Tại lễ kỷ niệm, lãnh đạo huyện Kiến Thụy đọc diễn văn tưởng niệm, ôn lại thân thế, sự nghiệp của Thái tổ Mạc Đăng Dung và Vương triều Mạc.
Trải qua 5 đời vua với 65 năm định đô ở Thăng Long và 85 năm cát cứ tại Cao Bằng (sau khi mất quyền kiểm soát ở Thăng Long), Vương triều Mạc và Thái Tổ Mạc Đăng Dung đã để lại nhiều thành tựu nổi bật, những đóng góp to lớn cho đất nước về tất cả các lĩnh vực: Kinh tế – Văn hóa - Xã hội – Giáo dục...
Lễ kỷ niệm diễn ra gồm 2 phần chính là phần lễ và phần hội. Trong phần nghi lễ diễn ra các hoạt động như rước kiệu từ trong từ đường ra khu tưởng niệm, lễ tiến vua, lễ cầu siêu tưởng niệm các vị tiên đế, lễ thả đèn hoa đăng... Bên cạnh phần nghi lễ, trong ngày hội diễn ra các hoạt động văn hóa, thể thao như: Hoạt động triển lãm tranh với chủ đề: Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam với những bằng chứng lịch sử, pháp lý qua đó nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc với đông đảo nhân dân nhất là các thế hệ thanh, thiếu niên; Thi đấu cờ người. Trọng tài cờ là ông Đặng Văn Phương, xã Hữu Bằng, huyện Kiến Thụy đảm nhiệm. Ông Phương cho biết: Để khích lệ tinh thần người chơi, Ban tổ chức thưởng 01 giải nhất tương ứng 1 triệu đồng, 01 giải nhì 700.000 đồng và đồng giải ba 300.000 đồng.
Theo ông Bùi Đức Cường – Chủ tịch xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy cho biết: Để ghi nhận những đóng góp của Vương triều Mạc với lịch sử dân tộc, cuối năm 2009, Chính phủ đã đồng ý cho thành phố Hải Phòng được xây dựng công trình văn hóa, lịch sử Khu tưởng niệm các Vua Nhà Mạc. Quần thể khu tưởng niệm rộng hơn 10 ha với nhiều hạng mục quan trọng như nhà truyền thống, nghi môn, cầu đá, bái đường, chính điện, hệ thống tượng đá, văn bia...
Hiện, khu tưởng niệm còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ có giá trị rất lớn về văn hóa, lịch sử, tâm linh thời Mạc và đặc biệt phải kể đến thanh Long đao của Mạc Thái Tổ nặng tới 26,5kg.
Ông Ngô Minh Khiêm – Trưởng Ban quản lý Khu tưởng niệm Vương triều Mạc cho biết: Lễ hội kỷ niệm ngày mất của Thái tổ Mạc Đăng Dung đã trở thành Lễ hội truyền thống của huyện Kiến Thụy được tổ chức hàng năm, nhằm phát huy những giá trị lịch sử truyền thống văn hóa, các hoạt động tại lễ hội bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, an toàn.
Những năm gần đây, tại khu tưởng niệm nhà Mạc còn bố trí một khu vườn thư pháp bằng đá rộng khoảng 6000m2 trong đó có lưu giữ hàng chục khối đá xanh nguyên khối do con cháu họ Mạc tìm chọn từ những vùng núi đá nổi tiếng trong cả nước để cung tiến. Trên mỗi khối đá, có khắc các câu danh ngôn nổi tiếng của các tiền nhân. Vào mùa thu, trong vườn còn có rất nhiều loài hoa quý góp phần tạo nên không gian thanh tịnh, thư thái cho du khách khi tới thăm.