Dân Việt

Kế nghi binh bằng xác chết của tình báo Anh khiến phát xít Đức ngậm quả đắng

Duy Sơn 28/09/2016 20:30 GMT+7
Để đánh lừa phát xít Đức, tình báo Anh đã dùng kế nghi binh bằng một xác chết khiến quân Đức phán đoán sai hướng tấn công của quân Đồng minh và hứng chịu thất bại cay đắng.

img

Một kế hoạch nghi binh tinh vi đã được tình báo Anh thực hiện nhằm đánh lừa phát xít Đức. Ảnh minh họa: BBC

Năm 1943, phe Đồng minh lên kế hoạch thực hiện chiến dịch Husky tấn công hòn đảo chiến lược Sicily ở Italy với hy vọng xoay chuyển cục diện chiến trường Thế chiến II. Để đảm bảo thành công cho chiến dịch, tình báo Anh đã tiến hành một chiến dịch nghi binh tinh vi để đánh lừa phát xít Đức, theo MysteriousUniverse.

Chiến dịch nghi binh mang tên "Thịt băm" được đề xuất, nhằm cung cấp thông tin giả để phát xít Đức tưởng rằng quân Đồng minh sẽ tấn công Hy Lạp và Sardinia chứ không phải đảo Sicily.

Đóng vai trò chính trong chiến dịch "Thịt băm" không phải là các điệp viên Anh, mà là một xác chết. Tình báo Anh lên kế hoạch sử dụng thi thể một người vô danh, cải trang thành "điệp viên" mang theo các tài liệu "tối mật" về chiến dịch tấn công sắp tới của phe Đồng minh, và đưa tử thi này đến tay người Đức.

Nghe có vẻ đơn giản nhưng đây thực ra là một kế hoạch hết sức công phu và tỉ mỉ đến từng chi tiết để có thể qua mặt được tình báo Đức. Ban đầu, người Anh định thả thi thể này từ trên máy bay xuống mục tiêu cùng một chiếc dù không nguyên vẹn.

Tuy nhiên, ý tưởng này bị hủy bỏ vì họ lo ngại quân Đức sẽ nghi việc quân Đồng minh liều lĩnh vận chuyển tài liệu quan trọng theo cách này ngay trên lãnh thổ địch. Phương án được thống nhất là thi thể "điệp viên" trên sẽ được thả trôi dạt vào bờ biển, như thể anh ta bị chết vì hạ thân nhiệt sau khi rơi khỏi tàu.

Tình báo Anh lựa chọn một xác chết vô thừa nhận trong bệnh viện, hóa trang để anh ta trông giống người bị chết cóng trên biển. Bước tiếp theo là tạo ra một hồ sơ giả cho xác chết sao cho chúng giống thật, nhưng không quá chi tiết để ai đó cố gắng tìm ra chân tướng thực sự.

Xác chết được hóa trang thành thiếu tá William "Bill" Martin của thủy quân lục chiến hoàng gia Anh. Cấp bậc thiếu tá được lựa chọn bởi nó không quá thấp để mang theo tài liệu tối mật, nhưng cũng không quá cao để mọi người đều biết đến.

Thiếu tá Martin được tạo một hồ sơ mới rất ấn tượng, sinh năm 1907 ở Cardiff, xứ Wales, đính hôn với một cô gái tưởng tượng tên "Pam" và luôn mang theo bức ảnh của cô trong túi mà trên thực tế là ảnh của nữ nhân viên Nancy Jean Leslie tại MI5. Thậm chí, hai bức thư tình giả của Pam và một hóa đơn mua nhẫn đính hôn còn được giấu trên thi thể.

Tinh vi hơn, người Anh còn bố trí thêm các đạo cụ khác như hai cuống vé xem kịch, một vé xe bus đã qua sử dụng, một hóa đơn mua áo mới, một hóa đơn nghỉ 4 đêm tại Câu lạc bộ Quân đội và Hải quân, và một thư ngân hàng yêu cầu thanh toán khoản thấu chi 79,97 bảng, tất cả đều được in với ngày tháng cận kề thời điểm Martin mất tích… Tình báo Anh đã dành nhiều tháng để tạo dựng hồ sơ tỉ mỉ cho điệp viên hải quân "ma" này.

