Cô Nguyễn Thị Lan ở thôn Nghi Xuyên làm giàu từ cây nghệ vàng
Cô Nguyễn Thị Lan (thôn Nghi Xuyên) cho biết, cuối năm ngoái gia đình đã đầu tư hơn 20 triệu đồng mua đất phù sa để cải tạo 3 sào đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng nghệ. Mỗi sào nghệ vàng cho năng suất từ 1 - 1,5 tấn. Với giá bán trung bình từ 24.000 - 30.000 đồng/kg, mỗi sào nghệ cho thu lãi trên 20 triệu đồng.
Trồng nghệ đơn giản, không tốn công chăm sóc, hiệu quả kinh tế cao nên nhiều hộ dân trong xã Chí Tân đã cải tạo diện tích đất cấy lúa kém hiệu quả để trồng cây nghệ vàng. Nếu như năm 2015, toàn xã có 280 mẫu nghệ thì năm 2016 diện tích nghệ ở Chí Tân đã tăng lên 320 mẫu. 100% hộ dân trong xã đều trồng nghệ, nhà ít cũng phải vài ba sào.
Bà Nguyễn Thị Vui, Chủ tịch UBND xã cho biết, Chí Tân là địa phương thuần nông nằm ven đê sông Hồng, đất canh tác phần lớn là pha cát, không phù hợp thâm canh lúa nước nhưng lại rất thích hợp với trồng cây nghệ vàng. Khai thác đặc tính thổ nhưỡng này, từ xa xưa người dân địa phương đã chọn nghệ là cây trồng chính tạo nguồn thu, phát triển kinh tế gia đình. Để hỗ trợ nông dân, xã đã tạo điều kiện cho bà con tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng nghệ; vay vốn ưu đãi sản xuất và tạo cơ chế thông thoáng để bà con cải tạo đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng nghệ.
Bà Vui cho biết thêm, trong thời gian tới, xã sẽ tạo điều kiện để bà con nông dân chuyển đổi gần 100 mẫu đất cấy lúa kém hiệu quả ở cả 3 thôn sang chuyên canh cây nghệ, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Dẫn chúng tôi đi thăm khu nhà xưởng chế biến tinh bột nghệ, anh Hoàng Quang Đông, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Minh Châu Hưng Yên (thôn Tân Hưng) cho biết: “Hướng đi mới cho cây nghệ Chí Tân là phải xây dựng được thương hiệu, không chỉ cung cấp củ nghệ tươi ra thị trường mà phải chế biến thành những sản phẩm chất lượng và giá trị kinh tế cao như: tinh bột nghệ, nghệ khô”.
Anh Hoàng Quang Đông bên dây chuyền sản xuất tinh bột nghệ hiện đại
Công ty Hoàng Minh Châu Hưng Yên là một địa chỉ chuyên thu mua, chế biến củ nghệ ở Chí Tân. Trung bình mỗi năm, công ty thu mua khoảng 300 tấn nghệ tươi, sau khi chế biến xuất bán ra thị trường từ 5 -7 tấn tinh bột nghệ. Năm nay, công ty dự kiến tăng sản lượng, mở rộng thị trường xuất bán khoảng 15 tấn tinh bột nghệ. Trung bình 1 tấn nghệ tươi tinh chế được 40 - 50 kg tinh bột nghệ. Anh Đông cho biết, củ nghệ tươi mặc dù có giá trị tương đối cao nhưng chế biến thành tinh bột nghệ thì giá trị kinh tế tăng lên gấp nhiều lần.
Nghề chế biến tinh bột nghệ ở Chí Tân là một nghề mới, xuất hiện cách đây khoảng 3 năm. Hiện nay, toàn xã có chục hộ gia đình làm nghề. Nghệ tươi sau khi thu hoạch một phần bán ra ngoài thị trường, phần còn lại được các hộ chế biến bột nghệ, tinh bột nghệ trong xã thu mua.
Chí Tân là vùng trồng nghệ truyền thống nổi tiếng Hưng Yên, tuy nhiên việc xây dựng thương hiệu cho cây nghệ vẫn còn nhiều khó khăn. Người trồng nghệ phải tự tìm đầu ra, giá cả thu mua phụ thuộc nhiều vào lái buôn dẫn đến tình trạng hạ giá hoặc ép giá.
Mong muốn lớn nhất của người trồng nghệ lúc này là được các cấp, ngành chức năng quan tâm, xây dựng thương hiệu cho cây nghệ Chí Tân để nâng cao giá trị cây nghệ, đưa cây nghệ Chí Tân vươn ra thị trường rộng lớn trong và ngoài nước.