Dân Việt

Bức xúc, dằn vặt của ngành thép

Trần Giang 20/09/2016 14:56 GMT+7
Sự cố ô nhiễm môi trường biển của Formosa và dự án thép Cà Ná của Tập đoàn Hoa Sen với thông điệp “ngu gì không làm” đang khiến dư luận dậy sóng. Bức xúc, dằn vặt là những gì mà thị trường nói về ngành thép. Nhưng Việt Nam không thể công nghiệp hoá nếu không làm thép. Vậy có nên tiếp tục cấp phép cho dự án thép không?

Nhưng Việt Nam không thể công nghiệp hoá nếu không làm thép. Vậy có nên tiếp tục cấp phép cho dự án thép không?

Đây là câu hỏi được nhiều chuyên gia đặt ra tại buổi toạ đàm “Thu hút đầu tư và phát triển kinh tế bền vững” tổ chức sáng nay, ngày 20.9. Một câu hỏi nhức nhối, bởi nếu không quản lý tốt thì hậu quả sẽ là sự tàn phá về môi trường, hệ luỵ đến mai sau.

Làm thép, câu chuyện cơm ăn áo mặc hàng ngày

Hay nói như cách của TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM), đây là câu chuyện hết sức quan trọng.

“Không chỉ bức xúc hiện tại mà là câu chuyện tầm nhìn, định hướng lâu dài cho đất nước đang chuyển mình như Việt Nam, gắn chặt với từng quốc gia vùng miền. Không chỉ là câu chuyện về lý thuyết mà là cơm ăn áo mặc cho hôm nay và mai sau. Đó là câu chuyện về phát triển bền vững”, ông Thành chia sẻ.

Theo ông Thành, một đại diện IMF ở Hà Nội đã nói với tôi về Trung Quốc tăng trưởng 30 năm liền với mức tăng từ 9 – 10%/năm là một mô hình Việt Nam không đáng học.

imgViệt Nam có nên tiếp tục sản xuất thép hay không? Ảnh: Việt Tuấn - Vneconomy

“Đó không phải là sự tăng trưởng thần kỳ. Lý do Trung Quốc phải trả giá cực đắt với phát triển bền vững. Giờ đây, người ta nói đến Bắc Kinh không phải nói về những toà nhà chọc trời, những dàn ô tô xịn mà là nói đến ô nhiễm. Đây là hình ảnh của Bắc Kinh”, ông Thành cho biết.

Một kinh nghiệm khác là Hàn Quốc. Hàn Quốc từng là sự kỳ diệu của tăng trưởg phát triển. Có những giai đoạn Hàn Quốc phát triển công nghiệp nặng ghê gớm, như những năm 80, hoá chất cơ khí, đóng tàu, thép…

TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, để giải quyết bài toán tổng thể phải nhận diện trong thể chế kinh tế thị trường. Hiện nền kinh tế có 3 khuyết tật: bàn tay mô hình, mâu thuẫn lợi ích cộng đồng và quản trị công.

Khi có sự mâu thuẫn lợi ích, doanh nghiệp thường hy sinh môi trường để có lợi nhuận. Đây là cách làm giàu cho thiểu số chứ không phải đa số. Nhà nước nào hạn chế được 3 khuyết tận này thì sẽ phát triển hài hoà. Thách thức của nước ta đi sau thì phải làm tốt vấn đề này hơn các nước khác, hạn chế được hiện này. Nếu không làm được điều này thì phải tự xem lại mình. Thách thức lớn nhất là quản trị công.

“Sự thần kỳ của Hàn Quốc nếu bây giờ nhìn lại dưới góc độ phát triển bền vững có thực sự là thần kỳ, các bạn có trả giá quá cao cho vấn đề môi trường? Hàn Quốc cũng là nước đi đầu về phát triển bền vững thực thi chính sách tăng trưởng xanh cũng học hỏi nhiều. Sự chuyển đổi của Hàn Quốc có đau đớn, phí tổn có cao?”, ông Thành băn khoăn.

Về vấn đề này, Bà Yoosun Ah, Phó chủ tịch trung tâm xúc tiến thương mại Hàn Quốc, cho biết trong quá trình phát triển, Hàn Quốc đã mắc không ít sai lầm, không tránh khỏi giá phải trả. Hàn Quốc thừa nhận có sai lầm trong việc giữ tài nguyên môi trường và đã phải trả giá rất đắt.

