Cuối tháng 9, khi nắng hè ở miền Trung đã dịu hẳn để chuẩn bị giao mùa, cũng là lúc những chùm trái bứa rừng muộn tại một số khu rừng Quảng Ngãi bắt đầu chín vàng, treo lúc lỉu trên cành
Tại nhiều khu vực, để tìm hái bứa phải đi vào núi xa mới có
Bứa rừng có tên khoa học Garcinia Cambogia, là loại cây gỗ mọc tự nhiên, có chiều cao trung bình khi trưởng thành 5-7m. Tuy nhiên nhiều cây lâu năm có chiều cao trên 15m.
Trái bứa có hình khá giống trái ô ma (miền bắc hay gọi là trứng gà), nhưng kích cỡ chỉ nhỉnh hơn nửa nắm tay người lớn. Khi còn non trái có màu xanh và lúc chín thì vàng hơi nhạt.
Bứa rừng khi còn non
Vỏ bứa khá dày và phần ruột bên trong được chia thành nhiều múi, với hạt khá to và lớp cơm mỏng. Tuy mọc hoang, không ngon bằng nhiều loại quả, trái trồng khác và chỉ để ăn chơi cho vui, thế nhưng vị ngọt lẫn chua chua của nó đã thu hút không ít người, đặc biệt là lũ trẻ con.
Một cây bứa rừng ở khu vực núi huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi)
Nhiều năm trước, bứa rừng còn mọc hoang nhiều. Theo đó cứ đến mùa, ở nhiều vùng quê chỉ cần đi bộ ra bìa rừng, đồi cạnh bên là có thể tìm bứa mọc và hái ăn thỏa thích.
Tuy nhiên những năm gần đây cũng như nhiều loại cây quả dại khác, bứa rừng bị người dân chặt phá bỏ để lấy đất trồng bạch đàn, rồi keo nên ngày một hiếm dần. Tại nhiều nơi phải lên tận vùng núi khá xa thì may ra mới tìm thấy.
Chị Nguyễn Thị Hải (29 tuổi), ở TP Quảng Ngãi bày tỏ: "Rất nhiều lần đi công việc ở một số huyện miền núi trong tỉnh như Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà... tôi đều để ý tìm mua về ăn nhưng không thấy ai bán bứa rừng".
Vị chua ngọt của bứa rừng làm nhiều người khó quên loại quả này
Ngoài để ăn như nhiều loại quả khác, quả bứa còn được sử dụng để tạo hương vị chua khi nấu cari, làm gia vị kho cá và siro trong mùa nóng. Lá và hạt có vị chua nên được thái nhỏ nấu canh chua.
Theo một số tài liệu y học, nhiều thành phần của bứa rừng như vỏ cây... được sử dụng làm dược liệu để chữa một số bệnh thấp khớp, đường ruột, đau tai, giun sán, lỵ, hạ nhiệt...