Dân Việt

Bầu cử Mỹ: Điểm yếu ‘chết người’ có thể khiến Hillary Clinton thua Donlad Trump

Thanh Minh (tổng hợp) 25/09/2016 14:18 GMT+7
Trong quá trình những cuộc tranh biện trước bầu cử ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ là Hillary Clinton sẽ làm mọi điều có thể để nhấn chìm đối thủ Donald Trump, tuy nhiên, nếu ứng viên Cộng hòa thực hiện những bước đi đúng cách thì vẫn giành được quyền lãnh đạo đất nước, The Wall Street Journal (WSJ) nhận định.

Bà Clinton sẽ cố gắng biến Trump thành trò cười, xoáy vào sự thiếu kinh nghiệm chính trị của ông này, làm Trump bột phát không kiềm chế với sự hỗ trợ của những đòn tấn công nhắm vào vị thế tài chính của ông ta, gọi Trump là kẻ lừa đảo hoặc bất cứ danh xưng gì xấu xí cốt chỉ để đánh lạc hướng sự chú ý của công luận khỏi vụ bê bối của Quỹ Clinton và «bê bối thư điện tử», tác giả bài báo nhận xét.

Tuy nhiên, Trump sẽ có câu trả lời giản đơn cho tất cả các cuộc tấn công cá nhân từ phía đối thủ cựu Ngoại trưởng.

Tờ WSJ mách nước,  quá khứ của bà Clinton có khá nhiều vấn đề mà Trump có thể dễ dàng đặt ra một vài câu hỏi về chuyện liệu có nên tin một người như Clinton hay không và chuyển ngay sang chủ đề khác. Theo quan điểm của tác giả bài báo, trong thời gian tranh luận Trump cần bình tĩnh giữ lập trường xây dựng về nữ đối thủ và bằng cách đó chơi theo luật tương phản trong cuộc đấu giành ghế Tổng thống.

img

Theo kế hoạch, cuộc tranh luận quan trọng đầu tiên giữa ông Donald Trump và bà Hillary Clinton dự kiến diễn ra ngày 26.9. Nếu bà Clinton, ứng cử viên đảng Dân chủ, có thâm niên kinh nghiệm và hiểu biết sâu về các vấn đề thì bà lại không có được điều mà những người ủng hộ ông Trump - đối thủ đảng Cộng hòa của bà – coi là sự thẳng thắn. Cả hai ứng cử viên đã công kích nhau suốt cả năm qua song chưa từng một lần xuất hiện trực diện trên cùng một diễn đàn. Điều này chắc chắn sẽ là một trong những yếu tố hấp dẫn nhất trong cuộc đối đầu mà các nhà phân tích dự đoán có thể thu hút tới 100 triệu người theo dõi – một con số chưa từng thấy trong lịch sử chính trị Mỹ. 

Cuộc tranh luận sẽ là một sự kiện lịch sử còn bởi chưa có một phụ nữ nào tham gia tranh biện trong cuộc chạy đua vào chức tổng thống kể từ khi cuộc tranh biện đầu tiên được khởi xướng vào năm 1960 giữa Thượng nghị sĩ John F. Kennedy với Phó Tổng thống Richard Nixon tại trường quay Chicago. Đa số cử tri đã có sự lựa chọn của mình trước khi cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 8.11 tới, và loạt ba cuộc tranh luận (hai cuộc tranh luận nữa sẽ diễn ra vào ngày 9.10 và 19.10) có lẽ chỉ giúp họ củng cố thêm cho quyết định của mình.

Tuy nhiên, các cuộc tranh luận này có thể có tác động tới số cử tri chưa có quyết định sẽ bỏ phiếu cho ai. Và, theo cuộc điều tra của hãng NBC, số lượng những cử tri còn đang dao động này dường như là đông hơn so với 4 năm trước, chiếm khoảng 9% tổng số cử tri. Các ứng cử viên cần làm gì để thu hút được số cử tri này? 

Mitchell McKinney, giáo sư môn truyền thông chính trị tại Đại học Missouri, nói: “Chúng tôi xem các buổi tranh luận trên truyền hình không phải chỉ để biết ai trong hai ứng cử viên là người khôn ngoan hơn hay ai có nhiều số liệu, thông tin chính sách đầy đủ hơn để có thể nói trong 90 phút”.

Là một chuyên gia về tranh biện chính trị, ông McKinney cho rằng các khán giả truyền hình thích các ứng cử viên có khả năng chuyển tải quan điểm của mình chỉ bằng một vài câu đơn giản, hấp dẫn và đáng nhớ. Bà Clinton, với ưu thế cẩn trọng và chi tiết trong các vấn đề, sẽ phải tránh đưa ra những câu trả lời quá chuyên môn và cặn kẽ cho những câu hỏi của người dẫn chương trình.

Trước đó, Tổng thống Obama cũng có lời khuyên cho bà Clinton rằng: “Hãy là chính mình và cho thấy điều gì là động lực thúc đẩy bạn”. 

Theo các cuộc điều tra, đây là một thách thức thường xuyên đối với bà Clinton, ứng cử viên ít được ưa thích nhất trong số các ứng cử viên đảng Dân chủ trong nhiều năm qua. Bản thân bà Clinton thừa nhận bà không có được sức thu hút như chồng bà, ông Bill Clinton, hay của ông Obama. Hơn một nửa người Mỹ không chắc họ có thể tin tưởng bà được không.

 Trong cuộc đua tranh chức Tổng thống lần đầu tiên của mình vào năm 2008, bà Clinton đã thể hiện mình là một “người đàn bà thép” cứng rắn theo kiểu cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher. Lần này, bà nhấn mạnh vai trò của mình là người tiên phong đấu tranh vì quyền phụ nữ và đánh bóng hình ảnh của mình là một bà ngoại, một nỗ lực xem ra được ưa thích và dễ gần hơn.

Song bà sẽ không dễ gì xóa bỏ đi, trong 90 phút tranh biện, hình ảnh của bà đã in dấu trong công luận suốt 1/4 thế kỷ qua.