Dân Việt

Không có chuyện lãi suất đang thấp kỷ lục!

Phong Hiếu 23/09/2016 13:07 GMT+7
“Kỷ lục”, “thấp nhất trong lịch sử” là những cụm từ được sử dụng để nói về lãi suất trong hơn một tháng trở lại đây. Ai không giao dịch tiết kiệm hoặc đi vay ngân hàng mà đọc những dòng tin này thì rất dễ ngộ nhận.

Đúng là lãi suất đã giảm mạnh và đang ở mức rất thấp, nhưng đó là lãi suất trên thị trường 2 - thị trường liên ngân hàng, còn lãi suất trên thị trường 1 - thị trường huy động và cho vay đối với doanh nghiệp và dân cư thì vẫn vậy, thậm chí còn tăng.

Trên thị trường 2, lãi suất qua đêm hiện chỉ xoay quanh 0,5%, trong khi cách đây vài tháng thì mức 2% đã được coi là thấp. Lãi suất tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng liên tục giảm mạnh, có lúc chỉ còn 0,4%/năm (kỳ hạn 14 ngày) - mức kỷ lục trong nhiều năm qua, trong khi chỉ vài tháng trước còn ở mức 1,5%/năm.

Thế nhưng, diễn biến lãi suất trên thị trường 1 dường như không có ăn nhập với thị trường 2. Sau khi tăng bình quân khoảng 0,3% trong quí 1 năm nay, lãi suất huy động rải rác tăng ở một số ngân hàng trong quí 2 và tiếp tục tăng trong quí 3 năm nay. Chỉ trong tuần đầu tháng 9, Ngân hàng Bản Việt đã tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn sáu tháng từ 7%/năm lên 7,1%/năm, kỳ hạn 13 tháng từ 7,5%/năm lên 7,8%/năm. Trước đó, VPBank cũng tăng lãi suất huy động từ ngày 1-9-2016 với lãi suất kỳ hạn một tháng tăng từ 4,8%/năm lên 5%/năm, kỳ hạn hai tháng từ 5%/năm lên 5,2%/năm, kỳ hạn 13 tháng từ 6,9%/năm lên 7%/năm.

img

Quan điểm lựa chọn nơi gửi tiền của người dân lại đang thay đổi rõ rệt.

Ở đầu ra của vốn, theo công bố của NHNN, lãi suất cho vay sau khi giảm khoảng 0,5% trong bốn tháng đầu năm đã ổn định ở mức khoảng 6-9%/năm đối với kỳ hạn ngắn và 9-11%/năm đối với trung và dài hạn trong nhiều tháng qua.

Sự lệch pha này giữa hai thị trường đã diễn ra nhiều lần trong quá khứ, tuy nhiên lần này thời gian kéo dài hơn và cũng có nhiều yếu tố đặc thù.

Trước hết, lãi suất trên thị trường 2 giảm mạnh cho thấy sự dư thừa thanh khoản khá lớn trong hệ thống ngân hàng.Tuy nhiên, tình trạng dư thừa thanh khoản không phải đồng đều tại các ngân hàng. Theo quan sát, có những giai đoạn lãi suất huy động ban đầu chỉ tăng ở một vài ngân hàng, sau đó kéo các ngân hàng khác tăng theo. Một số ngân hàng có thể gặp khó khăn thật sự về thanh khoản do vốn chôn ở nợ xấu hay cần cải thiện các tỷ lệ an toàn vốn, nhưng cũng có thể chỉ xuất phát từ áp lực đạt chỉ tiêu kinh doanh. Nhưng vì câu chuyện cạnh tranh về giá vẫn chiếm màu sắc chủ đạo nên rất dễ kích hoạt làn sóng tăng lãi suất sang các ngân hàng khác. Đây cũng là lý do chính khiến NHNN chưa thể bỏ hẳn trần lãi suất huy động trong giai đoạn hiện tại.

Quan điểm lựa chọn nơi gửi tiền của người dân lại đang thay đổi rõ rệt. Phiên tòa xét xử vụ án tại Ngân hàng Xây dựng và hàng loạt vụ khách hàng mất tiền trong tài khoản đang ảnh hưởng đến niềm tin của người gửi tiền. Do đó, người dân có xu hướng cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn ngân hàng để gửi tiền, thay vì chỉ chăm chăm vào mức lãi suất cao như trước đây. Điều này làm cho các ngân hàng nhỏ, yếu kém càng khó khăn và tiếp tục quay lại giải pháp nâng lãi suất huy động để lôi kéo khách hàng.

Một nguyên nhân khác khiến lãi suất huy động tăng là do sự thay đổi trong quy định của NHNN đối với nguồn vốn để cho vay trung, dài hạn.  

Yếu tố mùa vụ của hoạt động tín dụng cũng đang ảnh hưởng đến lãi suất huy động. Hiện tại có những ngân hàng đang tắc đầu ra nhưng cũng có nhiều ngân hàng đang tăng trưởng tín dụng khá tốt. Tính đến cuối tháng 8.2016, tín dụng đã tăng trưởng ước tính khoảng 9,64%, mặc dù thấp hơn mức tăng 10,21% của cùng kỳ năm ngoái nhưng do nhu cầu tín dụng thường tăng mạnh vào cuối năm nên nhiều khả năng kế hoạch tăng 18-20% cả năm là vẫn khả quan. Việc các ngân hàng tích cực huy động vốn để chuẩn bị nguồn cho vay vào quí 4 là điều dễ hiểu.

Đối với lãi suất cho vay, theo lẽ thường thì khi thừa vốn, các ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay để đẩy mạnh đầu ra. Thế nhưng lãi suất cho vay hiện tại lại đang bị kìm giữ bởi xu hướng tăng của lãi suất huy động (như phân tích ở trên) và phải gánh luôn phần chi phí vốn của nợ xấu.  

Thanh khoản dồi dào trong hệ thống ngân hàng giai đoạn vừa qua đang được kỳ vọng sẽ lan tỏa tích cực đến lãi suất huy động và cho vay. Nhưng có lẽ điều này khó trở thành hiện thực, hoặc mức lan tỏa nếu có cũng không quá lớn bởi bản chất thị trường 2 thường chỉ phản ánh thanh khoản ngắn hạn, còn lãi suất huy động và cho vay trên thị trường 1 hiện đang chịu nhiều áp lực.