Trên "National Interest", ông Robert Farley, giảng viên cao cấp về ngoại giao và thương mại quốc tế tại Đại học Kentucky đã chỉ ra 5 loại vũ khí Nga đang sử dụng để duy trì sức ép lên miền Đông Ukraine và Kiev.
Thứ nhất là vũ khí mạng: Nga thực sự nguy hiểm trong không gian mạng và cho thấy có đủ khả năng thực hiện các cuộc tấn công hủy diệt vào hệ thống mạng của kẻ thù. Những cuộc tấn công này gây thiệt hại vật chất đáng kể, nhưng không thường xuyên phải chịu trả giá về ngoại giao vì có thể phủ nhận bằng chứng đã tiến hành tấn công mạng.
Thứ hai là hệ thống phòng không: Ukraine có ưu thế về không quân trước lực lượng ly khai trong thời kỳ đầu cuộc chiến ở miền Đông, nhưng nhờ sự trợ giúp của Nga qua việc cung cấp các tổ hợp tên lửa đất đối không, lực lượng ly khai đã duy trì quyền kiểm soát ở các tỉnh miền Đông khi bắn rơi gần 20 máy bay chiến đấu và trực thăng của Ukraine.
Hệ thống phòng không của Nga là nối sợ đối với Kiev.
Thứ ba là “những người lính xanh”: Khi Nga sáp nhập Crimea, lực lượng đặc nhiệm đã làm nhiệm vụ mở đường, nhanh chóng chiếm lĩnh các cơ sở trọng yếu và chia cắt bán đảo này khỏi phần còn lại của Ukraine. Họ là những người lính được đào tạo bài bản, trở thành một trong những công cụ hiệu quả nhất cho phép Moscow nắm giữ các khu vực sát biên giới mình. Việc nhổ rễ và đánh bật lực lượng này đối với Kiev là rất khó khăn. Nga đã triển khai lực lượng này ở Chechnya, Ukraine, Gruzia, Syria và các nơi khác để tạo ra “sự đã rồi trên thực địa” bằng quân sự, khiến việc đánh bật lực lượng Nga bằng các nỗ lực chính trị và ngoại giao trở nên khó khăn.
Thứ tư là pháo binh: Trong những thập kỷ gần đây, Mỹ không chú ý nhiều đến pháo binh trong tác chiến trên bộ, thay vào đó là tập trung vào phát triển các loại hỏa lực cơ động, chính xác. Một số người cho rằng trọng pháo là tàn tích của một thời đại khác, trong khi một số khác lo ngại việc thiếu chú trọng thứ vũ khí một thời được coi là "chúa tể của chiến tranh" sẽ khiến Mỹ dễ bị tổn thương trước các đối thủ thông thường. Trái ngược với Mỹ, Nga vẫn chú trọng tới vai trò của pháo binh. Nga sử dụng pháo tầm xa bắn vào các đơn vị quân đội Ukraine từ lãnh thổ nước mình. Do không có các thiết bị phản pháo có hiệu quả, quân đội Ukraine bất lực trước pháo binh Nga.
Thứ năm là các thiết bị bay không người lái: Nga chậm chân hơn Mỹ trong nghiên cứu các thiết bị bay không người lái nhưng đang cố đuổi kịp Mỹ. Tại Ukraine, các thiết bị bay không người lái của Nga là những phương tiện quan trọng nhất trong chiến đấu, giúp Nga theo dõi tình hình trên chiến trường, phối hợp với các đơn vị quân đội phát hiện và tiêu diệt các mục tiêu của kẻ thù như các sở chỉ huy, các trung tâm kỹ thuật hậu cần, các điểm tập kết quân đội và khí tài. Với thông tin do các thiết bị bay không người lái cung cấp, pháo binh Nga trở nên nguy hiểm hơn, đặc biệt đối với các binh sĩ và xe quân sự của Ukraine được bảo vệ mong manh.
Cũng trên National Interest, tiến sĩ Nikolas Gvosdev, Chủ tịch hội Địa Kinh tế và An ninh Quốc gia Jerome E. Levy thuộc Học viện Chiến tranh Hải quân nhận định, Nga có khả năng đang chuẩn bị cho một hành động quân sự chống lại Ukraine.
Theo tiến sĩ Gvosdev, Nga có thể đã và đang chuẩn bị cho hành động quân sự tại Ukraine. Dự đoán này được đưa ra trên cơ sở các bằng chứng là Nga liên tục tiến hành các cuộc tập trận với quy mô ngày càng lớn hơn và phạm vi rộng hơn ở khu vực biên giới với Ukraine trong thời gian gần đây.
Có rất nhiều lý do có thể khiến Nga khởi động một chiến dịch quân sự ở Ukraine hoặc các nước Baltic khác, ông Gvosdev nói và cảnh báo thêm rằng các hành động quân sự của Nga sẽ không có khả năng lặp lại sự kiện hàng trăm chiếc xe tăng Liên Xô tiến vào Tây Đức.
Thay vào đó, hành động quân sự của Nga trong môi trường hiện nay sẽ bị nhiều giới hạn về quy mô và biện pháp khác nhau. Một hành động quân sự của Nga có thể là chỉ nhằm cố gắng thay đổi cán cân quyền lực tại Ukraine hoặc tạm thời kiểm soát một vùng đất nhỏ hoặc một ranh giới nào đó trong vùng Baltic để kiểm tra quyết tâm của Mỹ và NATO.
Một trong những lý do mà Nga có thể khởi động chiến dịch quân sự ở Ukraine là do điện Kremlin nhận thức được rằng Liên minh châu Âu sẽ không tiến hành bất kỳ áp lực quân sự nào đối với chính phủ Kiev để buộc họ tuân thủ thỏa thuận Minsk.
"Nga có thể hành động trong vài tháng tới nếu không có áp lực buộc chính phủ Ukraine phải làm điều đó", ông Gvosdev nói.
Ngoài ra, một khả năng nữa là Nga có thể hành động nếu châu Âu không có bất kỳ động thái nào để nâng lệnh trừng phạt chống lại Nga về vấn đề Ukraine.
Ông Gvosdev cho rằng Nga phải đối mặt với một vấn đề lâu dài hơn các biện pháp trừng phạt hiện nay là ảnh hưởng của họ thế nào khi Ukraine trở nên mạnh mẽ hơn nếu Kiev chọn chiến lược giống Croatia sử dụng trong thời gian quật đổ Yugoslavia là tập trung tái thiết và sau đó dồn sức chiếm lại các vùng đất đã mất.
"Nga có thể muốn làm gì đó để thay đổi cân bằng những gì đang xảy ra ở Ukraine nếu họ cảm thấy không còn các biện pháp trừng phạt đến từ châu Âu vào cuối năm nay", ông Gvosdev nói.
Ngoài ra, các cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ có thể là một lợi thế cho điện Kremlin. Cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 11 và tổng thống mới sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20.1.2017. Sự thay đổi nhân sự ở Nhà Trắng có thể dẫn tới sự thay đổi về chính sách cũng như tạo ra một khoảng thời gian "lộn xộn" mà Nga có thể tranh thủ để hành động. "Nếu có kế hoạch, đó là thời điểm thích hợp để làm điều đó", ông Gvosdev nói.