Ông Lê Đỗ Mười – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, đơn vị tư vấn nghiên cứu đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP” cho biết hiện những đề xuất trong dự thảo mới đang được lấy ý kiến các chuyên gia.
Theo ông Mười, trong lộ trình quản lý và hạn chế phương tiện cá nhân, đơn vị có đề xuất giải pháp hạn chế phương tiện ngoại tỉnh với sinh viên và công nhân các khu công nghiệp, thời gian đề xuất thực hiện từ năm 2025 - 2030.
Ảnh minh họa. I.T
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cho hay: “Qua nghiên cứu thực tế cũng như kinh nghiệm của một số nước như Thái Lan, Trung Quốc … nhận thấy đây là hai đối tượng dễ quản lý nhất và chuyển sang hoạt động vận tải công cộng là dễ nhất vì nhu cầu sử dụng tần suất đều, không đổi, ít phát sinh”.
Ông Mười cho biết thêm việc đề xuất dựa trên khả năng nhu cầu của người sử dụng, nhóm người dân sử dụng biển ngoại tỉnh là sinh viên và công nhân ở các khu vực cố định. Di chuyển vào khung thời gian cố định vào buổi sáng, không phải giờ cao điểm.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc chọn công nhân, sinh viên để thực hiện hạn chế xe máy biển ngoại tỉnh là chọn dễ, đẩy khó về phía người dân.
Ông Lê Đỗ Mười khẳng định: “Qua điều tra khảo sát số lượng phương tiện ngoại tỉnh 80% là của học sinh, sinh viên, công nhân của các trường Đại học, Khu công nghiệp. Các tuyến xe buýt sẽ đáp ứng được nhóm nhu cầu này nên đề xuất cho phù hợp, không phải đẩy khó cho dân. Biển số xe của người dân buôn bán ngoại tỉnh đi vào lúc sáng sớm không ảnh hưởng giờ cao điểm. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang thăm dò ý kiến, có thể kéo dãn lộ trình”.
Ông Hà Huy Quang – Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội: Chưa phải đề xuất chính thức! UBND TP Hà Nội đã giao Sở GTVT Hà Nội phối hợp với Viện chiến lược GTVT nghiên cứu xây dựng Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP”. Trong đó, Viện Chiến lược GTVT tham gia với tư cách Tư vấn xây dựng Đề án. Hiện Đề án mới chỉ là dự thảo sơ bộ ban đầu và Sở GTVT đang tiếp tục lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện trước khi báo cáo Thành ủy, UBND TP Hà Nội. Về cơ bản đây mới là dự thảo được xây dựng để có cơ sở thảo luận, lấy ý kiến hẹp của các chuyên gia, nhà quản lý để tiến tới tổ chức hội thảo, chưa phải là đề xuất chính thức. Khi triển khai đề án, sẽ lựa chọn các tuyến có đầy đủ hạ tầng từ trông giữ phương tiện đến việc vận hành hiệu quả các phương tiện vận tải khách công cộng để đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân. Các tiêu chí đáp ứng được yêu cầu mới tiến hành cấm hoặc hạn chế phương tiện cá nhân. |
Theo đơn vị tư vấn thực hiện đề án, lộ trình sẽ được thực hiện từng bước, hướng đến nhu cầu sử dụng chứ không cấm sử dụng phương tiện. Việc phát triển vận tải công cộng sẽ được thực hiện trước đến khi đảm đương được nhu cầu đi lại của người dân mới tính đến việc hạn chế phương tiện.
“Ai cũng muốn thực hiện vận tải hành khách công cộng theo quy hoạch, chiến lược đặt ra nhưng nguồn lực chưa đủ để đầu tư. Chúng tôi đang xin đề xuất kéo dài lộ trình sau năm 2025 mới thực hiện” – ông Mười cho hay.
Đề xuất lộ trình hạn chế xe máy được chia theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ các ngày thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, tết vào năm 2020. Năm 2021, dừng hoạt động đối với xe máy không đăng ký tại Hà Nội (biển kiểm soát ngoại tỉnh) vào khu vực nội đô Vành đai 1 từ 7 - 19 giờ hằng ngày, đồng thời mở rộng thời gian hạn chế xe máy trong khu vực phố cổ 7 ngày/tuần và 24 giờ/ngày. Giai đoạn 2 dừng hoạt động đối với xe máy không đăng ký tại Hà Nội trong Vành đai 2, đồng thời mở rộng khu vực hạn chế ra khu vực phố cũ với thời gian cấm 7 ngày/tuần và 24 giờ/ngày vào năm 2023. Giai đoạn 3: đến năm 2025 mở rộng khu vực hạn chế hoạt động của xe máy tại một số khu vực trong Vành đai 3. |