Tại Đại hội Cổ đông thường niên diễn ra sáng 15.9, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) - Chủ tịch HAGL Agrico (mã HNG) cho biết nếu không được nhà nước hỗ trợ thì có thể sẽ phải bán khoảng 20.000 ha cao su ở Lào cho một số đối tác (người Trung Quốc) để trả nợ, số tiền bán này tối thiểu là 8.000 tỷ đồng.
Có thể nói, điệp khúc “chờ nhà nước” hỗ trợ không phải là mới đối với HAGL khi trước đó, mía đường của HAGL cũng phải “kêu cứu” và nhận được những ưu đãi từ Bộ Công Thương trong việc nhập khẩu về Việt Nam. Sự việc cũng gây tranh cãi gay gắt một thời gian dài giữa Bộ Công Thương và Hiệp hội Mía đường… Tuy nhiên hiện tại dù đã được hỗ trợ nhưng bầu Đức cho biết “có thể sẽ bán luôn mảng mía đường…”.
HAGL Agrico dự kiến tiêu thụ khoảng 100.000 con bò thịt trong năm nay
Trở lại vụ việc nếu phải bán 20.000 ha cao su, bầu Đức trấn an cổ đông rằng vẫn còn hơn 60.000 ha đất nhưng 60.000 ha này đang trồng gì và sẽ làm gì thì vẫn chưa được tiết lộ tại đại hội cổ đông.
Dù vậy, thông tin từ các nhà đầu tư có được khi HAGL Agrico lên “sàn” vào năm 2015 là cánh đồng cao su của HAGL Agrico mặc dù mới bắt đầu trồng từ năm 2007 nhưng diện tích được cấp phép lên tới 100.000 ha đất liền thửa, nằm trên ranh giới 3 nước Đông Dương và nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ 3 nước.
Ngoài ra, HAGL Agrico cũng thông qua việc mua lại 100% Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Cao su Đông Dương. Theo giải thích của HĐQT với cổ đông là mua giá trị đất đai với chi phí rẻ, kế hoạch triển khai trồng cây ăn trái trong thời gian tới vì đất rất thích hợp.
“HAGL Agrico mất cân đối là về dòng tiền chứ không mất cân đối về tài sản, trong trường hợp ‘khẩn’ thì có thể bán một phần diện tích cao su và mảng mía đường, khi đó chúng ta sẽ không còn nợ”, bầu Đức trấn an cổ đông.
Trước đó, theo báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, HNG có doanh thu đạt 2.597 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 403 tỷ đồng. Chi phí tài chính là 450 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh chính của công ty có lãi nhưng do các khoản lỗ khác lên tới 525 tỷ đồng nên kết quả cuối cùng, HNG lỗ trước thuế 533 tỷ đồng.
HNG cho biết, nguyên nhân lỗ là do đánh giá lại các tài sản không hiệu quả và lãi vay. Đáng chú ý, chi phí tài chính 6 tháng đầu của HNG lên đến 450 tỷ đồng, chi phí quản lý và bán hàng lần lượt là 85 tỷ và 36 tỷ đồng.
Ở khía cạnh đầu tư cổ phiếu, với các chuyên gia về đầu tư cổ phiếu thì HNG đang được ví như “cổ phiếu rác” bởi sự “tuột giá” không phanh của mã cổ phiếu này. Cụ thể, thời điểm HNG lên sàn, giá khởi điểm lên tới 28.000 đồng/CP, tuy nhiên thời điểm hiện tại giá cổ phiếu HNG chỉ còn 6.700 đồng/CP.
Nhiều chuyên gia đánh giá đây cũng là một “khối u” của Tập đoàn HAGL khi vốn điều lệ của HNG lên tới 7.671 tỷ đồng, trong khi Tập đoàn HAGL nắm giữ trên 540 triệu CP HNG (trên 70% vốn điều lệ) và 124 triệu cổ phiếu HNG đang được Tập đoàn HAGL dùng làm tài sản đảm bảo cho 1.650 tỷ đồng trái phiếu của HAG.
“Những khoản vay được cầm cố bởi cổ phiếu HNG thời gian qua đã kéo HAGL vào thế kẹt khi liên tục bị nhắc nhở vì vi phạm do giảm giá tài sản đảm bảo. Chính vì vậy, dù HAGL và các công ty con nhìn chung vẫn làm ăn có lãi, nhưng dòng tiền bị thiếu hụt nghiêm trọng. Vì vậy, dù mang lại lợi nhuận hàng trăm tỷ mỗi năm cũng không đủ để gỡ tập đoàn này ra khỏi những rắc rối xung quanh các khoản nợ vay lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng”, đại diện Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), nhận xét .