Ở nơi gặp gỡ đất trời
Đoàn chúng tôi lên Khau Mút gồm 3 người bản địa đều là những đảng viên của Chi bộ bản Pước và một cán bộ của huyện. Từ sáng sớm, chúng tôi xuất phát ở bản Pước, đi bộ đường đồi dốc 3 tiếng đồng hồ thì đến được núi Kéo Ca. Mặt trời nhô dần đến đỉnh núi Khau Mút nhưng vẫn chẳng xua tan được những đám mây đặc quánh bao quanh.
Lên đến Kéo Ca đã xuất hiện lác đác một số cây chè Khau Mút. Đó cũng là lý do để nhiều người khi lên tới đây quay về vì đã coi như mãn nguyện được nhìn thấy chè Khau Mút. Dù mệt lả, nhưng được sự động viên của những đảng viên ở bản Pước nên chúng tôi không bỏ cuộc. Càng gần đến đỉnh núi Khau Mút, rừng càng ẩm ướt, vắt nhiều không tả hết. Chúng ngóc đầu túm lấy bước chân người dù đã được xức đầy dầu gió chống vắt. Nỗi sợ bủa vây khi vào “thủ phủ” của vắt nhưng tôi lại bị cuốn hút bởi sự tích về cây chè Khau Mút.
Cây chè Khau Mút cổ thụ của gia đình đảng viên Phùng Vinh Chu, Chi bộ bản Pước, xã Thổ Bình.
Ông Phùng Vinh Chu là người sinh ra trên núi Khau Mút. Lớn lên, ông đã nhìn thấy cha mẹ mình trèo lên cây chè Khau Mút để hái, hãm lấy nước uống. Sau này theo chủ trương của Nhà nước, gia đình ông và một số hộ người Dao đỏ mới hạ sơn xuống bản Pước. Vì thế, ông Chu và nhiều người ở đây không còn nhớ chè Khau Mút đã có từ bao giờ, chỉ biết rằng “Khau Mút” tiếng của người Dao dịch sang tiếng người Kinh là “Hết núi”. Tức là đi hết núi thì sẽ tới được nơi có chè Khau Mút. Nhưng không chỉ có vậy, chuyện về chè Khau Mút là hẳn một sự tích của người Dao về tình phụ tử.
Tương truyền xa xưa, ở dưới chân núi Khau Mút có hai cha con người Dao sinh sống. Một ngày kia, người cha già lâm bệnh nặng, cô con gái ngày ngày vào rừng hái các loại lá cây về làm thuốc cho cha uống, nhưng không khỏi. Một lần, cô quyết đi lên ngọn núi cao nhất để tìm cây thuốc về chữa bệnh cho cha. Cô đi mãi, vượt qua 4 ngọn núi thì nhìn thấy trước mặt có một cây to nhất, lá, búp xum xuê. Đang khát nước, cô ngắt thử vài búp non nhai thì thấy tỉnh hẳn người, không còn khát nữa. Đoán là loại cây quý, cô liền hái về sắc nước cho cha uống. Ít lâu sau, bệnh tình của người cha đỡ hẳn. Từ đó cô cứ vào rừng hái lá loại cây ấy về chữa bệnh cho cha. Cho tới một ngày, loại cây ấy không còn lá nữa. Cô gái lại đi hết ngọn núi này đến ngọn núi khác để tìm. Người dân trong bản cũng không còn thấy cô trở về. Họ bảo nhau đi tìm. Khi tới loại cây ấy thì thật ngạc nhiên, lá cây đã mọc ra xum xuê, búp non mơn mởn từ bao giờ. Người dân trong bản bảo nhau hái về sắc nước uống hàng ngày để cơ thể khỏe mạnh, tránh được đau ốm. Họ còn vượt núi, băng rừng lấy hạt của cây đem trồng. Có nhà còn chuyển hẳn lên núi Khau Mút ở để trồng, chăm sóc, bảo vệ. Và chè Khau Mút của người Dao đỏ có tên gọi từ ấy.
