Ngày hôm qua, 17.9, phóng viên nhiếp ảnh Na Sơn đến Paris, vừa gặp nhau, Na Sơn đã vội giơ chiếc điện thoại để cho tôi xem một đoạn clip. Clip của Sơn quay tại bến xe bus Praha (CH Sec), lúc đứng chờ xe để đi sang Paris. Một “ông tây“ da trắng mắt xanh nói trong clip thế này “Tôi là Nguyễn Văn Cường, không phải Cường Đô la, tôi là Cường Tiền Hải, nhưng không có tiền”. Tôi không nhớ rõ từng câu chữ, nhưng đại ý thế. Ông tây Tiền Hải vui vẻ kể chuyện quyết định sang Paris sống vì ở Paris có nhà cho người lang thang, bí quá thì người nghèo có thể ngủ trong metro, ở Praha không có lệ này. Ông “Cường không tiền “ có trong túi 180 euros, đã xé đi tờ cua ron cuối cùng và hứa sẽ không bao giờ quay lại Sec nữa.
Qua câu chuyện Na Sơn kể, trên chuyến xe bus Cường đã tâm sự, Cường Tiền Hải có bố là người Việt Nam sang học nghề tại Tiệp Khắc những năm 1970, lấy mẹ là người Tiệp Khắc. Năm Cường 12 tuổi thì mẹ mất, Cường theo bố về lại Tiền Hải (Thái Bình) sinh sống. Mẹ kế không hợp, công việc làm nông không quen, làm công nhân khu công nghiệp không được, Cường đã quay trở lại quê hương mẹ - là CH Sec bây giờ. Bơ vơ, Cường xin lao động trong khu người Việt. Và ngày hôm qua, số phận Cường Tiền Hải, đã không còn thuộc về nơi sinh ra cũng như nơi anh mang dòng máu. Không Việt Nam, không Sec, là kẻ lang thang cơ nhỡ giữa Paris hoa lệ.
Cũng ngày hôm qua, tôi đã giới thiệu cho những bạn bè Pháp của tôi một nhóm thợ xây chuyên sửa chữa nhà cửa mà tôi vô tình quen biết trong những ngày đến Pháp. Họ là những người nông dân, học sinh, sinh viên Quảng Bình. Quê nghèo, quyết đi để cứu nhà, họ tìm cách đến Đức, rồi đến Pháp. Nhóm họp nhau lại, họ bắt đầu bằng đủ loại công việc, lao động bằng đủ cách từ có thuế đến trốn thuế, từ cho chủ người Việt đến đứng ra làm chủ cho mình. Ngày hôm nay, họ bắt đầu sống được ở Paris bằng nghề thợ xây, họ bảo tôi: “Nhớ nhà lắm chứ chị, vợ con bên đó cả, nhưng chừ không ở đây thì về quê sống bằng gì, làm gì còn biển. Mẹ và em gái em từ cả năm nay chỉ sống bằng tiền em gửi về, nghề thu mua hải sản của gia đình hết làm được rồi chị”.
Ngư dân Phan Rang (Ninh Thuận) được mùa đánh bắt hải sản.
Tôi mừng cho những bạn trẻ này, họ đã may mắn hơn nhiều người khác mà tôi gặp trong những chuyến đi ở Châu Âu của mình, những người ngày hôm nay có thể như Cường, bơ vơ nơi đất khách, hoặc lao động thô sơ cho các chủ Tàu chủ Việt trong các khu chợ châu Á rải rác khắp châu Âu, tệ hơn nữa là làm nô lệ trong các trại trồng cần sa hoặc ăn cắp siêu thị.
Ngày 2.9 vừa qua, báo Tuổi trẻ đã đăng một bài báo được dịch lại từ tạp chí Daily Mail, bài báo đã đưa thông tin về những trẻ em từ khắp nơi trên thế giới đến châu Âu, cùng gia đình hoặc bạn bè, mắc lại tại khu tị nạn Calais (cộng hòa Pháp) một khu tị nạn tự phát của những người đến Pháp như một trạm trung chuyển để tiếp tục vào Anh và bị hoành hành bởi các tổ chức mafia buôn người. Bài báo đưa tin, những trẻ em này đang phải chịu nhiều bóc lột, xâm hại và có nhiều em bị mất tích. Điều đáng nói là trong số những trẻ em này, có nhiều em đến từ Việt Nam.