“Tuy nhiên, khi phát triển kinh tế phải đưa ra lựa chọn nếu phát triển công nghiệp nặng phải trả giá môi trường và chấp nhận việc lựa chọn, biết ô nhiễm nhưng vẫn phải làm. Ở Việt Nam, việc phát triển công nghiệp cần phải nghĩ nhiều cho các ngành khác, nhất là ngành du lịch”, bà Yoosun Ah chia sẻ.

Việt Nam có cần sản xuất thép?

Với sự đánh đổi như vậy, liệu Việt Nam có cần sản xuất thép không? Về điều này, ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho biết, tại Tokyo (Nhật Bản) có khoảng 3- 4 nhà máy thép, tương tự tại Hàn Quốc cũng như vậy nhưng người dân vẫn đánh bắt cá xung quanh các khu nhà máy. Sự cố Formosa Hà Tĩnh vừa qua là sự cố hi hữu xảy ra trong quá trình xây dựng, không phải quá trình vận hành.

“Nhà đầu tư bỏ ra nhiều vốn cho các dự án, không ai để dự án lớn như thế mà vô trách nhiệm với đồng vốn của mình. Bài học của Formosa ở giai đoạn trước và bây giờ chúng ta cũng nói chính là vấn đề hậu kiểm, công tác giám sát của cơ quan quản lý nhà nước”, ông Hoài nhấn mạnh.

imgNếu không làm thép thì Việt Nam không có nền công nghiệp hoá. Ảnh: Việt Tuấn - Vneconomy

Mặc dù đại diện Vụ công nghiệp nặng đã không nói thẳng vấn đề Việt Nam cần thép hay không, nhưng ông Hoài có ý nói rằng trên thế giới vẫn cần thép, có nơi vẫn sản xuất thép gắn với chữ sạch như Nhật, Hàn Quốc và Việt Nam vẫn cần sản xuất thép.

Ông Hoài nhấn mạnh Formosa là bài học đau đớn nhưng sản xuất thép lò cao rõ ràng phải sát biển không phải để xả thải mà là vấn đề kinh tế với yêu cầu về việc vận chuyển đường biển.

Chia sẻ về vấn đề này, TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, cũng cho biết, câu hỏi này ông đã nghe chục năm nay, thời điểm này ông đã đề nghị Việt Nam nếu không làm thép, không có công nghiệp hoá, nhà nước đã “giành” làm nhưng nhà nước đã thất bại.

Đồng quan điểm, ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép cho biết, Việt Nam vẫn còn cơ hội phát triển ngành thép. Theo số liệu, năm 2015, Việt Nam nhập 18 triệu tấn, xuất khẩu 3 triệu tấn, chênh lệch xuất nhập khẩu 6 tỷ USD. Điều đó cho thấy ngành thép Việt Nam đang nhập siêu và nhu cầu trong nước cao hơn.

“Tuy nhiên, nóng nhất của ngành thép là tác động tiêu cực đến môi trường. Nhưng công nghệ hiện nay hoàn toàn kiểm soát được vấn đề môi trường của ngành thép. Vấn đề là anh quản lý và giám sát thế nào. Nếu làm tốt hoàn toàn kiểm soát được. Tại sao nhiều nước sản xuất lớn thế mà họ kiểm soát được môi trường. Điều này ta có thể học hỏi được”, ông Dũng phân tích.

Trước những quan điểm trên, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng CIEM đặt câu hỏi: “Đối với phát triển ngành thép, thép Việt Nam có thể cạnh tranh với thép Trung Quốc hay không khi thép Trung Quốc có sản lượng lớn và giá cạnh tranh?”.

Về vấn đề này, ông Dũng cho biết, câu chuyện cạnh tranh với thép Trung Quốc không chỉ của Việt Nam mà cả thế giới. Hiện xuất khẩu thép chiếm ½ sản lượng thế giới.

Nếu giải quyết, đấu tranh bằng nhiều hàng rào thương mại và kỹ thuật, phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm phôi thép, thép cán dài chúng ta hoàn toàn cạnh tranh được”, ông Dũng phân tích.

“Nhưng tôi cũng muốn nói rằng, vấn đề công nghệ khoa học hoàn toàn kiểm soát được, vấn đề nhà đầu tư đầu tư thế nào, doanh nghiệp quản lý vấn đề đó như nào, giám sát của nhà nước và cộng đồng như thế nào?”, ông Dũng nói.

Rõ ràng, việc phát triển ngành thép là tốt, nhưng phải cân bằng. Đây là câu hỏi không dễ nhưng phải cân đối giữa lợi ích kinh tế và môi trường. Lớn hơn, đó là câu chuyện về thể chế, mô hình tăng trưởng, đặc biệt là câu chuyện về thể chế thực thi, thông tin minh bạch.