Những đảng viên tiên phong
Theo lời Bí thư Đảng ủy xã Thổ Bình Hoàng Văn Chinh, nếu như năm 2010, chè Khau Mút chỉ có khoảng 20 ha thì tới nay, diện tích này đã có khoảng 50 ha. Bởi bà con đã tự nhân giống bằng hạt để trồng. Ngoài ra, cùng với Dự án 661 của Nhà nước từ năm 2009 hỗ trợ nhân dân trồng chè để bảo vệ rừng phòng hộ, thì tới nay, diện tích đã lên tới 210 ha. Đầu tiên chỉ có một số hộ ở hai thôn bản Pước và bản Phú trồng, chăm sóc và bảo vệ chè Khau Mút, thì nay đã có thêm 3 thôn khác trồng. Có được những con số này phải kể tới công lao của những đảng viên nơi đây. Câu chuyện về những đảng viên Phùng Vinh Chu, Phùng Quang Sơn, La Minh Thịnh, Trương Văn Đức... đi bộ cả ngày đường lên Khau Mút để phát cỏ, chăm sóc chè Khau Mút mấy năm về trước rồi vận động nhân dân cùng làm theo vẫn còn được nhắc tới giờ.
Ông Chu kể, đường sá quá gian nan, hái được vài cân chè Khau Mút tươi phải mất cả ngày đi núi. Vì thế mà chè Khau Mút có khi bị bỏ không, bà con ít lên chăm sóc. Thế rồi, nhận thấy nếu chỉ trông vào ruộng, nương thì không thoát nghèo được. Những đảng viên ở đây đã tiên phong lên Khau Mút để phát cỏ và đốn chè, chăm sóc chè. Chỉ năm sau, búp chè ra hái không xuể. Ông Chu và một số đảng viên khác bắt đầu làm lán trên núi Khau Mút. Hái đến đâu, sao ngay tại lò rồi vận chuyển xuống núi. Ban đầu chè Khau Mút chỉ để phục vụ người dân địa phương. Sau này, khi tiếng tăm lan truyền, có hẳn “đại gia” lên tận Thổ Bình đặt mua.
Có thu nhập, ông Chu, ông Thịnh và các đảng viên khác vận động nhân dân lên núi dựng lán chăm sóc, chế biến chè. Đặc biệt là khi Nhà nước có chính sách hỗ trợ người dân ở đây trồng chè để bảo vệ rừng phòng hộ. Trong khi một số hộ còn băn khoăn không biết trồng như vậy có ảnh hưởng gì tới chè Khau Mút cổ thụ không thì ông Chu và nhiều đảng viên khác đã tiên phong nhận giống chè của Nhà nước về trồng trên núi Khau Mút. Anh Phùng Quang Thanh, người dân bản Pước bảo: “Nghe và làm theo đảng viên trồng chè vừa để bảo vệ rừng phòng hộ vừa mang lại thu nhập nên mình cũng trồng. Bây giờ, nhà mình có trên 4 ha chè. Trong đó, bố mẹ để lại trên 1 ha, còn lại là chè trồng năm 2009 do Nhà nước hỗ trợ”.
Gia đình anh Thanh đã xây nhà ở bản Pước, nhưng chủ yếu sống trên núi Khau Mút để chăm sóc và chế biến chè. Ngoài những hộ ở bản Pước thì còn nhiều hộ ở các thôn khác cũng nhận chè về trồng trên núi Khau Mút, vừa bảo vệ rừng, vừa có thu nhập khá lúc nông nhàn. Được biết từ nhiệm kỳ trước cho tới nhiệm kỳ này, Đảng bộ xã Thổ Bình đã xác định cây chè là cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế của xã và đưa vào nghị quyết của Đảng bộ.
Bí thư Đảng ủy Hoàng Văn Chinh cho biết thêm, nhiều năm trước, hầu hết chè Khau Mút chỉ được thu hái khi đến kỳ ra búp. Nhận thấy tiềm năng lớn về giá trị kinh tế của cây chè, Đảng ủy đã chỉ đạo các chi bộ chọn một số nhóm hộ gia đình đảng viên làm nòng cốt ở các thôn để lên núi chăm sóc, đốn tỉa chè Khau Mút, phát quang lối đi. Rồi sau đó, việc làm này được các hộ gia đình khác làm theo. Nhờ vậy, người dân ở các thôn có diện tích chè Khau Mút không chỉ biết thu hái khi chè ra búp mà bắt đầu biết chăm sóc chè.
