Dân Việt

TS Nguyễn Quang A: Nhìn lại vai trò của “ông chủ”

26/10/2011 16:06 GMT+7
(Dân Việt) - Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới. Trong đó, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty là một trong 3 lĩnh vực quan trọng được tập trung thực hiện.

Phóng viên NTNN đã trao đổi với TS Nguyễn Quang A xung quanh việc tái cấu trúc DNNN.

Theo ông, điều đầu tiên tái cấu trúc trong lĩnh vực này nên bắt đầu từ đâu?

- Điều đầu tiên quan trọng nhất là buộc các doanh nghiệp phải cạnh tranh với nhau. Cách làm trước đây tập hợp chúng lại thành những tập đoàn, để rồi dẫn đến chỗ các tập đoàn là nơi các doanh nghiệp không phải cạnh tranh với ai cả, tăng thêm tính độc quyền là một sai lầm cốt tử.

img
Đóng tàu tại Công ty Tàu biển Phà Rừng (Hải Phòng).

Chỉ cần nhìn sang 3 doanh nghiệp kinh doanh mạng di động là có thể thấy, họ vẫn là DNNN, nhưng khi họ phải cạnh tranh với nhau thì hiệu quả lớn hơn rất nhiều. Thứ hai, đó là các DNNN không được ưu ái, không được dễ dãi trong nguồn vốn, hợp đồng, bao cấp về giá… Thứ ba là chọn người điều hành thật giỏi, rồi cho phép doanh nghiệp tự chủ. Nếu họ làm không được, không minh bạch thì thay người khác. Bởi vì người điều hành giỏi cũng là một nghề.

Cho dù là quốc doanh hay tư nhân thì cũng đòi hỏi có một người quản lý giỏi. Lâu dài phải tạo ra một thị trường có những người lãnh đạo giỏi và họ phải được trả lương xứng đáng để nắm giữ, điều hành các DNNN.

Còn điều gì cần phải thay đổi để có thể tái cấu trúc một cách hiệu quả, đem lại sự thay đổi tốt hơn cho hoạt động của các DNNN, thưa ông?

- Ngoài việc tạo ra thể chế để DNNN hoạt động hiệu quả thì theo tôi, vai trò ông chủ đối với các doanh nghiệp cần phải được nhìn lại. Nhà nước với vai trò là ông chủ có quyền chia tách, sáp nhập và làm nhân sự trong các DNNN. Nhưng cũng vì thế cần phải hành xử như ông chủ chứ không phải chỉ bằng những mệnh lệnh, hoặc bằng cách chỉ việc cần phải thế này, cần phải thế kia.

Có thể thấy những vấn đề đặt ra xung quanh câu chuyện tái cấu trúc DNNN qua việc tái cấu trúc Vinashin chuyển sang một phần cho Vinalines mới đây. Vậy theo ông cần phải làm gì để tái cấu trúc đạt hiệu quả bởi hiện tại nếu nói một cách công bằng thì Vinalines cũng đang gặp nhiều khó khăn?

- Đây thực chất chưa phải là tái cấu trúc mà thực chất là dùng mệnh lệnh hành chính để giải quyết các khoản lỗ. Nếu muốn tái cấu trúc một cách đàng hoàng thì ngay cả DNNN cũng phải trao cho họ cái quyền tự chủ. Đã là doanh nghiệp là phải được tự chủ. Muốn doanh nghiệp hoạt động hiệu quả thì không thể là công cụ để Nhà nước điều tiết nền kinh tế.

Tại sao việc tái cấu trúc một DNNN lại không đơn giản như một doanh nghiệp thuộc các thành phần khác?

- Là bởi vì DNNN nắm rất nhiều nguồn lực. Trong khi doanh nghiệp tư nhân luôn có quá trình tự tái cấu trúc.

img Phải nhìn nhận, việc tái cấu trúc cũng không hẳn sẽ thành công và không phải tất cả các cuộc tái cấu trúc đều là hay. Việc thành lập các tập đoàn, tổng công ty trước đây thực ra cũng từng là cuộc tái cấu trúc diễn ra từ năm 2006 đến bây giờ. img

TS Nguyễn Quang A

Cần phải có sự phân định trách nhiệm như thế nào để đề cao hơn trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp?

- Cần phải thấy hạn chế của chúng ta hiện nay là thị trường của những nhà quản lý doanh nghiệp chưa được phát triển. Tức là năng lực quản lý, kỹ năng, trình độ còn chưa thực sự phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp. Điều đó dẫn đến việc thúc đẩy sớm qua việc thành lập những tập đoàn lớn là một điều chưa phù hợp, làm hỏng cuộc tái cơ cấu là vì lẽ đó.

Phải “liệu cơm gắp mắm” theo sự lớn lên của doanh nghiệp, dẫu là DNNN nhưng nếu được tự chủ từ nhỏ, rồi khẳng định dần dần dẫn đến việc có thể thâu tóm, mua lại các doanh nghiệp khác thì sẽ trở thành tập đoàn một cách vững chắc, hiệu quả.