Hai ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump và Hillary Clinton xuất hiện trong cuộc "khẩu chiến" sáng ngày 27.9 (giờ Việt Nam).
Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), Trung Quốc đang ngày nổi bật hơn trong ba cuộc tranh luận của ứng viên Tổng thống Mỹ gần nhất.
Trong cuộc tranh luận lần này, ông Trump đã sớm nhắc đến Trung Quốc khi nói rằng đây là quốc gia khiến nền kinh tế Mỹ gặp trục trặc.
“Hãy nhìn những gì Trung Quốc đang làm đối với nước Mỹ, họ giảm giá trị đồng nội tệ, thu hút công ăn việc làm. Nhưng chính phủ Mỹ không ai dám đứng lên, dám làm gì Trung Quốc. Trung Quốc đang cưỡi lên lưng chúng ta, khiến chúng ta mất đi nhiều công ăn việc làm. Họ sử dụng nước Mỹ để xây dựng quốc gia của chính họ…”, ông Trump nói.
Nếu trong các cuộc tranh luận tổng thống ở kỳ bầu cử trước đây, tần suất sử dụng “Trung Quốc” chỉ giới hạn ở thương mại và các khoản nợ thì bây giờ, Trung Quốc đã xuất hiện cả ở lĩnh vực khác như an ninh mạng, khủng bố và mối đe dọa hạt nhân.
Năm 2012, cuộc tranh luận giữa ông Obama và Mitt Romney chỉ xuất hiện tên “Trung Quốc” ba lần, đều từ ứng viên Romney. Ông Obama thậm chí còn không nhắc đến Trung Quốc.
Năm 2008, trong cuộc tranh luận giữa ông Obama và John McCain, Trung Quốc xuất hiện trong 5 lần khi ứng viên đề cập tới vấn đề chủ nợ và hợp tác trừng phạt Iran.
Trong phiên tranh luận lần này, ông Trump và bà Clinton đã nhắc đến Trung Quốc 12 lần trong các chủ đề thương mại, internet, Iran, Triều Tiên và cả cơ sở hạ tầng Mỹ.
Bà Clinton được cho là chiếm ưu thế trong phiên tranh luận đầu tiên.
So với ông Trump, bà Clinton nhắc đến Trung Quốc trong 3 lần. Đó là lời cam kết cứng rắn trước mối đe dọa an ninh mạng nhằm vào Mỹ, “Dù là Nga, Trung Quốc, Iran hay bất kỳ nước nào, Mỹ có năng lực lớn mạnh hơn nhiều. Và nước Mỹ sẽ không ngồi yên nhìn các cơ quan mang danh nhà nước đi khai thác thông tin của chúng ta, dù là ngành công hay tư nhân”.
Đề cập đến vấn đề biến đổi khí hậu bà Clinton nói: “Donald Trump nghĩ rằng biến đổi khí hậu là trò bịp bợm của Trung Quốc”. Ông Trump ngay sau đó thanh minh rằng mình không nói như vậy.
Không phải tất cả các chủ đề nhắc đến Trung Quốc đều tiêu cực. Ông Trump ca ngợi hệ thống sân bay Trung Quốc so với những rắc rối trong cơ sở hạ tầng Mỹ. “Nếu như bạn hạ cánh ở Laguardia, Newark, L.A.X rồi sau đó đến Dubai, Qatar và Trung Quốc, bạn sẽ thấy những sân bay đáng kinh ngạc. Chúng ta đang trở thành quốc gia trong thế giới thứ ba”.
Các nhà phân tích nhận định, những lời chỉ trích Trung Quốc nặng nề trong phiên tranh luận không nhất thiết chuyển thành chính sách nếu ông Trump trở thành tổng thống. “Ông Trump chưa thông qua chính sách với Trung Quốc một cách chi tiết. Ông ấy sử dụng Trung Quốc để làm ví dụ minh họa cho mối quan ngại về vấn đề của Mỹ với thế giới”, Paul Haenle, giám đốc Trung tâm Carnegie-Tsinghua về chính sách toàn cầu ở Bắc Kinh nhận định.
Ông Yuan Zheng, chuyên gia về chính sách đối ngoại tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng việc Trung Quốc bị chỉ trích trong phiên tranh luận của ứng viên Tổng thống Mỹ là điều không bất ngờ.
Người Trung Quốc theo dõi phiên tranh luận đầu tiên giữa hai ứng viên Tổng thống Mỹ.
Thay vào đó, điều này thể hiện sự tương tác chặt chẽ giữa hai nước trong những năm qua. Trung Quốc và Mỹ là hai đối tác thương mại thứ hai lớn nhất của nhau, ông Yuan nói. Ngoài ra, bà Clinton có thể chỉ trích Trung Quốc mạnh mẽ hơn trong các phiên điều trần tới nếu dư luận Mỹ mong muốn lập trường cứng rắn hơn.
Việc Trung Quốc xuất hiện thường xuyên hơn trong phiên tranh luận của ứng viên Tổng thống Mỹ cũng cho thấy thách thức mà Bắc Kinh phải đối mặt với tân tổng thống Mỹ, dù đó là ai, chuyên gia Zhang Yuquan, chuyên ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Tôn Trung Sơn ở Quảng Châu nhận định. “Donald Trump trở thành tổng thống sẽ thể hiện lập trường cứng rắn hơn về thương mại với Trung Quốc. Trong khi đó, bà Clinton nắm quyền cũng tăng cường mối quan hệ với đồng minh châu Á như Philippines và Nhật Bản để ngăn tham vọng Trung Quốc”.
Cư dân mạng Trung Quốc cũng trao đổi sôi nổi về phiên tranh luận sáng ngày 27.9 (giờ Việt Nam). Một số người tỏ ra tức giận vì ứng viên Tổng thống Mỹ bình luận tiêu cưc về Trung Quốc. Những người khác cảm thấy đây là điều tốt vì Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn trong cuộc bầu cử được cả thế giới quan tâm.
“Trung Quốc ảnh hưởng đến bầu cử Mỹ. Tôi cảm thấy tự hào”, một người sử dụng Weibo có tên Yuhanxuange bình luận. “Điều đó thể hiện sức mạnh Trung Quốc không thể bị phớt lờ”, một người khác nói.