Dân Việt

Trung Quốc đang mua cả châu Âu?

Trà My - SCMP 26/09/2016 00:25 GMT+7
Từ các câu lạc bộ bóng đá cho tới các nhà sản xuất robot, hạt giống cho đến các ngân hàng tư nhân, sự thèm muốn của các công ty Trung Quốc với tài sản châu Âu dường như là vô giới hạn.

img

Trung Quốc đang mua cả châu Âu?

Các công ty Trung Quốc đang ngày càng mua nhiều tài sản của các công ty châu Âu để đa dạng hóa danh mục đầu tư của họ hoặc để thúc đẩy chuỗi giá trị.

Các doanh nghiệp châu Âu hoàn toàn lúng túng trước sự thật trên. Một mặt, việc Trung Quốc tìm mua các tài sản ở châu Âu là những giao dịch kinh doanh có lợi cho châu Âu. Mặt khác, ngày càng có nhiều lo ngại rằng Trung Quốc đang lấy đi những gì tốt nhất của châu Âu.

Mối lo ngại này càng gia tăng sau khi Bắc Kinh công bố sáng kiến “Made in China 2025” vào năm ngoái, một kế hoạch đầy tham vọng nhằm biến quốc gia này thành một trong những cường quốc sản xuất hàng hoá đứng đầu thế giới trong 10 năm.

Phòng Thương mại của Liên minh châu Âu tại Trung Quốc đã tổ chức một hội nghị bàn tròn cho các giám đốc điều hành chi nhánh doanh nghiệp Trung Quốc để thảo luận "Cuộc Cách mạng Công nghiệp” này của Trung Quốc.

img

Chủ tịch Phòng thương mại EU, ông Joerg Wuttke 

"Có vẻ như Trung Quốc đang có một danh sách mua sắm rất dài", Chủ tịch Phòng thương mại EU, ông Joerg Wuttke nói. Điều này có thể làm trầm trọng thêm mối lo ngại liệu "Trung Quốc có thể mua hết châu Âu", ông nói.

Các cuộc tranh luận ngày càng căng thẳng khi nhà sản xuất thiết bị Trung Quốc tên là Midea Group đã công bố kế hoạch mua công ty sản xuất robot khổng lồ của Đức KUKA hồi tháng 5. Đây là một trong những thương vụ đầu tư lớn nhất của Trung Quốc tại EU.

"Việc một nhà đầu tư Trung Quốc mua một sân bay ở châu Âu là bình thường, nhưng  thật không thể tưởng tượng được việc một công ty của châu Âu mua một thứ tương tự ở Trung Quốc", Wuttke, người kêu gọi sự bình đẳng cho các doanh nghiệp châu Âu tại Trung Quốc cho biết.

Tính đến năm nay, đã có 110 đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc ở châu Âu, đã hoàn thiện hoặc chưa, “một năm cực kỳ mạnh mẽ", Phòng Thương mại EU cho biết trong một báo cáo hàng năm phát hành tháng này.

img

Nhà sản xuất thiết bị Trung Quốc tên là Midea Group đã công bố kế hoạch mua công ty sản xuất robot khổng lồ của Đức KUKA hồi tháng 5

Tài sản của các công ty châu Âu ngày càng có giá hấp dẫn hơn với các công ty Trung Quốc sau cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu, và đặc biệt là sau khi các công ty Trung Quốc, cả tư nhân và nhà nước, phát triển giàu mạnh hơn khi Trung Quốc vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Từ đó, châu Âu đã trở thành mục tiêu ưa thích của các công ty Trung Quốc nhằm đa dạng hóa danh mục đầu tư hoặc như một “lối tắt” để thúc đẩy chuỗi giá trị.

EU không có một tổ chức tương tự như Ủy ban Đầu tư nước ngoài của Mỹ, trong đó có quyền từ chối đầu tư nước ngoài.

Năm ngoái, tổ chức này của Mỹ đã cấm Philips bán công ty con Lumileds cho nhiều nhà đầu tư, trong đó có Trung Quốc, vì những lo ngại an ninh.

img

Châu Âu đã trở thành mục tiêu ưa thích của các công ty Trung Quốc

Vào tháng 8, chính phủ Úc cũng từ chối lời đề nghị của công ty State Grid của Trung Quốc và công ty Cheung Kong Infrastructure Holdings có trụ sở tại Hồng Kông muốn mua lại cổ phần của công ty Ausgrid, cũng do những lo ngại an ninh.

Theo đó, Úc sẽ không cho phép lưới điện ở bang đông dân nhất nước này lọt vào tay các nhà thầu từ Trung Quốc và Hong Kong. Theo Bộ trưởng Tài chính Úc Scott Morrison, lo ngại an ninh quốc gia là trở ngại lớn nhất để cho phép Trung Quốc thực hiện dự án.

Tập đoàn Điện lực Quốc gia Trung Quốc và doanh nghiệp Cheung Kong của Hong Kong đã đấu thầu thuê 99 năm với mạng điện lớn nhất ở Australia. Tuy nhiên, ông Scott nói rằng Australia muốn đảm bảo cổ phần ít nhất 50,4% thuộc về công ty điện lực nước này nên “ dự án điện là không phù hợp với an ninh quốc gia”.

img

Bộ trưởng Tài chính Úc không đồng ý cho dự án điện lớn nhất cả nước rơi vào tay Trung Quốc

Nhưng thỏa thuận với Midea Group để mua KUKA đã nhận được lời chấp thuận của chính phủ Đức hồi tháng trước.

Steven Zhang, một chuyên gia kinh tế nhận định rằng sự cởi mở của châu Âu và sự phát triển của Trung Quốc đã dẫn đến một sự kết hợp tốt giữa các nhà đầu tư Trung Quốc và tài sản châu Âu.

"Cơn sốt mua tài sản châu Âu có thể nguội dần một khi sự cải thiện trong nền kinh tế Trung Quốc tạo ra nhiều cơ hội đầu tư trong nước hơn và sự phục hồi của thị trường EU sẽ tăng giá trị của các công ty EU, làm giảm sức hấp dẫn với Trung Quốc", Zhang nói.