Dân Việt

Chuyện làm chè an toàn của Trịnh Xuân Thanh

Thùy Linh 27/09/2016 07:45 GMT+7
Mải miết những ý tưởng mới trong sản xuất kinh doanh chè, anh Trịnh Xuân Thanh, chủ cơ sở sản xuất thương mại Duy Phát, thôn 12, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) luôn đau đáu với mô hình sản xuất chè an toàn bằng phương pháp hữu cơ, không dùng thuốc bảo vệ thực vật, không dùng phân bón hóa học…

Chuyện làm chè an toàn 

Sinh ra và lớn lên ở vùng chè, kinh tế gia đình cũng đều nhờ từ loại cây trồng này, nên hơn ai hết, anh Thanh hiểu rõ những vui, buồn của người trồng chè. Anh bảo, đi nhiều nên ngẫm, người dân các vùng miền biết về chè Tuyên Quang là vùng chè nổi tiếng với thứ hương vị đặc trưng của miền núi, chất đất và khí hậu được thiên nhiên ưu đãi lớn.

Để giữ hương vị của cây chè xứ Tuyên, mình muốn được góp phần nhỏ bé vào việc nâng cao chất lượng hương vị chè quê hương, đặc biệt làm chè theo hướng an toàn. Anh suy nghĩ, cần phải gắn liền sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đi đôi mở rộng diện tích với nâng cao chất lượng chè địa phương để tăng thu nhập cho người trồng chè.

img

Trồng chè theo quy trình sản xuất hữu cơ Organic của anh Trịnh Xuân Thanh, thôn 12, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn).

Từ năm 2013, gia đình anh Thanh đã đầu tư hơn 400 triệu đồng xây dựng nhà xưởng hợp vệ sinh an toàn thực phẩm. Hệ thống sân tập kết chè được anh ốp lát gạch men toàn bộ, đảm bảo mỗi khi thu hái chè tươi về tập kết, chè được đổ dồn toàn bộ vào mặt phẳng của sân đã có bạt sạch trải sẵn, hoàn toàn không để chè tiếp xúc trực tiếp với sân gạch. 

Hệ thống máy tạo hình chè có cối vò, chảo sấy chè bằng inox được đặt làm tại các cơ sở cơ khí nổi tiếng của vùng chè Tân Cương (Thái Nguyên). Anh Thanh chia sẻ, cây chè khi được qua các công đoạn đều phải chú ý đến thời gian và nhiệt độ trong lò sao cho đảm bảo hương chè còn vương đậm khi được thưởng thức. Đặc biệt trong công đoạn tạo hình chè hay còn gọi là “vò” chè, anh đặt riêng người sản xuất thay thế bề mặt của máy làm bằng gỗ thay thế sắt đơn thuần như nhiều nơi vẫn làm.

Bởi theo anh lý giải, khi bề mặt làm bằng sắt, theo thời gian lớp sắt này bị ô xi hóa, han dỉ. Nếu người làm chè vẫn dùng để vò chè, khi uống chè, với người tinh trong nghề sẽ ngửi thấy vị tanh của sắt còn vương lại. Anh đã quyết định chọn gỗ thay cho sắt, tuy tốn kinh phí hơn trong việc thay thế bởi độ bền của gỗ không cao bằng sắt nhưng anh vẫn quyết định đổi thay theo cách nghĩ của bản thân.

Chăm sóc cây chè theo hướng an toàn, anh Thanh vận dụng cách làm của bè bạn trong Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam, anh đầu tư toàn bộ chi phí chăm sóc cho 4 hộ trồng chè với tổng diện tích hơn 2 ha. Với diện tích này, anh hướng dẫn bà con sử dụng hoàn toàn chế phẩm sinh học từ khâu chăm sóc, làm cỏ, phòng trừ sâu bệnh. Việc thu hoạch chè đều hái bằng tay và gia đình anh là đầu mối thu mua chè búp tươi cho tất cả bà con để chế biến theo đúng quy trình kỹ thuật mà anh đã cất công học hỏi được. 

Năm 2014, thông qua Hội Nông dân xã Mỹ Bằng, anh Thanh mạnh dạn đăng ký nhãn hiệu sản phẩm chè Duy Phát và thành lập cơ sở Thương mại Duy Phát. Sản phẩm của cơ sở chủ yếu là các sản phẩm chè địa phương được sản xuất theo hướng an toàn như: Chè Ngọc Thúy, Chè Lai 1… Từ sự hướng dẫn của Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh, cơ sở của anh Thanh đã xây dựng quy chế hoạt động và thực hiện quy trình sản xuất, đảm bảo các yếu tố về an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất và chế biến chè.

Hiện nay, tuy đang trong thời gian chờ công nhận thương hiệu chè Duy Phát, nhưng sản phẩm chè do cơ sở của anh Thanh sản xuất đã có giá trị gấp 1,5 - 2 lần so với trước kia, giá bán đạt từ 200 nghìn đồng đến 800 nghìn đồng/kg, thị trường tiêu thụ được mở rộng ở hầu hết các tỉnh, thành phố phía Bắc, nhiều nhất là ở thành phố Hà Nội và Hải Phòng. Trong đó sản phẩm chè khô an toàn của cơ sở đã được các cửa hàng bán nông sản sạch tại Hà Nội ký hợp đồng tiêu thụ, doanh thu hàng năm đạt từ 500 đến hơn 600 triệu đồng.