Điểm mấu chốt của toàn bộ kế hoạch này là những "tài liệu mật" trên xác chết. Các tài liệu này là các bức thư giới thiệu thật, có các chữ ký chính thức và một loạt các thông tin rất thực tế liên quan đến các vấn đề nhạy cảm nhưng không đề cập trực tiếp đến việc tấn công Sicily. Tiếp đến, chúng được bỏ vào trong một chiếc cặp để người Đức tin rằng Martin đang mang theo tài liệu này bên mình. Chiếc cặp sau đó được cột vào cổ tay của thiếu tá Martin bằng một sợi dây xích để chắc chắn nó không bị trôi đi và sẽ được vớt cùng thi thể.

img

Các tài liệu, giấy tờ bên trong chiếc cặp Martin mang theo. Ảnh: BBC

Sau khi chuẩn bị thi thể và tạo dựng xong hồ sơ, Anh bắt tay vào thực hiện chiến dịch. Thi thể Martin được đưa lên tàu ngầm HMS Seraph của Anh và đưa đến ngoài khơi thị trấn Huelva ở bờ biển phía nam Tây Ban Nha, nơi các điệp viên Đức đang hoạt động rất tích cực.

Thi thể sau đó được mặc áo phao và thả xuống biển cách bờ khoảng 1,6 km, một xuồng cao su cứu hộ cũng được thả xuống nước để tạo ấn tượng Martin đã thực sự bị ngã xuống biển. Thậm chí, những ngày sau đó, các báo còn đăng cáo phó về cái chết của Martin để bổ sung giả thuyết này. Đến lúc này, vấn đề chỉ là đợi xem phát xít Đức có bị mắc mưu hay không.

Ngày 30/4/1943, một ngư dân phát hiện ra thi thể Martin và sau gần một tuần căng thẳng chờ đợi của tình báo Anh, tài liệu giả cũng đến được tay các chỉ huy Đức, những người hoàn toàn tin mọi thứ liên quan đến xác chết này.

Các tin tức tình báo gửi về cho thấy kế hoạch đã thành công. Bất chấp việc nhiều chỉ huy Đức và trùm phát xít Mussolini của Italy tin rằng Sicily là mục tiêu sắp bị tấn công, Hitler và Bộ tư lệnh tối cao Đức quyết định điều 90.000 quân, gồm ba sư đoàn thiết giáp Panzer, tăng cường đến Hy Lạp, Sardinia và Corsica để đối phó với một chiến dịch quy mô lớn của quân Đồng minh.

Hải quân Italy rốt cuộc cũng chuyển hầu hết lực lượng của mình đến bờ biển Hy Lạp để ngăn cuộc tấn công của quân Đồng minh, chỉ để lại một lực lượng mỏng phòng thủ Sicily.

Chiến dịch nghi binh thành công đã tạo điều kiện cho quân Đồng minh dễ dàng tấn công Sicily và đè bẹp sự kháng cự yếu ớt của địch ngày 9/7/1943. Ngay cả khi chiến dịch đánh chiếm Sicily diễn ra, quân Đức vẫn cố thủ ở Sardinia và Hy Lạp suốt hơn hai tuần vì tin rằng trận Sicily chỉ là đòn nghi binh cho một cuộc tấn công lớn hơn.

img

Quân Đồng minh đổ bộ tấn công đảo Sicily. Ảnh: History

Chiến dịch nghi binh này khiến Đức phải trả giá đắt và việc để mất Sicily là một thảm họa với họ. Sau khi phe Đồng minh chiếm Sicily thành công và Mussolini bị lật đổ, Đức buộc phải kết thúc chiến dịch tấn công Nga và chuyển sang phòng thủ trước đà phản công mạnh mẽ của Hồng quân Liên Xô.

Chiến dịch "Thịt băm" được xem là cú lừa ngoạn mục nhất trong lịch sử quân sự, đến mức sau này quân Đức từng có lần nắm được tài liệu thật về một cuộc không kích của Đồng minh, nhưng không hề có biện pháp đối phó vì nghĩ rằng đây lại là một chiêu nghi binh khác.