Những trăn trở...
Chè Khau Mút được người dân truyền tụng là loại chè “cực ngon, cực sạch, cực khổ”, bởi chè được hái, chế biến hoàn toàn thủ công và kinh nghiệm của người xưa để lại. Hương vị chè Khau Mút không giống với bất kỳ loại chè nào. Với vị trí trồng ở cao, quanh năm mây phủ, có sương giăng nên chè Khau Mút có hương thơm kỳ diệu. Người uống cứ từ từ thưởng thức vị ngọt dần nơi đầu lưỡi xuống cổ họng. Vị ngọt thanh mà không chát. Nếu ai được thưởng thức chè Khau Mút tưởng như đang được uống cả những giọt sương mai trên đỉnh núi. Người dân Thổ Bình thu hái chè Khau Mút vào 3 vụ chính và một vụ phụ trong năm. Chè ngon nhất nếu được thu hái vào dịp tháng 10 đến tháng 12 âm lịch, khi tuyết bắt đầu rơi.
Nhưng để hái được 10 - 15 kg chè thì người dân phải mất nửa ngày đi lên và nửa ngày đi xuống. Do thời gian để hái rất ít nên sản lượng thu hái không được nhiều. Bình quân cứ 10 kg chè tươi mới chế biến được 2 kg chè khô. Do đó, để có được sản phẩm chè Khau Mút phải rất cực khổ. Mỗi cân chè Khau Mút hiện nay đang được người dân Thổ Bình bán với giá 180 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng/kg. Trong khi các sản phẩm chè khác có giá bán cao hơn rất nhiều. Mặc dù chè Khau Mút được xem là thơm ngon có thể sánh với các loại chè tiếng tăm khác song giá bán vẫn chưa cao, chưa tương xứng với giá trị của chè Khau Mút.
Nguyên nhân là bởi chè Khau Mút vẫn được thu hái, chế biến thủ công, chưa có sự đầu tư trong quy trình chế biến cũng như cải thiện về mẫu mã. Gia đình đảng viên La Minh Thịnh trồng 10 ha chè, mỗi năm thu nhập khoảng 50 đến 60 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập chưa xứng đáng so với giá trị của chè Khau Mút và diện tích chè hiện có của gia đình ông. Ông Thịnh trăn trở: “Nếu được đầu tư thì chè Khau Mút có thể được bán với giá hàng triệu đồng/kg, cao gấp nhiều lần so với giá bán hiện tại. Khi giá bán cao hơn thì đời sống của người trồng chè Khau Mút mới được cải thiện”.
Đường đi khó khăn cũng là trở ngại lớn mà chè Khau Mút vẫn chưa được tận thu. Nhiều hộ đã dựng lán, chế biến thủ công ngay trên núi. Sản phẩm chè hiện nay mới chỉ bán lẻ cho những khách hàng quen, đã biết đến thương hiệu. Làm sao để đầu ra ổn định và thị trường rộng vẫn là trăn trở của chính quyền và người dân nhiều năm qua. Bởi nếu một hộ có diện tích lớn, có khách quen thường xuyên thì một năm cũng có nguồn thu không nhỏ. Gia đình đảng viên Phùng Quang Sơn, chi bộ bản Pước trồng hơn 6 ha chè Khau Mút. Mỗi năm bình quân, anh Sơn thu nhập khoảng 50 đến 60 triệu đồng/năm.
