Hậu quả của thời tiết cực đoan
Vùng đồng bào miền núi Nghệ An chiếm 40% dân số toàn tỉnh, cuộc sống của người dân chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, nên khả năng ứng phó với BĐKH thấp, do vậy hàng năm vùng miền núi, đặc biệt là vùng cao dễ bị tổn thương với thiên tai và BĐKH. Điển hình nhất trong đợt mưa lớn sau cơn bão số 4 vừa qua, những hiện tượng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đã gây thiệt hại nặng nề đến đời sống của đồng bào.
Áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tại vùng cam huyện Quỳ Hợp - một giải pháp chống biến đổi khí hậu trong sản xuất.
Bên cạnh đó, về mùa nắng hàng năm, vùng miền núi trên địa bàn tỉnh có gần 1.900 nghìn ha rừng trồng bị thiệt hại do hạn hán; trung bình mỗi năm có 15 - 25 vụ cháy rừng lớn nhỏ; trung bình mỗi năm có trên 2.500 nhà cửa đổ sập, tốc mái do lốc xoáy; hàng trăm công trình cơ sở hạ tầng nhà cửa, giao thông, dịch vụ bị hư hỏng, do sạt lở đất. Qua đánh giá của Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Nghệ An, ước tính, mỗi năm các huyện miền núi thiệt hại hàng trăm tỷ đồng do thiên tai gây ra.
Giải pháp đối phó
Đánh giá về BĐKH và công tác đối phó, ông Vi Lưu Bình - Phó Giám đốc Sở NN & PTNT cho rằng: BĐKH chủ yếu do con người gây ra: Nạn phá rừng, khai thác khoáng sản bừa bãi... do vậy, khắc phục BĐKH phải bắt đầu từ chính nhận thức, quan điểm và hành vi của con người. Một trong những giải pháp quan trọng là, cần tuyên truyền cho mọi người hiểu rõ thiên tai hôm nay là do BĐKH, nó đã và đang tác động đến sự sống của con người hàng ngày, hàng giờ.
Đồng thời làm tốt công tác sắp xếp bố trí lại khu dân cư những nơi đặc biệt khó khăn về đất trồng trọt, chăn nuôi, thiếu nước sinh hoạt, dễ bị sạt lở, lũ ống, lũ quét... Cần có chính sách phát triển và liên kết hỗ trợ giữa các ngành kinh tế, các cấp để thống nhất quản lý và kiểm soát thiên tai do thời tiết khí hậu biến đổi gây nên.
Người dân xã Tiền Phong (Quế Phong) trồng, chăm sóc rừng chống biến đổi khí hậu.
Trong sản xuất nông nghiệp, nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ đối phó với biến đổi khí hậu như: áp dụng tưới sương mù, tưới phun gốc, tưới nhỏ giọt, trồng cây trong nhà lưới, nhà kính... Ngoài mang lại hiệu quả kinh tế cao, còn phòng ngừa, giảm thiểu tác hại, ổn định phát triển sản xuất nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Việc xây dựng các mô hình sinh kế thích ứng với BĐKH dựa vào cộng đồng là giải pháp của Trung tâm Khuyến nông tỉnh. Đó là, sự kết hợp khoa học giữa cây lâm nghiệp với cây nông nghiệp, giữa cây trồng và vật nuôi, nhằm đa dạng sản phẩm, đảm bảo lương thực; duy trì thảm thực vật, giảm xói mòn, rửa trôi bề mặt đất; bảo vệ môi trường. Để mô hình này có hiệu quả, khâu chọn cây, con giống và bố trí cây trồng hợp lý là quan trọng. Với cây lâm nghiệp, chọn loại cây có bộ rễ phát triển khỏe, chịu hạn, kháng sâu bệnh, cây có khả năng tái sinh chồi mạnh, đồng thời có nhiều công dụng: lấy gỗ, vỏ, quả... Cây nông nghiệp, chọn những loại cây chịu được thời tiết khắc nghiệt, thời gian sinh trưởng ngắn ngày, kháng bệnh tốt. Trong đó, cây lâm nghiệp được bố trí trồng ở phần đỉnh đồi, cây công nghiệp dài ngày bố trí trồng ở phần sườn đồi, tiếp đó là cây ăn quả, cây màu các loại, dưới cùng là đào ao nuôi thả cá, chuồng trại chăn nuôi.
Ngoài ra, ở vùng miền núi còn có những mô hình sản xuất đối phó với sự biến đổi khí hậu, mà các địa phương đã áp dụng hiệu quả trong những năm qua, như: mô hình canh tác lúa cải tiến (SRI); mô hình bón phân viên nén dúi sâu cho lúa nước; mô hình chăn nuôi lợn, gà an toàn có sử dụng đệm lót sinh học; mô hình trồng cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng; mô hình nuôi cá lồng trên sông, lòng hồ... Tuy nhiên, để các mô hình này nhân ra diện rộng, cần có sự quan tâm, phối hợp giữa các ngành, đặc biệt là vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Bởi, chính quyền địa phương là thành phần chủ trì khâu nối, liên kết “4 nhà”, đồng thời triển khai kế hoạch nhân rộng bằng cách, ban hành chính sách hỗ trợ từ con giống, vật tư... Nhà khoa học có trách nhiệm cung ứng giống đảm bảo chất lượng; nhà doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm... từ đó người dân yên tâm đầu tư ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất.
BĐKH đang tác động mạnh đến kinh tế và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng miền núi. Những giải pháp đối phó với BĐKH đã và đang thực hiện trong thực tiễn là cơ sở quan trọng cho những hành động tiếp theo. Việc rút kinh nghiệm từ các giải pháp và tăng cường hành động của các cấp, ngành và nhân dân các địa phương sẽ góp phần hạn chế những thiệt hại do BĐKH gây ra.