Toàn cảnh trạm an sinh mặt đất của dự án "Lên trời gọi mưa". Ảnh: Kim Oanh.
Mới đây, ông Phan Đình Phương – Tổng Giám đốc công ty CP Khoa học công nghệ An Sinh Xanh (Đà Nẵng) đề xuất lên Chính phủ cho tạm ứng số tiền 5.000 tỷ đồng để mua tàu, máy bay, khinh khí cầu, nguyên vật liệu… thực hiện dự án “Lên trời gọi mưa”.
Dự án của ông Phương nhằm mục đích “trị mưa” chống ngập cho những vùng trũng, vùng hay xảy ra mưa lũ và “gọi mưa” giải hạn cho những nơi thường xuyên xảy ra hạn hạn, thiếu nước.
Hiện tại, dự án vẫn chưa hoàn thiện nhưng đã được trình lên Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan. Số tiền yêu cầu tạm ứng là 5.000 tỷ, trong khi chưa có một kế hoạch chi tiêu cụ thể khiến nhiều người hoài nghi về sự khả thi của dự án.
Ngày 20/9, trao đổi với PV, PGS.TS Vũ Thanh Ca - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam), người từng thực hiện đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học để làm mưa nhân tạo ở Việt Nam” cho rằng: “Làm mưa nhân tạo hiện nay ở Việt Nam là lãng phí vì chắc chắn sẽ không có hiệu quả”.
Theo ông Ca, làm mưa nhân tạo không khó nhưng làm mưa nhân tạo để tác động, làm thay đổi được tự nhiên thì không phải nói là làm được.
Làm mưa nhân tạo chỉ được coi là thành công nếu thỏa mãn 3 điều kiện: Giải thích được cơ chế vật lý của việc tăng lượng mưa do tác động làm mưa nhân tạo; Các kết quả phải đảm bảo độ tin cậy thống kê; Công nghệ được nghiên cứu và phát triển tại vùng này phải áp dụng được một cách hiệu quả tại các vùng khác.
Hiện nay, các nước trên thế giới như Nga, Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan… đã thử nghiệm làm mưa nhân tạo thành công. Mỗi nước lại có một công nghệ làm mưa nhân tạo khác nhau. Tuy nhiên, các kết quả đều chưa chứng minh được làm mưa nhân tạo có thể tác động đến tự nhiên và xoay chuyển tự nhiên theo ý con người.
“Để tác động lên thời tiết, ý tưởng chung là sử dụng các tác động nhỏ để biến các cơ chế tạo mây và gây mưa không hiệu quả thành các cơ chế hiệu quả. Khi có đủ độ ẩm hoặc có mây nhưng không mưa, tác động có thể tạo mưa.
Tuy nhiên, khi đã có mưa to hoặc bão thì tác động của con người không còn có tác dụng vì quá trình tự nhiên gây mưa đã cực kỳ hiệu quả và tác động của con người là quá nhỏ bé so với tự nhiên.
Vì vậy, ý tưởng dùng tác động của con người để điều khiển các quá trình mưa lớn và bão theo tôi là hoàn toàn không có cơ sở khoa học và không thể thực hiện được”, ông Ca khẳng định.
Ông Ca cho biết thêm, nếu nguồn ẩm không đủ mà gây mưa ở trên, bên dưới khô sẽ khiến mưa không chạm đất. Như vậy vừa tốn chi phí mà lại không mang lại hiệu quả.
Đề tài nghiên cứu của ông Ca mất 2 năm (2004-2006) để hoàn chỉnh. Ông cũng đi sang các nước để học tập kinh nghiệm làm mưa nhân tạo. Tuy nhiên, xét thấy công nghệ của nước ta còn hạn chế, kinh phí đầu tư quá lớn mà lại chưa chắc chắn mang lại hiệu quả nên ông tạm dừng lại để nghiên cứu thêm.
“Từ năm 2006 đến nay, tôi vẫn tiếp tục theo dõi các kết quả nghiên cứu khoa học trên thế giới về tác động nhân tạo để biến đổi thời tiết. Tôi khẳng định rằng các nghiên cứu chưa cung cấp được kết quả nào khác hơn với những nhận định của chúng tôi”, ông Ca cho hay.
Đánh giá về dự án “Lên trời gọi mưa”, ông Ca cho rằng, đó giống như một dự án sơ khai, mới chỉ là ý tửng chứ chưa có cơ sở khoa học. Đề án chưa hoàn chỉnh mà đề xuất xin kinh phí lên tới 5.000 tỷ đồng là phi thực tiễn, hoang đường.