Dân Việt

Đại án VNCB: Bà Hứa Thị Phấn đã “rút ruột” Ngân hàng Đại Tín như thế nào?

H.K.C 18/09/2016 12:01 GMT+7
Đại án VNCB kết thúc nhưng đang mở ra “phần tiếp theo” khi HĐXX đã đề nghị khởi tố ngay tại tòa đối vối bà Hứa Thị Phấn (đại diện nhóm Phú Mỹ) và Hoàng Văn Toàn, Trần Sơn Nam – là các lãnh đạo cũ của NH Đại Tín (nay là NH Xây Dựng) về các hành vi gây thất thoát tài sản của TrustBank; đầu tư trái phiếu, lập hồ sơ nhưng không cho vay, mua bán bất động sản lòng vòng không nộp thuế...

Khách hàng đi vay nhưng không nhận được tiền

Theo lời khai của bị cáo Phan Thành Mai, nguyên Tổng  giám đốc NH Đại Tín (nay là NH Xây Dựng, trước thời điểm 6/2013, trong quá trình rà soát hồ sơ thấy có khoản 2000 tỷ đồng trái phiếu của Công ty Trường Vỹ và Phương Trang đầu tư. Tuy nhiên người chịu trách nhiệm trả nợ và lãi cho khoản trái phiếu 2000 tỷ đồng này lại được ghi là nhóm Phú Mỹ và bà Hứa Thị Phấn.

Theo tìm hiểu, 2000 tỷ đồng nêu trên chính là khoản tiền NH Đại Tín mua trái phiếu  doanh nghiệp mà bên phát hành trái phiếu là Công ty Trường Vỹ (Công ty hợp tác kinh doanh với Phương Trang) vào năm 2010. Sau khi Công ty Trường Vỹ hoàn tất hồ sơ, thế chấp tài sản đảm bảo đầy đủ để phát hành trái phiếu đúng theo quy định thì NH Đại Tín phải giải ngân số tiền 2000 tỷ đồng cho Công ty Trường Vỹ. Tuy nhiên thực tế NH Đại Tín đã không giao tiền theo đúng khế ước đã ký với công ty Trường Vỹ. Chính điều này mà NH Đại Tín đã phải trả lại tài sản thế chấp là căn nhà số 289 Trần Hưng Đạo, Quận 1 cho Công ty Trường Vỹ, nhưng còn tài sản thế chấp khác điển hình như thửa đất 721 diện tích 69.580,4m2 tại Xã Phúc Tân, Bình Chánh thì NH Đại Tín không chịu trả lại .

img

Theo hồ sơ, bà Hứa Thị Phấn đã thừa nhận cấu kết với một số cán bộ chủ chốt củả ngân hàng  Đại Tín lợi dụng hồ sơ mua bán trái phiếu của công ty Trường Vỹ để rút khỏi NH Đại Tín 2000 tỷ đồng để sử dụng trái phép, chuyển vào tài khoản các cá nhân và các Công ty thuộc nhóm Phú Mỹ để tất toán nợ gốc và lãi các khoản vay của nhóm Phú Mỹ tại ngân hàng Đại Tín.

Tại buổi đối chiếu công nợ ngày 18.12.2014 giữa Cty đầu tư Phương Trang với  NH Xây Dựng (trước đây là NH Đại Tín) có sự chứng kiến của cơ quan Thanh tra giám sát NH Nhà nước, hai bên đã xác nhận, Cty Trường Vỹ không nhận bất kỳ một đồng tiền nào từ hợp đồng mua bán trái phiếu nêu trên.

Theo đại diện phía Phương Trang – Trường Vỹ, phía phát hành trái phiếu không nhận một đồng nào từ khoản vay trái phiếu này, cũng không có quan hệ với bất cứ Cá nhân nào khác ngoại trừ quan hệ tín dụng với NH Đại Tín, cho nên tiền vay lại được chuyển vào các tài khoản cá nhân của bà Phấn và nhóm Phú Mỹ là hết sức bất thường. “Chúng tôi đi vay để sản xuất – kinh doanh nhưng không nhận được tiền mà trái lại còn bị giữ luôn Tài sản thế chấp cho đến thời điểm này vẫn chưa giải quyết cho chúng tôi”, đại diện Phương Trang – Trường Vỹ  khẳng định.  

