Gia đình anh Phạm Văn Thi, thôn 13 Minh Quang, xã Minh Hương thường xuyên duy trì đàn vịt bầu đặc sản tới vài trăm con. Anh bảo, cũng chẳng dễ đâu, các cụ bảo rồi “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt”. Nuôi vịt để ăn theo kiểu tự cung tự cấp thì dễ chứ nuôi theo số nhiều mang tính hàng hóa thì cũng có những rủi ro và bấp bênh lắm, mà nguyên do chính là loại thủy cầm này cũng hay bị dịch bệnh. Nếu không phòng ngừa dịch bệnh, chăm sóc đàn vịt chu đáo rất dễ thất bại.
Quyết tâm làm giàu bằng nghề nuôi đàn vịt bầu đặc sản này, anh Thi đã tìm hiểu kiến thức qua các chương trình nhà nông về kỹ thuật chăn nuôi vịt. Với diện tích 5 sào đất của gia đình, anh đã xây dựng chuồng trại, phân chia ô chuồng riêng dành cho vịt đẻ và vịt thương phẩm. Tuân thủ các quy trình chăm sóc và phòng dịch, gia đình anh Thi thường xuyên có 300 con vịt đẻ, hơn 350 con vịt thương phẩm. Để thịt vịt thơm ngon và vịt đẻ trứng nhiều, không chỉ để vịt tự bơi lội, tìm kiếm thức ăn bên dòng suối Minh Hương, anh còn phải nuôi chúng bằng thóc, bằng chuối thái lẫn với cỏ voi. Đều đều ngày 2 lần, vịt phải có 2 bữa ăn no, còn với vịt bé thì phải chẵn 3 bữa.
Gia đình anh Phạm Văn Thi, thôn 13 Minh Quang, xã Minh Hương (Hàm Yên) thu lãigần 500 triệu đồng/năm từ nuôi Vịt bầu Minh Hương.
Theo anh Thi, đối với vịt đẻ anh chỉ nuôi trong khuôn viên, không thả suối vì dễ bị động làm dập trứng, người nuôi thường thu hoạch trứng từ sáng sớm vì vào thời điểm này, đa số vịt đã “rớt hột” và phải nhặt ngay. Còn vịt thương phẩm được thả ra suối từ 9 giờ sáng ngay gần nhà và theo thói quen cứ 16 giờ chiều cho ăn là chúng khác tự về, loại này nuôi đến tháng thứ 4 thì đầu mới xanh và bắt đầu ăn khỏe nên trên 5 tháng mới có thể xuất bán, trung bình mỗi con nặng từ 1,9 kg đến 2,2 kg/con, giá bán từ 90.000 đồng đến 110.000 đồng/kg.
Để chủ động về con giống, gia đình anh đầu tư 4 lò ấp trứng với công suất 4 vạn trứng nên mỗi năm anh nuôi 5, 6 lứa vịt. Sau một tháng ấp trứng, sẽ tiến hành úm vịt rồi mới thả ra chăn. “Dù chăm sóc vịt đẻ hay vịt thương phẩm đều công phu như nhau, mất nhiều thời gian và công sức, nhiều khi lại gặp phải khó khăn về đầu ra trên thị trường”, anh Thi nói điều trăn trở với chúng tôi. Cùng thôn 13 Minh Quang, chị Sằm Thị Tân cũng nuôi vịt bầu và có thu nhập thường xuyên. Chị cho biết, nhờ nuôi vịt bầu mà gia đình chị có đồng ra đồng vào. Được mùa vụ thì có thể đổi đời nhưng nếu không may gặp phải vài con mắc bệnh, bỏ ăn là chị lại mất ăn mất ngủ cả ngày để lo chạy chữa, đề phòng lây lan cả đàn phải tiêu hủy.
Giấy chứng nhận nhãn hiệu “Vịt bầu Minh Hương”do Cục Sở hữu trí tuệ cấp.
Những năm trước đây, người dân xã Minh Hương quanh năm chỉ chăn nuôi vịt nhỏ lẻ, chưa bao giờ nghĩ đến chuyện marketing, quảng cáo, tạo dựng thương hiệu, thị trường. Nay thời buổi kinh tế thị trường, người dân thôn 13 Minh Quang nói riêng, xã Minh Hương nói chung đã dần phát huy được những lợi thế sẵn có của vùng đất thiên nhiên ban tặng, biết ứng dụng kỹ thuật hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Bà con ý thức rằng, một khi chưa quảng bá tốt và tạo lập được thương hiệu thì vịt bầu Minh Hương vẫn chưa thể đứng vững trở thành hàng hóa được.
2- Dẫn chúng tôi tham quan một số mô hình nuôi Vịt bầu Minh Hương đặc sản, ông Hoàng Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Minh Hương cho hay, đặc điểm của xã Minh Hương là xã có dòng suối từ khu rừng đặc dụng Cham Chu chảy qua 25 thôn bản với tổng chiều dài hơn 17 km. Dòng suối trong xanh, hiền hòa này là một ưu đãi mà thiên nhiên ban tặng cho Minh Hương phát triển chăn nuôi, cùng với điều kiện thổ nhưỡng, cách thức chăn nuôi của bà con nơi đây đã tạo nên giống vịt bầu nức tiếng thơm ngon này. Vịt bầu Minh Hương có đặc điểm con cái lông vằn, chân ngắn, vịt bầu đực đầu xanh biếc, mình tròn. Thức ăn cho vịt ngoài thóc, chuối, sắn, ngô, còn là cua, ốc ở suối. Năm 2014 -2015, UBND xã Minh Hương đã xúc tiến xây dựng thương hiệu vịt bầu Minh Hương, giao cho Hợp tác xã nông nghiệp Bằng Tiến làm chủ sở hữu đăng ký nhãn hiệu. Đến tháng 12 năm 2015 thì được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu Vịt bầu Minh Hương. Từ cơ sở này, Hợp tác xã nông nghiệp Bằng Tiến đã thành lập tổ thu mua tiêu thụ sản phẩm vịt bầu trên cơ sở các thành viên sở hữu nhãn hiệu tập thể tiêu thụ số lượng tương đối lớn sản phẩm vịt thịt thương phẩm cho người tiêu dùng trên địa bàn trong và ngoài tỉnh.
