Tôi nghĩ việc lao động ngoại "quậy" không chỉ diễn ra ở KCN Long Giang (Tiền Giang). Nhà tôi ở gần mỏ than Nông Sơn, nơi này cũng có rất nhiều lao động người Trung Quốc đang làm việc. Hiện có mấy chục nhà hàng, quán nhậu... mọc lên để tiếp đón số lao động này, làm ảnh hưởng nhất định đến sinh hoạt, đời sống nhân dân địa phương; cuộc sống của người dân bị xáo trộn; công tác quản lý trật tự trị an trên địa bàn cũng vất vả hơn.
Đặng Văn Châu (Thôn Trung Phước 2, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, Quảng Nam)
* Lao động nước ngoài vào làm việc tại nước ta ngày một tăng. Thế nhưng khoảng 50% trong đó là lao động "chui", đa phần chỉ là lao động phổ thông, tay nghề thấp. Từ 1.8, Nghị định của Chính phủ về tuyển dụng và quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam chính thức có hiệu lực. Hy vọng những quy định mới sẽ là công cụ siết chặt quản lý nhóm lao động nước ngoài chất lượng thấp, lao động phổ thông và tạo điều kiện cho nguồn nhân công chất lượng cao.
Kim Quyên (Tân Phước, Tiền Giang)
* Đọc bài viết trên NTNN mà tôi cảm thấy lo ngại. Có trường hợp phụ nữ VN sống chung với lao động nước ngoài nhưng không đăng ký kết hôn. Rồi họ gây gổ, đánh nhau... Điều đó đặt ra vấn đề về giữ gìn hạnh phúc gia đình, vấn đề đạo đức, an ninh trật tự, thuần phong mỹ tục. Nếu những việc đó trở thành phổ biến thì sẽ rất nguy hiểm.
Nguyễn Lan Hương (Hội Phụ nữ xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước, Tiền Giang)