Có cần "chuyển khẩu' cho xe theo chủ?
Nhiều độc giả đã giả thiết rằng nếu như việc cấm biển xe ngoại tỉnh được áp dụng thì sẽ gây ra muôn vàn khó khăn cho cuộc sống người dân.
"Nhà tôi có 4 người sinh sống và làm việc ở Hà Nội và đều đang sử dụng 4 chiếc xe mang biển số ngoại tỉnh. Tôi rất boăn khoăn là dự thảo quy định này chỉ cấm xe đi từ hướng ngoại tỉnh vào hay cấm luôn cả những xe mang biển số ngoại tỉnh đang lưu hành tại Hà Nội như trường hợp của gia đình tôi (đã có hộ khẩu ở Hà Nội - PV). Nếu thực sự có điều đó thì khó khăn quá. Gia đình tôi không thể mua thêm 4 cái xe máy biển Hà Nội để phục vụ cho nhu cầu đi làm và sinh hoạt của cả nhà được". Bạn đọc Nguyễn Thị Mai (Hà Nội). Chị Mai cũng mong muốn, nếu thực sự đề xuất này được thực hiện thì mong các ngành chức năng có giải pháp hợp lý để "chuyển khẩu" xe ngoại tỉnh về Hà Nội theo chủ.
Cùng chung boăn khoăn với chị Mai, bạn đọc Vũ Văn Phong (Nam Định) thì lại lo lắng: “Hà Nội giờ đây có rất nhiều người ngoại tỉnh sinh sống và làm việc và để tiện lợi họ vẫn sử dụng xe mang từ quê ra. Xe thì không thay biển được, không lẽ giờ đi nhờ người khác đi đăng ký xe hộ? Chiếc xe với những người như chúng tôi là một tài sản khá lớn rồi mà giờ giao nhờ đăng ký hộ liệu có an toàn không?”
Còn với chị Nguyễn Thị Hoa (Hưng Yên) lại đặt ra câu hỏi việc cấm xe thì việc mưu sinh của những người dân sống ở các vùng lân cận: “Như tôi là một người ngoại tỉnh vào Hà Nội để buôn bán, cả nhà chỉ trông chờ vào những món hàng này nếu như mà cấm không cho dân ngoại tỉnh đi xe vào trong nội thành thì chúng tôi biết phải làm sao mà sống? Mà muốn làm biển xe ở Hà Nội đâu có phải là dễ đâu.”.
Với bạn Nguyễn Thị Ngọc Nhi (sinh viên Học viện Báo Chí Tuyên Truyền) lại lo lắng: “Bọn em là sinh viên ngoại tỉnh lên Hà Nội để học tập, bố mẹ thương cho mang xe ở nhà lên để tiện. Có xe bọn em vừa chạy tranh thủ đi làm thêm, học thêm đỡ mệt hơn trong việc đi lại mà nếu như sau bị cấm xe biển ngoại tỉnh thì như sinh viên như bọn em cũng chẳng biết phải làm sao? Có phải ai cũng có điều kiện để sắm xe mới đâu”.
Ảnh minh họa. Dân Việt
Không chỉ những người có xe ngoại tỉnh đang làm việc tại Hà Nội, nhiều bạn đọc ở các vùng miền khác cũng tỏ ra boăn khoăn về các bất tiện có thể có nếu đề án này được duyệt.
Theo anh Lê Đức An (Hà Tĩnh) cho biết: “Lỡ như khi có người bệnh đi khám ở tuyến trên, xe chở bệnh nhân không mang biển Hà Nội thì không lẽ họ lại không được vào nội thành? Không lẽ người nhà bệnh nhân lại phải thuê thêm một chiếc xe khác để chở trung chuyển bệnh nhân đến bệnh viện?”
Liệu có cần thêm “đội soi biển”?
Trong khi ý thức tham gia giao thông của người dân chưa cao các lực lượng chức năng vẫn phải bám chốt ở hầu khắp các tuyến đường thì để kiểm soát việc xe ngoại tỉnh vào Hà Nội liệu có cần thêm một lực lượng riêng để kiểm soát. Đó là câu hỏi của rất nhiều bạn đọc khi hay tin về việc cấm xe.
“Để nói người dân tự giác tuân thủ chắc phải còn xa và để kiểm soát được thì không lẽ phải lập thêm một đội soi biển số xe, hay lập những chốt kiểm tra biển số để chặn xe từ ngoại tỉnh vào?” - Bạn đọc Trần Văn Chung (Hà Tĩnh) đặt câu hỏi.
"Với tình trạng giao thông ở Hà Nội hiện nay, tôi hoàn toàn đồng ý với lộ trình cấm xe máy. Nhưng tôi nghĩ, đã cấm là cấm hết, chứ không thể có chuyện cấm xe biển ngoại tỉnh trước được. Theo tôi, như thế là không công bằng và không phù hợp. Bởi thực tế, lượng người sử dụng xe mang biển ngoại tỉnh ở Hà Nội không phải là nhỏ” – Một bạn đọc dấu tên cho biết.
Theo dự thảo "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố", với xe máy, lộ trình hạn chế sẽ thực hiện 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ năm 2020): sẽ hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ hai ngày cuối tuần, và các ngày lễ, tết. Từ năm 2021 sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh vào khu vực nội ô (đường vành đai 1) từ 7g đến 19g hằng ngày. Đồng thời hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ các ngày trong tuần. Giai đoạn 2 (từ năm 2023): sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh tại các khu vực phía trong đường vành đai 2 và mở rộng hạn chế xe máy từ phố cổ ra các tuyến phố cũ (khu phố xây dựng từ thời Pháp thuộc như phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt...). Giai đoạn 3 (đến năm 2025): sẽ thực hiện cấm xe máy một số địa điểm phía trong đường vành đai 3. |