Phác họa bề mặt vệ tinh Europa của sao Mộc.
Theo Sputnik, kính thiên văn vũ trụ Hubble đã tập trung quan sát Mặt trăng Europa kể từ năm 2012, khi phát hiện thấy luồng hơi nước từ cực nam Europa.
Mạch nước ngầm có thể phun trào tới 193 km vào không gian. Các nhà khoa học tin tưởng rằng việc lấy mẫu thử nghiệm từ Europa có thể dễ dàng hơn suy đoán ban đầu.
Trong khi nội dung chi tiết về cuộc họp báo vào ngày thứ Hai tới của NASA không được công bố, cuộc họp sẽ có thêm thông tin mới do kính thiên văn vũ trụ Hubble ghi lại
“Các nhà thiên văn sẽ trình bày kết quả từ chiến dịch quan sát Europa, dẫn đến những chứng cứ đáng ngạc nhiên về hoạt động có thể liên quan đến sự hiện diện của đại dương ngầm, bên dưới bề mặt Europa”, NASA tuyên bố.
Cuộc họp báo có sự tham gia của Giám đốc Bộ phận Vật lý thiên văn tại trụ sở NASA ở Washington Paul Hertz, nhà thiên văn William Sparks đến từ Viện Khoa học Kính thiên văn vũ trụ, trợ lý giáo sư Britney Schmidt đến từ Viện Công nghệ Georgia (Mỹ) và nhà thiên văn học thuộc dự án Hubble tại Trung tâm Hàng không Vũ trụ Goddard của NASA.
NASA tin rằng, bên dưới lớp vỏ băng giá của Europa là đại dương ngầm.
Trong bối cảnh các nhà khoa học tích cực tìm kiếm sự sống trong Hệ Mặt trời, Mặt trăng Europa là một trong những ứng viên sáng giá nhất. Bé hơn Mặt trăng của Trái đất một chút, Europa được cho là có đại dương lớn ẩn chứa bên dưới bề mặt đóng băng.
Các nhà khoa học trước đây cho rằng, để lấy mẫu từ Europa cần đến máy khoan phức tạp. Nhưng luồng hơi nước phun trào lên bề mặt có thể dễ dàng thu thập từ tàu vũ trụ bay ngang qua.
Hồi đầu năm nay, NASA công bố nghiên cứu cho biết, sự cân bằng hóa học ở đại dương Europa có thể tương tự như Trái đất.
“Vòng tuần hoàn Oxy và Hydro trong đại dương Europa là động lực chính cho quá trình hóa học trong nước biển và bất cứ sự sống nào tồn tại ở đó, giống như đại dương trên Trái đất”. Steve Vance, thành viên trong nhóm nghiên cứu về mặt trăng Europa tại phòng thí nghiệm Jet Propulsion của NASA cho biết.
NASA có kế hoạch 100 triệu USD để phóng tàu thăm dò tới Europa trong giai đoạn sau năm 2020.