Cần làm rõ và xác định trách nhiệm

Theo hồ sơ tại NH Đại Tín, năm 2010 nhóm Công ty Phương Trang có làm thủ tục vay vốn tại NH Đại Tín với 47 hồ sơ vay và 1 khoản mua bán trái phiếu doanh nghiệp. Tổng số tiền được NH Đại Tín ghi nợ cho nhóm Công ty Phương Trang là 9.437 tỷ đồng, trong đó  có 7.437 tỷ đồng là tiền vay và 2.000 tỷ đồng từ trái phiếu doanh nghiệp. Tài sản đảm bảo mà công ty Phương Trang thế chấp để vay vốn bao gồm các bất động sản và xe ô tô có giá trị trên 14.500 tỷ đồng (giá trị tài sản đảm bảo này do chính NH Đại Tín định giá).

Tuy nhiên, theo xác minh của cơ quan chức năng và kết quả đối chiếu công nợ thì trong số 9473 tỷ đồng mà NH Đại Tín ghi là nợ của nhóm Phương Trang thì nhóm Phương Trang chỉ thực nhận 3436 tỷ đồng; số tiền 6000 tỷ đồng còn lại là do Bà Hứa Thị Phấn cấu kết với một số cán bộ chủ chốt của ngân hàng Đại Tín rút ruột NH Đại Tín rồi ghi thành nợkhống cho công ty Phương Trang?

Câu hỏi đặt ra là 6.000 tỷ đồng mà bà Phấn và nhóm Phú Mỹ ghi thành nợ cho Công ty Phương Trang đã được rút khỏi NH thế nào? Một mình Bà Phấn một mình có thể rút được số tiền ấy không nếu như không có chữ ký đồng ý của nguyên Chủ tịch HĐQT NH Đại Tín, ông Hoàng Văn Toàn – (người có quyền phủ quyết khi là đại diện giữ đến 51% Cổ phần của NH Đại Tín), nguyên Tổng giám đốc NH Đại Tín, ông Trần Sơn Nam và một số cán bộ chủ chốt khác nữa?. Dấu hiệu cấu kết giữa bà Phấn với một số cán bộ chủ chốt như nguyên chủ tịch HĐQT Hoàng Văn Toàn, nguyên Tổng giám đốc Trần Sơn Nam…để “tuồn” lượng tiền lớn lên đến 6000 tỷ đồng của ngân hàng Đại Tín rồi gán nợ khống cho công ty Phương Trang là một trong những nguyên nhân có tính quyết định nhấn chìm ngân hàng Đại Tín. Việc  điều  tra làm rõ và xử lý nghiêm minh trách nhiệm của bà Phấn, ông Toàn, ông Nam và các thuộc cấp khác là đòi hỏi cấp thiết của xã hội nhằm giữ nghiêm kỷ cương phép nước; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các tổ chức và cá nhân có liên quan. 

Ông Phan Thành Mai, nguyên tổng giám đốc NH Xây Dựng (NH Đại Tín trước đây) khai trước tòa, 10 -12/2003 trong hồ sơ có đầy đủ các biên bản làm việc giữa NH và Công ty Phương Trang có NHNH giám sát chứng kiến. Tại đây, nhóm Phương Trang đã đưa ra các chứng cứ chứng minh nhiều hồ sơ trong quá trình vay và chuyển tiền đã bị giả mạo giấy tờ, giả mạo chữ ký và nhóm Phương Trang không nhận được các khoản tiền đầy đủ theo các hợp đồng vay. Các hồ sơ này có lưu lại NH  và có chữ ký, xác nhận của NH Nhà nước. Như vậy cơ quan chức năng cần điều tra làm rõ việc giả mạo các hồ sơ, chữ ký khách hàng do nhóm Hứa Thị Phấn , Hoàng Văn Toàn , Trần Sơn Nam và các cá nhân có liên quan thực hiện  đã gây ra nhiều thiệt hại rất nghiêm trọng cho Ngân hàng Đại Tín - Trustbank trước khi nhóm Thiên Thanh Phạm Công Danh tiếp quản Ngân hàng và vì vậy... ngã ngửa.