong cộng đồng quốc tế nên kiềm chế và tránh làm bất cứ điều gì “gây khó chịu cho nhau”.
Việc Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho tới thăm Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang ra sức thúc đẩy việc áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mới chống lại Bình Nhưỡng sau khi nước này thử hạt nhân lần 5 vi phạm lệnh cấm của Liên Hợp Quốc.
Trung Quốc là đồng minh chính của Triều Tiên. Do đó, chuyến thăm của ông Ri được giới quan sát nhận định là bước đi của Bình Nhưỡng nhằm mục đích xoa dịu và tìm kiếm sự hỗ trợ về mặt chính trị, ngoại giao từ Bắc Kinh khi Triều Tiên đang phải đối mặt những áp lực nặng nề.
Giới quan sát cũng bình luận rằng phản ứng từ phía Trung Quốc sau vụ thử hạt nhân lần thứ 5 của Triều Tiên cho thấy, Bắc Kinh xét về tổng quan sẽ không muốn mạnh tay với đồng minh ruột.
Lý do là, Trung Quốc trên thực tế có ảnh hưởng rất ít đối vớiTriều Tiên và không kiểm soát được Triều Tiên như người Mỹ vẫn nghĩ. Ngoài ra Trung Quốc cũng khó lòng cắt đứt quan hệ với Triều Tiên và không muốn chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ. Trung Quốc xem Triều Tiên là một vùng đệm trong chính sách cân bằng với Mỹ và các đồng minh trong khu vực. Ít nhất, sự tồn tại của chế độ Bình Nhưỡng hiện vẫn là con bài để Bắc Kinh thương thảo với Mỹ xung quanh nhiều vấn đề bao gồm tranh chấp Biển Đông.