Dân Việt

Triều Tiên chế giễu màn phô diễn sức mạnh máy bay B-1B Mỹ

Đăng Nguyễn - Sputnik 15/09/2016 13:31 GMT+7
Sau khi máy bay ném bom chiến lược B-1B bay qua bầu trời Hàn Quốc, Triều Tiên ngày 14.9 ra tuyên bố nói Mỹ đang “tự lừa dối” và “khoác lác”.

img

Máy bay ném bom chiến lược B-1B.

Theo Sputnik News, Mỹ hồi đầu tuần này đã điều hai máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer bay tầm thấp trên căn cứ không quân Osan ở Hàn Quốc, cách đường biên giới khu phi quân sự giáp Triều Tiên 77 km, cách thủ đô Seoul của Hàn Quốc 40 km.

“Màn phô diễn ngày hôm nay là một ví dụ nữa về năng lực quân sự toàn diện với nguồn lực lớn của một liên minh mạnh mẽ, có thể giúp cung cấp và củng cố khả năng răn đe mở rộng”, Tướng Vincent K. Brooks, chỉ huy Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc tuyên bố.

Nhưng nếu chuyến bay này nhằm gửi thông điệp răn đe đến Triều Tiên thì Bình Nhưỡng không hề cảm thấy ấn tượng.

“Người Mỹ đang tự lừa dối rằng những chiếc B-1B là đủ để chống lại một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện”, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA tuyên bố. “Mỹ tiếp tục điều máy bay ném bom hạt nhân chiến lược bay qua Hàn Quốc để tìm kiếm cơ hội cho một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu”.

img

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (giữa) chỉ đạo một vụ phóng tên lửa.

Triều Tiên cũng khẳng định sẽ có hành động mạnh mẽ chống Mỹ nếu cần thiết. “Mỹ tốt nhất nên chấm dứt những hành động liều lĩnh như vậy”, KCNA tuyên bố.

Giới chức tình báo Mỹ nói Triều Tiên là quốc gia duy nhất đe dọa nước khác bằng đòn tấn công hạt nhân và Bình Nhưỡng không có dấu hiệu sẽ chấp nhận từ bỏ chương trình hạt nhân.

Vụ thử hạt nhân lần 5 của Triều Tiên tuần trước cho thấy nước này có khả năng gắn đầu đạn hạt nhân lên tên lửa đạn đạo. Đây là mối đe dọa lớn với các đồng minh Mỹ trong khu vực cũng như các căn cứ Mỹ ở Hàn Quốc, Nhật Bản và trên đảo Guam.

Soufan Group, cơ quan tư vấn an ninh có trụ sở ở New York cho rằng Triều Tiên có thể sở hữu tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân trong vòng 4 năm tới. “Không có xác nhận chính thức nào về tuyên bố thu nhỏ đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên nhưng ước tính, Bình Nhưỡng sẽ làm chủ công nghệ này vào năm 2020”.