Thổ Bình hiện có Hợp tác xã Đồng Tiến đứng ra nhận thu mua chè tươi của bà con. Hợp tác xã cũng đã được hỗ trợ kinh phí đầu tư máy móc, nhà xưởng, song vẫn chưa thực sự trở thành nơi tiêu thụ ổn định về đầu ra cho sản phẩm. Theo Giám đốc Phượng Quý Chu, do đường sá quá khó khăn, thời gian vận chuyển chè tươi từ núi xuống khá lâu, chủ yếu bằng cách gùi, gánh nên khi chế biến và cải thiện mẫu mã rất khó khăn. Đó cũng là lý do mà Hợp tác xã không dám thu mua với số lượng nhiều. Ngay như giải pháp cho các tổ viên mang máy móc lên núi chế biến cũng không được, vì trên núi không có điện nên vẫn chỉ sao thủ công. Trong khi nhu cầu của khách là vừa phải đảm bảo chất lượng vừa phải có hình thức đẹp. Đây cũng là một khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm chè Khau Mút.
Trao đổi về những trăn trở của người dân, Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình Nguyễn Văn Dưng cho biết: chè Khau Mút đã được Sở Nông nghiệp và PTNT đưa vào quy hoạch vùng nguyên liệu chè từ năm 2013. Nhãn hiệu chè Khau Mút đã được công nhận song để phát triển thành thương hiệu, để nhiều người biết đến chè Khau Mút thì vẫn còn nhiều khó khăn. Giá chè Khau Mút hiện nay được người dân bán ra còn thấp so với nhiều loại chè đặc sản khác trên thị trường bởi chè chưa được cải thiện về mẫu mã cũng như chưa có nhiều người biết đến giá trị của chè Khau Mút. Hiện nay, đã có HTX đứng ra thu mua chè của nhân dân song mới được đầu tư ít, chưa phát huy được hiệu quả thực sự là nơi liên kết để tiêu thụ, bao tiêu sản phẩm chè Khau Mút.
Đường giao thông cũng là trở ngại rất lớn. Để đầu tư một đoạn đường hơn chục ki - lô - mét lên tới Khau Mút phải tốn hàng chục tỷ đồng. Xác định đây là loại cây trồng có giá trị, đặc sản của huyện trong phát triển nông nghiệp, huyện cũng đã chỉ đạo một số ngành chuyên môn của huyện khảo sát, đề xuất phương án để phát triển cây chè Khau Mút. Giải pháp trước mắt là huyện sẽ hỗ trợ, khuyến khích phát triển các tổ hợp tác chế biến chè ở Thổ Bình; triển khai mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc chè cho người dân đồng thời từng bước đưa khoa học vào trong chế biến, sản xuất chè Khau Mút.
Từ đó cải thiện quy trình, mẫu mã và chất lượng chè; nâng cao giá trị kinh tế và thu nhập cho người trồng chè Khau Mút. Đồng thời sẽ lưu ý tới việc đưa chính giống chè Khau Mút nguyên bản từ xưa để nhân rộng chứ không lấy giống chè từ nơi khác. UBND huyện sẽ có sự chỉ đạo đối với chính quyền địa phương để nâng cao hiệu quả hoạt động của Hợp tác xã để HTX có sự liên kết chặt chẽ với người dân trong thu mua, chế biến; tiêu thụ chè Khau Mút. Ngoài ra, huyện cũng đang nghiên cứu phương án liên kết với Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm để mở rộng thị trường tiêu thụ và tiếp tục kêu gọi một số doanh nghiệp và tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư đường giao thông lên khu vực trồng chè Khau Mút.
Ấm chè Khau Mút phả ra mùi thơm ngào ngạt trong căn lán nhỏ nơi mây bay. Câu chuyện chúng tôi kể bỗng sôi nổi khi nói về các chính sách của tỉnh như: hỗ trợ phát triển sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, hỗ trợ phát triển Hợp tác xã. Việc đầu tư chế biến và tiêu thụ chè Khau Mút theo quy trình vẫn là trăn trở lớn nhất của người dân. Bởi khi tiếp cận được với thị trường rộng lớn, ắt sẽ phát triển và dần dần xây dựng được thương hiệu chè Khau Mút. Còn tôi, chẳng thể nào quên được ánh mắt ngời sáng của những đảng viên và người dân thôn bản Pước trên đỉnh núi Khau Mút này, ánh mắt lấp lánh hy vọng...