Dân Việt

Nợ xấu cho vay BOT tập trung ở ba ngân hàng

Thái Bình 23/09/2016 06:00 GMT+7
Kiểm toán Nhà nước, chuyên ngành VII vừa công bố thực trạng cấp tín dụng đối với các dự án BOT giao thông. Mặc dù nợ xấu cho vay BOT mới chỉ chiếm 0,1% trên tổng dư nợ cấp tín dụng các dự án, nhưng chỉ tập trung ở vài ba ngân hàng.

Theo số liệu báo cáo của các TCTD đến cuối tháng 3.2016, toàn hệ thống có 19 TCTD phát sinh dư nợ cho vay đối với các dự án BOT, BT bao gồm: 4 NHTM Nhà nước, 11 NHTM Cổ phần, 3 TCTD nước ngoài và 1 Công ty tài chính. Tổng hạn mức cấp tín dụng của 19 TCTD đối với các dự án BOT, BT là 162,7 nghìn tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là cấp cho các dự án BOT (chiếm 74,6%) và cấp cho các dự án BT (chiếm 25,4%).

Sau khi tăng mạnh (+10,1%) trong quý IV.2015, tổng hạn mức cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT tiếp tục tăng trong quý I.2016 với mức 10 nghìn tỷ đồng (+6,5% so cuối năm 2015).

Trong đó, tăng nhiều nhất là tại BIDV (+6,9 nghìn tỷ đồng);   LienViet Post Bank (+1,03 nghìn tỷ đồng). Việc cấp tín dụng cho các dự án BOT, BT chủ yếu đến từ 5 ngân hàng thuộc hàng "khỏe" nhất hiện nay (VietinBank, BIDV, SHB, Vietcombank, Sacombank) thực hiện với tổng hạn mức chiếm đến gần 90% tổng hạn mức cấp tín dụng của 17 TCTD (!)

Cụ thể, dư nợ tín dụng đối với các dự án BOT, BT đến cuối tháng 3.2016 đạt 89,4 nghìn tỷ đồng, tăng 7,0 nghìn tỷ đồng, tương ứng mức tăng 8,5% so cuối năm 2015 và bằng 54,9% tổng hạn mức cấp tín dụng.

img

SHB là một trong số 5 ngân hàng “rót” tín dụng chủ yếu cho các dự án 

Chiếu theo số liệu thống kê, một số chủ đầu tư có hạn mức cấp tín dụng tại TCTD đối với dự án BOT, BT ở mức khá cao. Công ty CP Đầu tư Đèo Cả (12.627 tỷ đồng); Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ (5.813 tỷ đồng); Công ty cổ phần BOT Biên Cương (9.006 tỷ đồng); Dự án Mở rộng Xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1A (3.822 tỷ đồng)...

Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và thương mại Phương Anh (3.323 tỷ đồng); Công ty CP ĐT Địa ốc Đại Quang Minh (3.890 tỷ đồng); Công ty TNHH BOT và BT Quốc Lộ 20 (2.631 tỷ đồng)...;

Hay "khủng" như SHB: Công ty CP Đầu tư xây dựng 194 (2.396 tỷ đồng); Công ty TNHH BOT quốc lộ 6 - Hòa Lạc - Hòa Bình (2.045 tỷ đồng)...

Thông thường, lãi suất cho vay đối với các dự án BOT, BT ở mức 10-11%/năm, tuy nhiên cũng rất nhiều khoản cấp tín dụng có lãi suất 12%/năm. Đặc biệt Sacombank cấp tín dụng cho dự án đầu tư xây dựng các đường dẫn kết nối vào cầu Phú Mỹ với lãi suất 13,5%/năm.

Ngoài ra, cấp tín dụng cho các dự án BOT, BT hầu hết là trung dài hạn, trong đó chủ yếu là trên 10 năm, đặc biệt có các dự án vay vốn từ 20 năm, như Dự án cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Dự án đầu tư xây dựng QL1A- Đoạn tránh TP Hồng Hới - Quảng Bình tại NH Đầu Tư...

Cho vay đối với các dự án BOT, BT trong đó chủ yếu là cho vay BOT giao thông đang tăng nhanh trong 2 năm gần đây, đặc biệt tiếp tục tăng nhanh trong quý I.2016, cho thấy nhiều ngân hàng đang đầu tư nguồn vốn lớn cho các dự án hạ tầng giao thông trong bối cảnh nguồn vốn khá dồi dào trong khi ngân sách Nhà nước hạn hẹp.

Theo cơ quan kiểm toán Nhà nước chuyên ngành VII, việc gia tăng cấp tín dụng cho các dự án hạ tầng giao thông sẽ góp phần nâng cao chất lượng công trình quốc gia, cải thiện môi trường đầu tư trong nước nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Nguyên nhân là hầu hết các dự án có thời gian thu hồi vốn dài, giá trị tài sản đảm bảo (TSĐB) mặc dù cao gấp 1,5 lần so với tổng hạn mức cấp tín dụng song tài sản đảm bảo chủ yếu là tài sản hình thành từ vốn vay.

Điều này dẫn tới rất khó định giá và nếu các dự án không được triển khai hoặc không hoàn thành đúng tiến độ hoặc dự án không phát huy hiệu quả kinh tế như dự kiến thì cũng gây ra nhiều khó khăn cho TCTD trong việc thu hồi vốn và xử lý TSĐB.

Tăng trưởng tín dụng nóng cho các dự án BOT

Theo số liệu của NHNN, dòng vốn tín dụng lại đổ vào các dự án BOT tăng nhanh. Tính đến cuối tháng 4.2016, Bộ GTVT đang quản lý tới 80 dự án BOT, BT, với tổng mức đầu tư lên tới 223.670 tỷ đồng, trong đó đa phần là các dự án hạ tầng được khởi công xây dựng kể từ sau năm 2012. Hiện ngoại trừ một số rất ít công trình tiếp cận được vốn vay nước ngoài, các dự án BOT giao thông chủ yếu vay vốn thương mại từ các tổ chức tín dụng trong nước. Ngoài 3 ngân hàng TMCP đang đóng vai trò chính là VietinBank, BIDV và SHB, các tổ chức tín dụng khác cũng đang được các nhà đầu tư tiếp cận để có thể đưa vốn vào các dự án BOT.