Dân Việt

Mắc bệnh tâm thần vẫn "tự nguyện" nộp 2 triệu sinh con thứ ba?

Hoàng Thắng 25/09/2016 06:55 GMT+7
Dù gia đình thuộc diện hộ nghèo, bản thân chị Trần Thị Liên (xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) lại mắc bệnh tâm thần, song gia đình chị vẫn phải đóng góp 2 triệu vào quỹ Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) xã sau khi chị sinh con thứ ba.

Hộ nghèo vẫn phải "tự nguyện" đóng tiền

Phản ánh với báo điện tử Dân Việt, bà Lê Thị Đại (xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, tháng 9.2014, chị Trần Thị Liên (con gái bà) sinh người con thứ ba là cháu Trần Thị Ánh Dương. Cũng như nhiều gia đình sinh con thứ ba khác trong xã, bà cũng tới UBND xã để nộp số tiền 2 triệu theo yêu cầu của cán bộ xã.

img

 Chị Liên cùng ba người con của mình.

Dù đã trình bày rõ hoàn cảnh với các cán bộ xã như gia đình thuộc hộ nghèo, chị Liên (mẹ cháu Ánh Dương) mắc bệnh tâm thần. Song bà Đại vẫn phải nộp số tiền 2 triệu đồng khi làm giấy khai sinh cho cháu ngoại. Do không có đủ tiền nên bà đã đi vay lãi để có được số tiền 2 triệu nộp vào quỹ DS - KHHGĐ của xã.

Bà Đại nói: “Tôi đã trình bày hoàn cảnh của gia đình mình và tình trạng bệnh cháu Liên với ông Trần Văn Vệ - Phó Chủ tịch xã, ông Nguyễn Văn Nghiệp - cán bộ tư pháp nhưng họ không đồng ý và thuyết phục tôi nộp tiền để lấy giấy khai sinh, làm thẻ bảo hiểm cho cháu bé. Sau này, họ sẽ đề đạt trường hợp của gia đình tôi lên cấp trên, nếu được giải quyết họ sẽ trả lại tiền. Ngoài ra, tôi cũng thắc mắc vì sao nộp tiền nhưng không có hóa đơn, giấy tờ chứng minh thì họ nói rằng mọi thông tin họ đã ghi vào sổ”.

img

Giấy khai sinh của cháu Trần Thị Ánh Dương, con gái chị Liên.

Tiếp tục trình bày hoàn cảnh của mình với ông Phan Văn Nghê (Phó Chủ tịch xã), bà Đại được giải thích rằng đây là quy định của huyện, người dân phải chấp hành chứ không còn cách nào khác. Tới nay, đã gần 2 năm sau thời điểm nộp tiền, bà Đại vẫn chưa nhận được câu trả lời về trường hợp của gia đình mình.

Theo tìm hiểu của PV, chị Trần Thị Liên mắc bệnh từ năm 1988. Lấy chồng được một thời gian, bệnh tình của chị Liên tái phát nên vợ chồng chị đã chia tay. Chị Liên và hai người con đầu của mình về sống cùng bà Lê Thị Đại tại xã Bình Dương (huyện Vĩnh Tường).Theo bà Đại, việc chị Liên mang thai và sinh con thứ ba xảy ra trong thời gian chị mắc bệnh rối loạn tâm thần, không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.

Đang xem xét giải quyết

Ông Phan Văn Nghê (Phó Chủ tịch UBND xã Bình Dương) chia sẻ, chính quyền xã đã báo cáo trường hợp của chị Trần Thị Liên với chính quyền huyện để có hướng chỉ đạo, giải quyết.

img

Năm 2011, chị Liên được các bác sĩ tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Vĩnh Phúc chẩn đoán bị rối loạn tâm thần mãn tính

“Vấn đề này phải dựa vào chủ chương, hướng chỉ đạo của chính quyền cấp huyện. UBND huyện đã có công văn gửi về UBND xã cho đồng chí chủ tịch xã, nội dung cụ thể trong văn bản hiện tôi cũng chưa nắm rõ”, ông Nghê nói.

Tuy nhiên, khi đề cập về trường hợp về trường hợp của gia đình bà Lê Thị Đại và chị Trần Thị Liên, ông Lê Chí Thái (Phó Chủ tịch huyện Vĩnh Tường) lại cho biết: “Nếu gia đình đã ký cam kết thực hiện chính sách DS - KHHGĐ của xã thì vẫn thực hiện bình thường. Bên cạnh đó, tôi cũng mới được biết về trường hợp này nên sẽ tiến hành điều tra, giải quyết trong thời gian tới đây”.

Ngoài ra, ông Thái chia sẻ thêm, trường hợp gia đình khó khăn, chưa đủ điều kiện kinh tế để thực hiện khoản đóng góp tự nguyện vào quỹ DS - KHHGĐ của xã, UBND xã cần chủ động trong việc giải quyết vấn đề, UBND huyện không can thiệp sâu vào công việc của xã.

img

Gia đình của bà Đại, chị Liên cũng thuộc diện hộ nghèo.

Đồng quan điểm với ông Lê Chí Thái, bà Nguyễn Thị Nhung (Phó Trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường giai đoạn 2011 - 2016) cho rằng, cách giải quyết đối với một số gia đình, cá nhân sinh con thứ ba nhưng còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế phụ thuộc vào ứng xử của từng địa phương, cần nghiên cứu kĩ hoàn cảnh của từng trường hợp để có cách xử lí hợp lí.

Theo chia sẻ của bà Nhung, trong quá khứ, UBND huyện Vĩnh Tường từng họp, thảo luận nội dung này nhưng không đưa vào Quyết định số: 08/2013/QĐ-UBND. Mục đích chính của Quyết định số 08 là tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở các hộ gia đình, cá nhân nhằm hạn chế tỉ lệ sinh con thứ ba, thứ tư chứ không nhằm mục đích kinh tế.