Dân Việt

Lời kể đầy ám ảnh của người chở xác bằng xe máy

Xuân Lực 16/09/2016 13:25 GMT+7
Trong số các anh chị em trong gia đình, chị P. là người anh Muôn thương nhất bởi số phận éo le.

img

Do không có tiền thuê xe ô tô nên anh Muôn phải dùng xe máy đưa thi thể em gái về quê mai táng (Ảnh: Tùng Hải)

Liên quan đến sự việc, gia đình ở xã Mường Sại (huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) do kinh tế khó khăn không có tiền thuê ô tô phải buộc thi thể chị Lò Thị P. (SN 1978) vào sau xe máy chở về quê, PV đã nhận được những chia sẻ từ anh Lò Văn Muôn (46 tuổi) - người điều khiển xe máy chở chị P.

Theo anh Muôn, anh được ông Lò Văn Pe (bố đẻ chị P.) nhận làm con nuôi nên coi chị P. và các em (ông Pe có 3 người con đẻ, chị P. là con đầu và hai em trai) như ruột thịt.

Trong số các anh chị em trong gia đình, chị P. là người anh Muôn thương nhất bởi số phận éo le.

Anh Muôn kể, năm 2008 chị P. lập gia đình với anh H. nhưng cuộc sống rất khó khăn. Năm 2010, chị P. sinh được cháu gái và đặt tên là Bạc Thị Bó. Một năm sau chị P. sinh thêm một cháu bé nhưng được khoảng 1 tháng cháu bé lâm bệnh tử vong.

Khi nỗi đau của chị P. còn chưa nguôi ngoai thì năm 2012 anh H. tử vong vì bệnh xã hội. Mất đi chỗ dựa nhưng chị P. vẫn cố gắng làm lụng nuôi con gái nhỏ. Tuy nhiên, chị P. sau đó thường xuyên đau ốm, sức khỏe suy giảm do mắc bệnh nặng.

Đầu tháng 9, chị P. bị bệnh nặng, gia đình anh Muôn đã gom góp tiền đưa chị đi viện chữa trị. Biết chị P. khó qua khỏi, gia đình anh Muôn đã chủ động xin Bệnh viện Lao và bệnh phổi Sơn La được đưa chị P. về quê với mong muốn người phụ nữ bất hạnh sẽ được “nhắm mắt” ở nhà.

“Sau khi biết bệnh tình em gái tôi khó qua khỏi, gia đình thống nhất xin bệnh viện cho em tôi về. Sáng 12.9, tôi cùng một người em họ đi xe máy xuống Bệnh viện Lao và bệnh phổi Sơn La. Gia đình đã viết đơn xin bác sĩ cho phép đưa em tôi về nhà và đã được đồng ý. Sau đó, em họ làm thủ tục xuất viện cho P. rồi chở bố tôi về, còn tôi dìu em gái ra cổng viện để tìm xe về quê.

Do trong túi chỉ còn 400 nghìn đồng nên tôi không thể thuê ô tô mà phải xe ôm chở về. Một người lái xe ôm đứng ở cổng viện đã đồng ý giúp chở anh em tôi về Quỳnh Nhai với giá 400 nghìn đồng”, anh Muôn kể.

Theo anh Muôn, trên đường về, anh ngồi sau xe giữ em gái nhưng đi chừng 20 km thì chị P. đã tử vong.

Về thông tin, người lái xe ôm từ chối đi tiếp sau khi chị P. tử vong, anh Muôn cho biết, sự thật là do anh chủ động nói với người lái xe ôm việc sẽ anh tự chở em gái về.

“Sau khi em gái tôi mất, tôi bảo với ông xe ôm là "cháu cảm ơn ông vì giúp chở anh em cháu tới đây". Tôi thương ông xe ôm nên đưa cho ông ấy 150 nghìn đồng rồi gọi điện cho em trai và bố đưa xe máy lên để đưa P. về.

Trong lúc đang chờ bố và em lên, có hai vợ chồng lớn tuổi tới hỏi han, động viên tôi. Tôi nhờ họ mua giúp một chiếc chiếu để cuốn thi thể em và bát cơm quả trứng thắp hương trước khi đưa về. Sau đó, tôi buộc thi thể P. lên xe máy để chở về, còn em họ và bố tôi thuê xe ôm về”, anh Muôn nhớ lại.

Anh Muôn cho biết thêm, gia đình đã mai táng cho chị P. sau khi đưa về. Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn nên người dân trong thôn bản và chính quyền địa phương đã quyên góp ủng hộ gia đình kinh phí để lo mai táng cho chị P..

Về cháu Bạc Thị Bó, anh Muôn cho biết, do bố mẹ đều đã mất nên cháu đã về sống cùng ông bà ngoại. Tuy nhiên, gia đình rất lo lắng cho tương lai của cháu vì ông ngoại đã cao tuổi và điều kiện kinh tế rất khó khăn.