Dân Việt

Cao thủ trí nhớ tiết lộ “bí kíp” chinh phục kỷ lục thế giới

Ngọc Phạm 21/09/2016 00:25 GMT+7
Anh Nguyễn Phùng Phong, kỷ lục gia trí nhớ của Việt Nam vừa hoàn thành bài biểu diễn nhớ chính xác vị trí 198 quốc kỳ trong 30 phút để xác lập kỷ lục thế giới.

img

Kỷ lục gia trí nhớ Nguyễn Phùng Phong. (Ảnh: Tâm Trí Lực)

Sau khi xuất sắc vượt qua các thử thách để xác lập kỷ lục thế giới, kỷ lục gia Nguyễn Phùng Phong đã chia sẻ những "bí kíp" giúp anh đạt được thành tích này.

Cảm xúc của anh như thế nào sau khi xuất sắc vượt qua các thử thách để chinh phục kỷ lục thế giới?

Tuyệt vời lắm! Một cảm xúc rất khó tả. Sau khi hoàn thành bài biểu diễn, dù hơi mệt nhưng do vui quá nên tôi cũng chẳng thấy buồn ngủ. Về nhà, tôi đã nằm hồi tượng lại khoảnh khắc đó và cảm thấy hài lòng với những gì mình đã bỏ ra trong nhiều năm qua. Sáng nay thức dậy, tâm trí tôi hạnh phúc hơn mọi ngày vì mình đã hoàn thành một bước ngoặc lớn trong cuộc đời.

Những “bí kíp” nào đã giúp anh ghi nhớ chính xác vị trí 198 quốc kỳ được sắp xếp ngẫu nhiên như thử thách của Hội đồng kỷ lục?

Tôi dùng rất nhiều kỹ thuật. Đầu tiên là tôi dùng kỹ thuật ghi nhớ để hiểu ý nghĩa các quốc kỳ, tìm hiểu một số văn hóa đặc trưng của mỗi quốc gia. Ví dụ, quốc kỳ của Nhật Bản có hình tròn đỏ là đại diện cho mặt trời, còn nền trắng là tượng trưng cho sự liêm chính - trong sạch - trung thực mà người Nhật theo đuổi.

Ngoài ra, tôi còn sử dụng phương pháp gom nhóm. Chẳng hạn cờ của các nước Bắc Âu như Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Phần Lan,… đều có hình cây thánh giá nên tôi gom thành một nhóm.

Sau đó, tôi sử dụng một bảng mã màu để nhận diện cụ thể từng nước, như Phần Lan nổi bật về giáo dục nên tôi gán cho Phần Lan màu xanh - tức màu của hi vọng và những điều tốt đẹp. Còn màu cờ của nước Thụy Điển thì cây thánh giá có màu vàng nên tôi liên tưởng tới ngai vàng của vua, bởi Thụy Điển là một nước còn vua.

Sau đó, tôi dùng các hình ảnh trên để gán vào các điểm trên hành trình đã vẽ ra trong đầu, đó là hành trình trong một ngôi nhà. Ví dụ số 1 là khung cửa, số 2 là tủ lạnh, số 3 là vòi rửa tay, số 4 là cái bếp, số 5 là nồi cơm điện,… Cụ thể hơn, nếu xếp Thụy Điển vào số 1 có nghĩa là một ông vua đang ngồi trên khung cửa sổ, nếu xếp Phần Lan vào số 2 tức là liên tưởng chiếc tủ lạnh trong nhà đạt chuẩn cao như chuẩn của Phần Lan.

img

Anh Nguyễn Phùng Phong trong buổi biểu diễn xác lập kỷ lục thế giới.

Trong buổi xác lập kỷ lục nhớ chính xác vị trí 198 quốc kỳ, dường như anh gặp chút khó khăn ở thử thách liên quan tới vị trí 102. Xin anh chia sẻ thêm về những khó khăn gặp phải trong buổi biểu diễn vừa qua?

Lúc Hội đồng kỷ lục yêu cầu nhớ vị trí 102, tôi đã có chút bối rối vì có rất nhiều quốc kỳ giống nhau, màu sắc các quốc kỳ khi sắp gần nhau rất dễ nhầm lẫn. Đặc biệt là dưới ánh sáng vàng tại khách sạn, tôi gặp chút rắc rối nhưng may quá, tôi vẫn kịp định thần để nói chính xác tên quốc gia của quốc kỳ tại vị trí 102 là Maroc.

Sau khi thông tin anh xác lập kỷ lục thế giới về siêu trí nhớ được chia sẻ trên mạng internet, có người bình luận rằng: “Kỷ lục nghe qua rất ghê ghớm nhưng không có ứng dụng thực tế”. Anh muốn nói gì về điều này?

Tôi tin tưởng khi họ nhìn thấy những học viên của tôi nhớ chính xác, phản xạ nhanh chóng với các mẫu câu tiếng Anh, tiếng Hàn,… hay nhớ dễ dàng nội dung các cuốn sách, tên và gương mặt khách hàng, học nhanh, nhớ lâu kiến thức các môn học tại trường thì họ sẽ suy nghĩ lại về điều đó.

Khi học các phương pháp ghi nhớ thì chúng ta phải sử dụng cùng lúc hai bán cầu não, trong đó bán cầu não trái để phân tích, còn bán cầu não phải để liên tưởng. Cụ thể ở việc nhớ quốc kỳ, phân tích tức là chọn hình ảnh nào gắn liền với Thụy Điển, còn liên tưởng tức là đặt hình ảnh đó vào hành trình trong ngôi nhà của mình.

Hay nói cách khác là việc học đi học lại để thuộc lòng chỉ là học não trái, còn có phép liên tưởng thì não sẽ phát triển đồng bộ. Đặc biệt, một người phát triển mạnh về não phải thì sẽ vô cùng sáng tạo.

img

Kỷ lục gia Nguyễn Phùng Phong (thứ 3 từ trái sang) và kỷ lục gia Hồ Thái Quỳnh (thứ 4 từ trái sang) nhận quyết định thành lập đội và đi thi đấu quốc tế. (Ảnh: VietKings)

Hoàn thành xác lập kỷ lục thế giới, những dự định, mục tiêu tiếp theo của anh là gì?

Mỗi năm đều có những cuộc thi quốc tế về siêu trí nhớ. Chẳng hạn là cuộc thi siêu trí nhớ thường niên sắp diễn ra vào tháng 10 này tại Singapore, đã được tổ chức 24 lần nhưng Việt Nam ta chưa từng tham dự. Ước mơ của tôi là Việt Nam chúng ta sẽ có mặt tại đấu trường này. Năm nay là năm thứ 25 cuộc thi được tổ chức và Việt Nam chính thức có 2 tuyển thủ là tôi và học trò của tôi là kỷ lục gia Việt Nam Hồ Thái Quỳnh.

Theo thông tin tôi được biết thì năm 2017, tại Olympic sẽ chính thức có bộ môn này. Ước mơ của tôi là sẽ đào tạo ra một đội ngũ kế thừa để mang về những huy chương cho Việt Nam.

Ngoài ra, chúng tôi cũng chính thức khởi động hành trình tìm kiếm, đào tạo 1.000 em có khả năng nhớ chính xác 200 mẫu câu tiếng Anh để xin xác lập kỷ lục thế giới. Đối tượng của chúng tôi là các em trong độ tuổi từ 10 đến 18 tuổi. Các em này sẽ được đào tạo tại trung tâm Tâm Trí Lực do tôi trực tiếp giảng dạy.

Phần thi xác lập kỷ lục của Kỷ lục gia trí nhớ Nguyễn Phùng Phong