Dân Việt

Khi nào trang mạng bị thu hồi tên miền?

Lê Chiên (ghi) 21/09/2016 06:30 GMT+7
Theo dõi vụ việc Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa bị bôi xấu có bồ trên một số trang mạng xã hội, tôi có được biết tỉnh ủy Thanh Hóa đã có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông và đề nghị xử lý thu hồi tên miền các trang mạng đó. Vậy xin hỏi, trong trường hợp nào thì các trang mạng bị thu hồi tên miền? (Bạn đọc Nguyễn Tuyền, Hải Dương)

Về vấn đề này, thạc sĩ luật Nguyễn Đức Hùng (Công ty luật NHB) chia sẻ:

Theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 8 và Khoản 2 Điều 12 Luật công nghệ thông tin, thì tổ chức, cá nhân có quyền trao đổi, sử dụng thông tin trên môi trường mạng, trừ  các thông tin có mục đích:  Chống Nhà nước; kích động bạo lực, kích động dâm ô, đồi trụy, tội ác; xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân; …

Tuy nhiên việc thu hồi tên miền “.vn” phải tuân thủ quy định tại Điều 12, Thông tư số: 24/2015/TT-BTTTT ngày 18. 8. 2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông. 

Trong đó có một số trường hợp bị thu hồi tên miền là:

- Theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính của thanh tra chuyên ngành thông tin và truyền thông có biện pháp khắc phục hậu quả là thu hồi tên miền hoặc áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu phương tiện vi phạm khi việc sử dụng tên miền vi phạm các quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng;

- Theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan điều tra hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật phụ trách về an ninh thông tin, tội phạm công nghệ cao khi việc sử dụng tên miền xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội theo quy định của pháp luật;

- Và một số trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Xét cụ thể trường hợp này như bạn nói, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có văn bản đề nghị thu hồi tên miền, ngăn chặn các blog, mạng xã hội đăng thông tin sai lệch về Bí thư Tỉnh ủy. Đó  là quyền của Tỉnh ủy Thanh Hóa, các cơ quan chức năng như công an, thanh tra chuyên ngành phải điều tra, xác minh có đúng là các trang mạng đó xuyên tạc, vu khống đồng chí Bí thư hay không.

Chỉ khi có đầy đủ chứng cứ thì mới có thể xử được. Và việc xử lý cũng phải theo quy định của pháp luật.

img

Thạc sĩ Luật Nguyễn Đức Hùng (Công ty luật NHB)

Trong trường hợp, đã đủ chứng cứ để cho rằng trang mạng đó đã thông tin sai sự thật, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng (Điểm g, Khoản 3, Điều 66, Nghị định 174/2013/NĐ-CP), hoặc có thể có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội vu khống” theo Điều 122 Bộ luật Hình sự.

Trang thông tin điện tử cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của cơ quan, tổ chức, cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 20- 30 triệu đồng; tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc… sẽ bị phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng (Điều 64 và Điều 65 Nghị định 174/2013/NĐ-CP).