Thuận lợi cho Hợp tác xã nông nghiệp Bằng Tiến là Dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn (TNSP), Ban hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp huyện đã vào cuộc, thành lập 3 tổ hợp tác với trên 20 thành viên tham gia, tổ chức các hoạt động chung như cùng mua thức ăn, con giống, hỗ trợ xây dựng chuồng trại. Tổ hợp tác thôn 4 Minh Tiến và thôn 6 Minh Tiến là một trong những tổ hoạt động hiệu quả, thực sự đem lại những lợi ích cho bà con nông dân nơi đây. Bà Hoàng Thị Thành, dân tộc Dao, thôn 4 Minh Tiến bảo, 10 hộ nuôi vịt tham gia tổ hợp tác được dự án hỗ trợ 115 triệu đồng cùng với số tiền các hộ đóng góp là 29 triệu để xây dựng chuồng trại. Khác với trước đây, chuồng chỉ đơn giản đóng bằng tre, lợp mái lá, không đảm bảo vệ sinh thì nay chuồng trại có nền bê tông, tường gạch xây, mái lợp Fibro xi măng, sạch sẽ lắm. Thấy được lợi ích khi tham gia tổ hợp tác, các hộ gia đình đã mạnh dạn phát triển đàn vịt nuôi, từ những mô hình nhỏ lẻ chỉ từ 30 - 50 con vịt đến nay số lượng đàn vịt của các thành viên trong tổ tăng lên nhiều, hộ nào ít thì nuôi trên 100 con, hộ nào nhiều nuôi đến 450 con.
Hộ nuôi vịt thường chăn thả vịt trên dòng suối bắt nguồn từ khu rừng đặc dụng Cham Chu.
Chủ tịch UBND xã Minh Hương Hoàng Văn Nhân nhẩm tính, nếu năm 2011 số lượng vịt bầu Minh Hương xuất bán chỉ hơn 13.000 con, thì năm 2016 này dự kiến số lượng xuất bán là hơn 40.000 con, tương đương trên 80 tấn vịt thương phẩm. Một tín hiệu rất đáng mừng là tại Lễ công bố nhãn hiệu Vịt bầu Minh Hương được tổ chức tại UBND xã Minh Hương vào đầu tháng 8 vừa qua, nhiều doanh nghiệp, chủ các nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống trong tỉnh, ngoài tỉnh đến đặt hàng. Anh Nguyễn Đa Phúc, chủ Nhà hàng Cội nguồn, thành phố Việt trì (Phú Thọ) cho hay, Nhà hàng Cội nguồn đã có 6 năm liên tục thu mua loại Vịt bầu Minh Hương đặc sản. Không chỉ phục vụ nhu cầu thực khách tại nhà hàng, đơn vị còn phân phối đến một số bạn hàng khác tại các tỉnh, thành như: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, khoảng thời gian tiêu thụ mạnh nhất là từ tháng 3 đến tháng 9 trong năm.
Để thương hiệu vịt bầu Minh Hương mãi giữ vững và phát triển hơn nữa, Phó Chủ tịch UBND huyện Đỗ Đức Chiến khẳng định, trong thời gian tới, UBND huyện sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Chọn lọc, sử dụng đúng con giống vịt bầu Minh Hương để sản xuất, cung cấp giống cho các hộ gia đình chăn nuôi. Xây dựng, hướng dẫn, quản lý chặt chẽ quy trình chăn nuôi vịt của từng hộ gia đình, sử dụng thức ăn có chất lượng tốt nhất vào chăn nuôi vịt, đảm bảo sản phẩm vịt bầu Minh Hương an toàn vệ sinh thực phẩm để cung cấp ra thị trường. Đồng thời, huyện xây dựng lịch trình chăn nuôi gắn với tiêu thụ khép kín từ khâu đưa vịt vào chăn nuôi, thời gian xuất bán, đảm bảo đủ số lượng, chất lượng thịt, được kiểm tra chặt chẽ trước khi xuất bán, giao nhận sản phẩm theo đúng hợp đồng ký kết, lấy yếu tố chất lượng để duy trì thương hiệu “Vịt bầu Minh Hương”. Huyện mời gọi các tổ chức kinh tế đầu tư vào chuỗi phát triển sản xuất, chăn nuôi, tiêu thụ vịt bầu tại địa bàn xã Minh Hương, tạo điều kiện hỗ trợ liên kết bền vững trong phát triển chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm.
Việc Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “Vịt bầu Minh Hương” sẽ góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm, là động lực để bà con nhân dân nơi đây phát triển sản xuất, đưa thương hiệu vịt bầu Minh Hương ngày một tỏa rộng, lan xa.