Dân Việt

Giải mã tính toán gây sốc khó lường của Tổng thống Philippines

Phương Đăng 15/09/2016 08:00 GMT+7
"Tôi sẽ vạch ra đường lối mới (cho Philippines) và sẽ không phụ thuộc vào Mỹ", ông Rodrigo Duterte, vị Tổng thống nổi tiếng cứng rắn, mạnh bạo của Philippines từng tuyên bố. Theo đó, dưới sự dẫn dắt của ông Duterte, chính sách đối ngoại của Philippines đang chuyển hướng nhanh chóng mặt.

Xa lánh và quay mũi giáo chống lại Mỹ  

Theo giới phân tích, với những người từng nghi ngờ khả năng ông Duterte có thể "đảo chiều" quan hệ với Mỹ, đồng minh quan trọng và lâu năm của Philippines, những sự kiện xảy ra trong 2 tuần gần đây đủ để khiến họ phải thay đổi suy nghĩ.

img

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (trái) mới đây bị chỉ trích vì vạ miệng xúc phạm Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Sau khi nhậm chức vào cuối tháng 6, Tổng thống Philippines Duterte đã nhanh chóng tiến hành củng cố quyền lực trong bộ máy nhà nước và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nhóm xã hội dân sự khác nhau ở trong nước. Điều này cho phép ông Duterte có khả năng ung dung chuyển hướng chính sách đối ngoại của Philippines, thiết lập một đường lối mới không giống bất cứ người tiền nhiệm nào của ông mà không sợ vấp phải những trở ngại đáng kể.

"Tôi thực là một người thô lỗ. Tôi đang tận hưởng những nốt những ngày còn được phép là một người đàn ông thô lỗ. Khi tôi trở thành tổng thống, vào thời điểm tôi tuyên thệ nhậm chức, sẽ có một sự lột xác", ông Duterte từng cam đoan với những người ủng hộ mình.

Lời cam kết của ông Duterte khi đó khiến nhiều người nhầm tưởng rằng, chiến lược hùng biện cứng rắn của ông thời tranh cử - bao gồm cả những tuyên bố nhắm trực tiếp vào Mỹ -  đơn giản là một cách quảng bá khôn ngoan, không có gì đáng ngại.

Do đó khi ông Duterte tới dự hội nghị thượng đỉnh của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) được tổ chức tại thủ đô Viêng Chăn của Lào tuần trước, nhiều người kỳ vọng thấy được sự "lột xác" của ông để trở nên sắc sảo, mềm mỏng và khôn khéo hơn, giống như những gì vị tổng thống này từng tuyên bố. Tuy nhiên, sau tất cả, Tổng thống Duterte lại cho cả thế giới thấy lối đối ngoại theo kiểu Hyde và Jekyll (tính 2 mặt trong một con người) của mình.

Theo đó, tại hội nghị, ông Duterte - người nhận cương vị chủ tịch hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm 2017 và vốn được đánh giá là người theo đuổi chính sách đối ngoại thực dụng cao trong  tranh chấp Biển Đông và các quan hệ với Trung Quốc -  đã nồng hậu ôm các nhà lãnh đạo châu Á, trong khi gay gắt buông những lời lẽ xúc phạm tới Tổng thống Mỹ Barack Obama, nguyên thủ của một nước đồng minh quan trọng và lâu năm với Philippines.

Thế rồi, ngay sau đó, khi phía Mỹ "nổi giận" trước những lời lẽ xúc phạm ông Obama và hủy bỏ cuộc họp song phương, Tổng thống Duterte vội vã bày tỏ sự hối tiếc về vạ miệng mà ông mắc phải. Ông nhấn mạnh rằng, những lời nhận xét thô lỗ của mình không nhắm trực tiếp vào Tổng thống Obama. Về phần mình, để hạ thấp căng thẳng và giữ quan hệ, ông chủ Nhà Trắng tuyên bố trấn an đồng minh Philippines rằng, ông không để bụng những lời nhận xét xúc phạm mang tính cá nhân của Tổng thống Duterte. 

img

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chạm mặt Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Lào sau vạ miệng.

 Tuy nhiên, ngay khi nhiều người vừa thở phào rằng, nỗ lực kiểm soát hậu quả từ vạ miệng của ông Duterte đã thu "trái ngọt" thì vị Tổng thống Philippines lại một lần nữa bất ngờ quay mũi giáo tấn công Mỹ.

