Việc một em bé 9 tuổi đi xe đạp bị góc sắc của miếng tôn cắt vào cổ dẫn tới tử vong khi đang mải nói chuyện với bạn trên đường ngày hôm trước đã gây ra một nỗi đau đến bàng hoàng không chỉ của riêng gia đình em mà của cả những người làm cha mẹ khác. Nó cũng gây một cơn bão đòi trừng phạt gay gắt và quyết liệt trên mạng xã hội. Tuy nhiên, nếu chúng ta bình tĩnh hơn để nhìn nhận, thì đứng về mặt số học, tai nạn này cũng chỉ là một trong khoảng 30 vụ tai nạn gây tử vong với trẻ em đang xảy ra hàng ngày.
Hiện trường vụ tai nạn thương tâm
Một vài số liệu thống kê cho thấy mỗi năm chúng ta có 11.500 trẻ em chết do đuối nước. Tỷ suất tử vong do tai nạn, thương tích trong độ tuổi từ 0-19 tuổi ở Việt Nam giai đoạn 2010-2013 cao gấp đôi tỷ suất tử vong do tai nạn, thương tích ở các nước có thu nhập cao. Trong lĩnh vực giao thông, ba năm 2013, 2014, 2015, số trẻ em chết do tai nạn tăng gần 100% sau mỗi năm. Trong đó, có tới 70% trẻ em bị tử vong vì tai nạn giao thông là học sinh cấp III và 80% trong số đó là do tự điều khiển phương tiện chủ yếu gồm xe đạp điện, xe máy, xe phân khối lớn.
Quay lại với vụ việc trên, người lái chiếc xích lô chở tôn đã bị công an tạm giữ. Theo những thông tin đang lan truyền trên mạng, người lái xích lô đó là một người nghèo cùng cực. Ông đã từng là bộ đội tại Vị Xuyên, Hà Giang và sức ép đạn pháo khiến ông không như người bình thường. Cho dù thông tin đó có đúng hay không thì cũng đâu có gì quan trọng. Dù là ai ông cũng đang thực hiện quyền được sống của mình. Chỉ có điều, khi mưa sinh, ông đã gây nguy hiểm cho người khác.
Không bào chữa được. Ai muốn sống trước tiên cũng phải an toàn, giàu hay nghèo cũng vậy, không thể chỉ vì là người nghèo, muốn sống thì nhiều khi bất chấp sự an toàn, dù là an toàn của ai.
Thời gian trước ở đầu ngõ nhà tôi có một bác xe ôm đã gần 60 tuổi. Nhà tận miền Trung, do vợ ốm phải ra Hà Nội chạy chữa và các con đều nghèo, nên bác phải đi làm kiếm thêm tiền. Việc chăm vợ đòi hỏi thời gian linh hoạt nên bác không thể xin việc mang tính cố định. Bác chạy xe ôm. Mỗi ngày bác cố gắng ăn uống tằn tiện trong khoảng 20 nghìn còn để dành dụm. Chiếc xe bác chạy hai năm đã không bảo dưỡng và má phanh mòn đến mức mỗi lần bác nhấn phanh nó rít lên những tiếng xé tai.
Ở độ tuổi đấy với chất lượng sống và chiếc xe như thế việc tai nạn chỉ là sớm muộn. Tôi sẽ phải nhìn bác như một nguy cơ gây chết người hay một người chồng tốt?
Theo một nghiên cứu về sự kỳ thị lao động nhập cư nghèo tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được đăng trên Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, gần 60% số người lao động nhập cư nghèo cho rằng họ đã trải qua việc làm nặng nhọc, nguy hiểm và gần một nửa (47,7%) số người trả lời đối với họ đã từng xảy ra trường hợp bị người sử dụng lao động đối xử không tốt. Tương tự tỷ lệ lao động nhập cư nghèo có sự e ngại thái độ thiếu thiện cảm của mọi người khi làm việc là 64,6% và lo ngại bị phân biệt đối xử trong công việc là 58,0%.
Tôi thấy dường như trong mỗi người thành thị đều có ít nhiều ác cảm với những người lao động nhập cư nghèo. Trong giao thông vấn đề này dường như trở nên trầm trọng hơn. Tuy không có thống kê cụ thể nhưng người nhập cư nghèo luôn được coi là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng giao thông phức tạp tại Hà Nội. Phương tiện giao thông của họ đa phần thô sơ và cồng kềnh, ý thức giao thông kém và hay xuất hiện tại các điểm tắc nghẽn như chợ tạm, đường giao, ngõ hẹp…
Với mỗi người Hà Nội giao thông thực sự là một cuộc chiến. Chi phí tăng thêm do tiêu hao nhiên liệu và lãng phí công lao động vì ùn tắc giao thông ở nội thành Hà Nội lên đến khoảng 36,4 tỷ VNĐ/ngày. Trung bình mỗi ngày một người Hà Nội mất khoảng từ 60 phút đến 90 phút cho việc di chuyển từ nhà đến chỗ làm và ngược lại. Tình trạng tắc đường, ô nhiễm không khí gây sự mệt mỏi, chán nản, căng thẳng và tác động tiêu cực đến sức khỏe con người.
Ở góc độ tâm lý, phải chăng có sự đánh đồng ở mức độ nhất định hình ảnh người chở tôn bằng xe ba gác như một biểu tượng cho người lao động nhập cư nghèo và cháu bé như biểu tượng cho những nạn nhân thụ động của hệ thống giao thông phức tạp tại Hà Nội? Chính vì vậy tai nạn thương tâm đã tạo một điểm bùng phát cho những bức xúc đã tích tụ lâu ngày?
Thỉnh thoảng tôi vẫn cố gắng thuê bác xe ôm đầu ngõ đi đưa đồ chỗ này, chỗ khác. Tôi biết điều đó có thể gây nguy hiểm cho tôi, cho bác lái xe và cho cả những người đi đường. Thế nhưng tôi cứ nghĩ đến cuộc sống nghèo khổ, về người vợ đang đợi chết, về một tương lai mù mịt với những đứa con nghèo của bác. Nếu tôi không đủ sức để đưa cho bác một con đường khả dĩ hơn thì tôi có quyền gì phán xét sự mưu sinh lầm lụi ấy?
Nhưng đấy là suy nghĩ của riêng tôi. Tôi cũng không biết một ngày kia, rủi ro xảy ra, chiếc xe máy cũ kỹ mất phanh hay mất lái do chở quá nặng, có ai đó, tôi, hoặc chính bác xe ôm chở thành nạn nhân của một vụ việc đau thương nào khác, liệu tôi có còn suy nghĩ thế nữa không?
Đã rất bình tĩnh, nhưng có lẽ chẳng có một nhìn nhận nào khác ngoài việc yêu cầu ngăn cấm ngay những phương tiện có thể gây chết người đi lại trên đường.