Binh sĩ quân đội Mỹ và Ấn Độ trong cuộc tập trận chung.
Theo IB Times, 225 binh sĩ Mỹ thuộc trung đoàn bộ binh số 5, lữ đoàn chiến đấu Stryker số 2 và sư đoàn bộ binh số 7 sẽ tham gia tập trận cùng quân đội Ấn Độ trong cuộc diễn tập quân sự thường niên kéo dài 2 tuần mang tên Yudh Abhyas.
Đây là lần thứ 12 cuộc tập trận như vậy diễn ra giữa hai lực lượng Mỹ, Ấn Độ. Lần này, cuộc tập trận tổ chức gần biên giới Trung Quốc, từ ngày 14-27.9. Khu vực quân sự ở Chaubuttia chỉ cách biên giới Ấn Độ-Trung Quốc khoảng 100 km.
Cuộc tập trận tạo cơ hội để các binh sĩ Mỹ và Ấn Độ làm quen với cơ chế tổ chức của nhau, cũng như các trang thiết bị, vũ khí và bài diễn tập chiến thuật. Các binh sĩ tham gia diễn tập chiến đấu, chống khủng bố trên địa hình vùng núi của bang Uttarakhand. Cuộc diễn tập cũng bao gồm đổ bộ từ trực thăng Ấn Độ.
Tổng tham mưu trưởng Ấn Độ Rajan Ravindran nói rằng, cuộc tập trận Yudh Abhyas 2016 là bước đi lớn đối với quân đội hai nước nhằm huấn luyện và tăng cường kinh nghiệm tác chiến.
Quan chức từ Đại sứ quán Mỹ tại Ấn Độ nói cuộc tập trận là cơ hội tuyệt vời cho lực lượng quân đội hai nước chia sẻ chiến thuật, kỹ thuật, quy trình và kinh nghiệm hoạt động cũng như tăng cường hợp tác quốc phòng song phương.
Dưới sự hướng dẫn của lính Mỹ, binh sĩ quân đội Ấn Độ bắn thử tên lửa chống tăng Javelin.
Yudh Abhyas 2016 là cuộc tập trận đầu tiên giữa Ấn Độ và Mỹ, sau khi hai nước đạt thỏa thuận chia sẻ hậu cần quốc phòng (LEMOA). Thỏa thuận mới được ký kết cách đây vài tuần giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và người đồng cấp Ấn Độ Manohar Parrikar.
Nguồn tin trên tờ Sunday Guardian cho biết, cuộc tập trận không nhằm vào Trung Quốc và địa điểm tập trận chỉ phục vụ yếu tố địa lý. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhắc lại rằng, New Delhi có mối hệ hợp tác hữu nghị với Bắc Kinh.
Hồi tháng 6.2016, Ấn Độ tham gia tập trận ba bên Malabar với hải quân Mỹ và Nhật Bản. Kết thúc hội nghị ASEAN tại Lào, ông Modi khẳng định lập trường về vấn đề Biển Đông. “Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và thương mại không bị cản trở dựa trên luật pháp quốc tế, theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982”.
“Đe dọa vũ lực hoặc sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp sẽ chỉ càng làm phức tạp thêm tình hình, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định khu vực”, ông Modi nói thêm.