Tàu tên lửa cỡ nhỏ Buyan-M của Nga.
Theo Sputnik, tàu tên lửa hộ tống lớp Tarantul của Việt Nam do Liên Xô chế tạo nay đã cũ và đang trở nên lỗi thời. Trong tương lai, tàu tên lửa này cần được thay thế bằng loại tàu chiến hiện đại nhằm đáp ứng với những yêu cầu tiên tiến nhất, giúp Việt Nam tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền trên biển.
Báo Nga nhận định, một trong những lựa chọn có thể giúp Việt Nam thay thế những tàu Tarantul lỗi thời, có thể là tàu tên lửa lớp Buyan-M hiện đại nhất của Hải quân Nga. Đây là mẫu tàu tên lửa cỡ nhỏ, được trang bị tên lửa hành trình Kalibr tiên tiến.
Các tàu Buyan-M thuộc Hạm đội Caspian đã phóng tên lửa Kalibr, trong cuộc không kích Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria tháng 10.2015 và tháng 8.2016.
Hiện tại, Hải quân Nga mới được trang bị 5 tàu tên lửa Buyan-M. 3 tàu khác đang trong kế hoạch đóng mới, sẽ được chuyển giao cho Hạm đội Biển Đen và Baltic với chi phí 417 triệu USD. Nga có thể sở hữu 10 tàu tên lửa Buyan-M cho đến năm 2019.
Buyan-M phóng tên lửa hành trình Kalibr.
Ngoài 8 ống phóng tên lửa hành trình Kalibr-NK tầm bắn 220 km, các tàu Buyan-M còn được trang bị pháo A-190M 100 mm, tốc độ bắn 80 phát/phút, tầm bắn tối đa 20 km. Trên tàu hộ tống được trang bị pháo 12 nòng AK-630M-2 30 m, hai hệ thống tên lửa phòng không tầm thấp Gibka sử dụng tên lửa Igla, hai súng máy hạng nặng 14,5mm và ba súng máy 7,62mm.
Sử dụng động cơ Zvezda M520, tàu đạt tốc độ 25 hải lý/h và tầm hoạt động 2.800 km hoặc 4.300 km ở tốc độ 12 hải lý/h.
Trước những ưu điểm đáng kể của đội tàu Buyan-M khi thực chiến, Việt Nam đang nghiêm túc xem xét khả năng thay thế tàu tên lửa hộ tống lớp Tarantul từ thời Liên Xô bằng tàu Buyan-M mới nhất, Sputnik cho biết.
Ngoài ra, 10 quốc gia khác cũng đang quan tâm đến tàu tên lửa Buyan-M. Thông tin đăng tải trên Sputnik chưa được giới chức Nga và Việt Nam chính thức xác nhận.