Dân Việt

Mỹ: Bác sĩ lấy tinh trùng của mình thụ tinh cho 50 người

Mẫn Di - CNN 15/09/2016 02:55 GMT+7
Sau khi giám định ADN và khám phá ra có tới 8 anh chị em, một phụ nữ đã điều tra và phát hiện cha mình chính là bác sĩ chữa hiếm muộn cho mẹ.

img

Trong cáo trạng mới công bố của tòa án quận Marion (Indiana, Mỹ), bác sĩ chữa hiếm muộn Donald Cline đã nói dối bệnh nhân rằng ông sẽ dùng tinh trùng tươi của các sinh viên Y khoa hoặc người thường. Không ai ngờ rằng, số tinh trùng đó đều của cùng một người.

"Treo đầu dê bán thịt chó như vậy thật vô đạo đức", một người phụ nữ giấu tên bức xúc.

Phát ngôn viên Cục sức khỏe sinh sản Mỹ, Eleanor Nicoll cho biết các trường hợp như thế này cực kỳ hiếm nên cơ quan chức năng không có hồ sơ lưu trữ.

img

Sự việc bị phát giác bởi 2 cô gái Jacoba Ballard và Kristy Killion.

Killion, một người ra đời nhờ phương pháp thụ tinh nhân tạo rất tò mò về nguồn gốc của mình. Killion liên hệ thẳng với bác sĩ Cline và được ông này trả lời không còn lưu hồ sơ người hiến tinh trùng.

Không nghi ngờ gì, cô tiếp tục tìm kiếm trên trang cộng đồng dành cho các em bé nhân tạo và gặp Ballard. Cả hai tìm thêm được 9 anh chị em nữa nhờ thử ADN. Họ bắt đầu nghi ngờ vì thông thường một người chỉ được hiến tối đa 3 ca thụ tinh nhân tạo thành công.

Sau đó, họ phát hiện có quan hệ sinh học với Doug Cline, con trai bác sĩ Donald Cline. Doug cho biết cha mình từng hiến tinh trùng đi nhiều phòng thí nghiệm, nhưng họ không hài lòng với câu trả lời đó. Khi 2 người và 4 anh chị em cùng cha khác tới gặp trực tiếp Cline thì bác sĩ này tự thú đã sử dụng chính tinh trùng của mình trong khoảng 50 ca.

Khi bị khởi kiện năm 2014, Cline bào chữa rằng bản thân ông biết đây là hành vi sai trái, nhưng vẫn thực hiện vì muốn giúp đỡ các phụ nữ muốn có con. Ông cũng khai trong cáo trạng rằng bị áp lực công việc do không phải lúc nào cũng có nguồn tinh trùng tươi. 

img

Steve Boreman, chuyên gia luật pháp tại California cho biết thông thường các ca thụ tinh cần có hợp đồng ký kết rõ ràng về việc sử dụng tinh trùng nếu có đối tượng cung cấp nhất định thay vì lấy từ kho dự trữ. 

Trường hợp này, rõ ràng khách hàng không được thông báo đầy đủ. Hơn nữa, các bên phải ký một thỏa thuận về việc không gây rắc rối cho người hiến nhận cũng như phòng khám, nhưng Cline đã bỏ qua bước này và đó được coi là hành vi tội phạm. 

Vì thiếu thỏa thuận "không làm phiền" nên chưa rõ Cline có phải trả tiền trợ cấp cho những đứa con hay không, nhưng chắc chắn rằng họ sẽ gặp rất nhiều vấn đề thủ tục pháp lý và ràng buộc trách nhiệm sau này.