Theo phản ánh của người dân sống tại ấp 3 xã Sông Trầu, tình hình khai thác đá ở đây đã diễn ra gần 20 năm. Tại đây có hàng chục cơ sở khai thác, cưa xẻ đá... diễn ra rầm rộ. Thực trạng khai thác đá đang hoành hành, tài nguyên bị khai thác vô tội vạ, đời sống một bộ phận cư dân trong vùng bị xáo trộn... Hệ lụy của tình hình khai thác đá khiến nhiều thửa ruộng, vườn cây lâu năm bị đào bới, đường dân sinh bị băm nát, môi trường sống của người dân bị ô nhiễm nặng nề…
Xe chở đá không che chắn chạy trên đường rất dễ gây tai nạn. Ảnh: Trần Phương
Theo tìm hiểu của Dân Việt, trước năm 2000, kinh tế ở ấp 3, xã Sông Trầu chủ yếu dựa vào việc trồng cây công nghiệp lâu năm như cà phê, hồ tiêu... Sau đó, do làm nông nghiệp khó khăn nên nhiều người bán vườn cho doanh nghiệp khai thác đá. Thậm chí, những hộ có vườn rộng mở luôn xưởng khai thác, chế tác, cưa xẻ đá ngay trên phần đất của gia đình.
Bà Lan (ngụ ấp 3) bức xúc: “Việc khai thác đá diễn ra tràn lan nên đời sống của người dân bị đảo lộn. Các khu vườn đang trồng cây thì bỗng dưng có người tới đặt điều kiện thuê ngắn hạn hoặc mua luôn khu vườn để khai thác đá. Ban đầu, những chủ mua đưa cho chủ vườn từ 3-5 triệu đồng kèm lời hứa hẹn. Nếu sau quá trình thăm dò có đá mồ côi (loại đá có giá trị thương mại cao, thị trường nước ngoài rất ưa chuộng) thì sẽ tiến hành khai thác và đồng ý trả thêm số tiền lớn. Họ khẳng định, việc khai thác đá không hề ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
Một vườn cây còi cọc do khai thác xong đất không còn dưỡng chất. Ảnh: Trần Phương
Thế nhưng, trên thực tế, chỉ cần chủ khu vườn gật đầu thỏa thuận miệng giữa chủ vườn và người khai thác đá thì người mua đem các loại xe cẩu lớn hiên ngang chạy vào lật tung đất lên hàng chục mét để tìm đá.
“Nhiều máy xúc được các chủ mỏ đưa vào tận vườn để đào xới lấy đi những mảng đá to mang đi. Sau mấy ngày chạy ầm ầm, tiếng nổ vang trời thì các loại xe này rút đi để lại những hố lún to lớn, đất đá lởm chởm, vườn tược cằn cỗi không thể trồng trọt lại. Vì cây cối khó phát triển nên nhiều hộ gia đình bỏ đi nơi khác sinh sống”, bà Lan nói.
Hiện nhiều gia đình khu vực này vẫn đang rao bán đất trong đó có đá mồ côi với giá lên đến hàng trăm triệu đồng/1.000m2.Việc giao thương ở đây hai bên tự thỏa thuận, không thông qua chính quyền địa phương.
Qua nhiều ngày ghi nhận cho thấy, trên các tuyến đường của xã Sông Trầu, hàng trăm xe chở đá không được bao bọc chở theo các tảng đá to lớn lao nhanh trên đường gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Các điểm khai thác đá chủ yếu nằm trong vườn của người dân. Bên ngoài những công trường khai thác đá này không có một bảng hiệu của bất kỳ doanh nghiệp hay công ty nào. Xe ben, xe chở đá chở các tảng đá nặng hàng tấn liên tục ra vào công khai nhưng không có “bóng dáng” một cơ quan chức năng nào xuất hiện để xử lý.
Một người dân sống tại khu vực cho biết, đường trong ấp đầy ổ gà, ổ voi, mùa nắng thì bụi bay mù trời, mưa thì lầy lội, vậy mà xe chở đá phóng nhanh, vượt ẩu, không che chắn nên đá từ thùng xe thường xuyên văng xuống đường, rất nguy hiểm. Những hộ dân gần đường hàng ngày phải đóng kín cửa không cho bụi vào nhà. Môi trường ô nhiễm, nhiều trẻ con mắc các bệnh về hô hấp.
Người dân ở đây cũng cho hay, tình hình này đã diễn ra nhiều năm nay, tiếng ồn ào, cùng những xe chở theo các tảng đá to chạy lộng hành mà không có lực lượng chức năng nào xử lý. Bên cạnh dó, tiếng khai thác đá, tiếng máy xẻ đá, bụi bặm do công trình gần đấy tạo ra bay mù trời, bám đầy vào nhà dân. Ghê rợn hơn, các xe chở đá phóng nhanh, lấn lề, gây ra không ít vụ tai nạn nghiêm trọng.
Dân Việt tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.