Theo đó, ông Duterte ngày 12.9 tuyên bố muốn toàn bộ lực lượng đặc nhiệm Mỹ đang hỗ trợ quân đội sở tại chống khủng bố ở tỉnh Mindanao kể từ năm 2002 phải rút về nước.  

Tổng thống Philippines nhấn mạnh, ông "không muốn gây bất hòa với Mỹ. Nhưng các binh sĩ Mỹ phải ra đi. Chừng nào chúng ta còn đứng về phía Mỹ, chúng ta sẽ không bao giờ có hòa bình tại Mindanao. Chúng ta có thể phải bỏ cuộc" đồng thời cảnh báo là nếu người Mỹ còn hiện diện trong vùng họ sẽ bị bắt làm con tin hoặc bị giết. Giới phân tích nhận định, tuyên bố trên của ông Duterte có thể tiếp tục đẩy quan hệ Mỹ - Philippines vào tình trạng căng thẳng, nhưng mang lại tiếng tăm cho ông trong dân chúng thoogn qua một thông qua lập trường độc lập hơn về an ninh.

Theo đó, chỉ trong khoảng một tháng qua, quan hệ giữa Mỹ và Philippines đã đảo chiều từ "mối quan hệ chiến lược, đặc biệt quan trọng  tới bất ổn và căng thẳng". Theo giới phân tích, tình trạng này có thể sẽ lặp đi lặp lại và làm thay đổi mối quan hệ song phương gần gũi và lâu năm giữa Mỹ và Philippines.

Xích lại gần Trung Quốc

Bất chấp những tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và chiến thắng pháp lý mang tính bước ngoặt mới đây của Philippines trong vụ kiện Đường lưỡi bò mới đây với Trung Quốc, ông Duterte liên tục nhấn mạnh chủ trương muốn đối thoại và đàm phán song phương với Trung Quốc. Theo đó, chính sách của ông Duterte được đánh giá là mang tính thực dụng cao khi tránh đối đầu quyết liệt với Trung Quốc.

img\

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bắt tay Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Hội nghị  ASEAN  tại Viên Chăn, Lào hôm 7.9.2016

Việc Tổng thống Duterte nhiều lần "gây sự" với Mỹ trong đó bao gồm tuyên bố sẵn sàng xem xét lại quan hệ song phương, cụ thể là các thỏa thuận quân sự giữa Manila và Washington cũng được giới phân tích nhận định là động thái nhằm giúp Philippines xích lại gần hơn với Trung Quốc.

Đặc biệt, trong khi tỏ ra xa lánh Mỹ, nhà lãnh đạo Philippines lại kêu gọi hợp tác mạnh mẽ hơn với Trung Quốc và Nga, bao gồm cả lĩnh vực quân sự.

Bloomberg ngày 13.9 dẫn nguồn tin cho hay, Tổng thống Duterte dường như đang xem xét khả năng mua vũ khí của Nga và Trung Quốc.

Ông Duterte nói Philippines cần máy bay trực thăng có thể sử dụng để chống lại quân nổi dậy và chống khủng bố ở Mindanao, với giá rẻ hơn mà không có sự ràng buộc nào.

"Tôi không cần máy bay phản lực, F-16 chẳng ích gì cho chúng tôi. Chúng tôi không có ý định chống lại bất cứ nước nào", ông Duterte tuyên bố và cho biết thêm rằng, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana cùng các quan chức kỹ thuật trong các lực lượng vũ trang sẽ thăm Trung Quốc và Nga để "xem những gì là tốt nhất."

Chưa hết, Tổng thống Philippines cũng đang chuẩn bị cho khả năng tổ chức chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc càng sớm càng tốt, có thể trong những tuần tới, hướng tới mục đích chính là giải quyết tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc một cách hòa bình..

"Trung Quốc có thể đang lo lắng về tôi. Vì vậy, họ đề nghị cung cấp các máy bay. Nếu chúng tôi muốn mua máy bay từ một bên đối tác (Trung Quốc), nếu đó là hàng miễn phí, tại sao chúng ta lại không nhận lấy? Ồ, cảm ơn!", Tổng thống Duterte nhấn mạnh.

Như vậy, sau tất cả, theo giới phân tích, nhà lãnh đạo mới của Philippines đã đưa ra một thông điệp rất rõ ràng rằng, ông không bận tâm đến những lời chỉ trích từ phía Mỹ và sẵn sàng quay lưng với đồng minh thân cận lâu năm để đổi lấy chính sách độc lập hơn về an ninh, lấy lòng người dân trong nước, cũng như gây dựng mối quan hệ êm đẹp hơn với Trung Quốc.