Hướng tới sản phẩm chè hữu cơ

Trong khu nhà xưởng rộng chừng 200 m2, anh Thanh dành riêng cho mình khu “nghiên cứu” sản phẩm bột chè xanh matcha nguyên chất. Anh tâm sự, sản phẩm chè hiện anh đang bán chủ yếu là do lượng khách đặt hàng theo yêu cầu cao, đảm bảo “1 tôm 2 lá”, có khi là “1 tôm 1 lá”, nên lượng lá chè “bánh tẻ” nếu không được tận dụng sẽ rất lãng phí. Qua tìm hiểu thông tin trên sách báo, anh liền triển khai làm thử nghiệm bột chè xanh.

Sau lứa hái chè thủ công như thường niên, anh thuê máy hái chè để thu hái lớp lá chè “bánh tẻ” làm thử nghiệm. Nhưng mẻ hái ban đầu không thành công, nguyên liệu về gồm nhiều lá và cẫng chè già, lá chè bị nát dập ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm nên anh đã bỏ đi một loạt lá chè không đảm bảo yêu cầu này. Rút kinh nghiệm những lần hái chè sau, anh thuê nhân lực phân loại hái chè búp để làm chè khô và lá chè “bánh tẻ” để làm bột chè xanh matcha. Lá chè sau khi được làm sạch, anh tách lá ra khỏi gân lá bằng máy để đảm bảo bột xay được nhuyễn, mịn. 

Điều đặc biệt, cối đá để xay bột chè được anh đặt mua từ Nhật Bản mà người ta vẫn thường truyền tai nhau về chuyện “đá có hồn” khi thứ đá này được dùng để xay chè matcha tại xứ sở mặt trời mọc. Bởi chè khi được đưa vào xay tại cối đá sẽ sản sinh lượng nhiệt lớn nhưng không làm cháy chè, bản thân cối đá không bị mài mòn, chất lượng chè khi thành phẩm vẫn giữ nguyên bản mùi hương, đạt độ mịn theo tiêu chuẩn của bên đặt hàng.

Theo anh Thanh, tuy làm sản phẩm này mất nhiều công đoạn, nhưng giá thành khá cao từ 1,2 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng/kg, đây sẽ là một hướng đi mới chắc chắn bền vững của cơ sở trong tương lai. Sau khi thành công ở lần đầu tiên giao bán bột chè xanh matcha tại Hà Nội, hiện anh đang cân nhắc lựa chọn đơn vị bao tiêu sản phẩm cho cơ sở để đảm bảo đầu ra bền lâu và hiệu quả kinh tế cao.

Cây chè để làm bột matcha ngoài việc chăm sóc theo hướng an toàn, anh còn phủ lưới để đảm bảo cây chè phát triển tốt nhất khi không bị táp sương, mưa, nắng trực tiếp. Chính từ việc làm này hối thúc anh tính đến chuyện ứng dụng việc chăm sóc chè hữu cơ. Anh Thanh cho hay, quy trình không cho phép sử dụng các chất hóa học như phân hóa học, thuốc trừ sâu hay thuốc trừ cỏ.

Người dân sử dụng các chất thải tự nhiên ví dụ như phân ủ để tạo chất màu cho đất và dùng các phương pháp tự nhiên để kiểm soát sâu bệnh và cỏ dại. Thuận lợi là thành viên Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam, anh được học hỏi, trao đổi với những thành viên khác trong hiệp hội về kinh nghiệm để sản xuất ra những sản phẩm nông sản sạch, cao cấp.

Hiện nay, trên 2 ha chè, anh Thanh triển khai các bước theo quy trình hướng dẫn nông nghiệp hữu cơ; anh tìm hiểu cách pha chế, ngừa sâu bệnh cho chè bằng hỗn hợp xay từ cây sả, ớt, lá xoan và thuốc lào, loại bỏ hoàn toàn thuốc trừ sâu. Hiện, anh Thanh đang triển khai các bước hoàn thiện các thủ tục để được Chứng nhận PGS (Hệ thống bảo đảm cùng tham gia) đảm bảo sản phẩm được sản xuất theo đúng quy trình, tuân thủ các quy định trong sản xuất hữu cơ Organic theo tiêu chuẩn PGS Việt Nam được xây dựng dựa trên bộ tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp hữu cơ 10TCN 602-2006 do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành. 

Sản xuất nông sản sạch, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng khi cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh là một trong những mục tiêu lớn mà ngành nông nghiệp tỉnh ta đang hướng tới. Với mô hình mới, anh Thanh hy vọng đây sẽ là một trong những điểm ứng dụng hiệu quả việc triển khai các sản phẩm nông nghiệp an toàn chất lượng cao, giảm giá thành chi phí đầu tư.