Thử đi một vòng quanh khu chợ Đồng Xuân ở Berlin – Đức, thì có thể đếm được bao người đến từ miền Trung Việt Nam. Chỉ tham gia họp hội đồng hương của bà con Quảng Bình thì có thể đếm được một làng có bao nhiêu người bước chân ra đi. T – người thợ xây dựng đã kể với tôi, sau sự cố Formosa, bà con bạn bè họ hàng của cậu, sẽ lại tiếp tục tìm đường theo “gương” cậu để ra đi tìm đường cứu thân. Câu chuyện của cậu lại làm tôi nhớ đến giải pháp của Bộ Lao động Thương binh Xã hội, rằng sẽ ưu tiên cho ngư dân miền Trung đi xuất khẩu lao động nước ngoài. Dường như ở nhiều vùng quê Việt Nam, ra đi – là một giải pháp của nhiều người dân – dù sự ra đi đó, không phải lúc nào cũng như mong ước. Đôi khi là cả một chuyến phiêu lưu của đời người, nhiều đau đớn.
Có một điều gì đó bất bình thường ở đây, là người Việt Nam ra đi khi chúng ta luôn được nhìn nhận trong các báo cáo những năm gần đây là kinh tế có phát triển, GDP tăng cao, xuất khẩu gạo đã có lúc đứng gần đầu thế giới, tỉ lệ người giàu và có con đi du học ngày mỗi nhiều, thuế nhập khẩu ô tô đắt nhưng xe đẹp, xe xịn vẫn xuất hiện ngày mỗi nhiều trong các cơ quan chính phủ cũng như tư nhân... Sự bất thường nữa là hình như chúng ta không thấy làn sóng người phải bỏ nước tìm cách kiếm ăn nơi khác là không bình thường. Chúng ta không thấy những giải pháp tự thân ấy hoặc giải pháp của các cơ quan quản lý ấy là không bình thường. Chúng ta không thấy những mong ước của người dân nước mình là được sống bình ổn thôi là chính đáng và cần quan tâm.
Là một người bình thường, chăm đọc tin tức mỗi ngày, việc sống bình ổn quả thực là khó. Sống bình ổn khó khi thực phẩm ô nhiễm xuất hiện trong bữa ăn như một việc hiển nhiên, ăn an toàn là một nỗ lực cho mỗi gia đình. Sống bình ổn khó khi ma túy gõ cửa trường học ngay cả trong những con tem. Sống bình ổn khó khi mùi rác có thể xộc đến tận nhà bạn dù cách xa cả km và không thấy có giải pháp. Ngư dân sống bình ổn làm sao khi không còn biển để làm nghề của cha ông, không có tiền để cho con đến trường. Và sống bình ổn làm sao khi những sự việc như thế vẫn sẽ còn tiếp diễn? Khi chúng ta chưa dứt ra được một thảm họa ô nhiễm biển thì lại có thử thách mới và gần như biết trước kết quả?
Cũng ngày hôm qua, tôi đọc trên facebook của một người bạn nhà báo rằng anh đã đến Cà Ná (Ninh Thuận), rằng những người ngư dân ở đây đã lo lắng thế nào về câu chuyện nhà máy thép có thể sẽ được xây dựng ở đây. Rằng họ đã ngậm ngùi tiễn anh ra về và bảo ‘’Mong chính phủ chọn dân”. T- người thợ xây dựng mà tôi mới quen thổ lộ: “Xưa em nghĩ kiếm tiền vài năm rồi về, giờ khó về rồi chị ạ, nhà em không còn biển là không còn nghề”.
Tôi rất sợ có một ngày nào đó, tôi lại phải đọc tin một em bé Ninh Thuận mất tích trong rừng Calais, hoặc một ngày nào đó, giữa chợ Đồng Xuân nước Đức, tôi lại phải bắt gặp những người đàn bà Ninh Thuận long tong cầm túi đi bán đồ ăn cắp từ siêu thị như tôi đã từng nhìn thấy những người đàn bà miền Trung vỡ hợp đồng lao động từ Sec trôi dạt sang.
Đôi lúc, tôi hy vọng tôi sẽ nhầm và tôi hy vọng chính phủ của tôi – không bao giờ nhầm.