Dân Việt

Cây cóc hồng có một không hai ở Việt Nam

14/08/2011 06:38 GMT+7
Đã hơn một thập niên được phát hiện tại vùng ngập mặn ven đầm phá tỉnh TT- Huế, cây này kéo theo sự ra đời của nhiều công trình nghiên cứu, đề án, các luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Nhưng nó vẫn là một dấu hỏi.
img
Cóc hồng duy nhất Việt Nam từng bị nhầm tưởng là do cóc đỏ biến đổi thành

Đi tìm cây “độc”

Hôm đó đang cuộc chuyện vu vơ về cá tôm cây cỏ vùng rừng ngập mặn, anh bạn quản lý môi trường huyện Phú Vang bỗng vỗ tay đánh rộp như sực nhớ điều gì. Câu chuyện chợt rẽ ngang sang cái cây ngập mặn rất đặc biệt sống ven đầm phá tỉnh TT- Huế. Nó được cho là cá thể có một không hai ở Việt Nam, thậm chí toàn bán đảo Đông Dương. Cạnh nó còn có một cây cùng họ, chỉ khác về màu hoa, từ lâu được liệt vào danh sách quý hiếm có nguy cơ tuyệt diệt. Nghe ra cũng lấy làm vinh dự cho tỉnh nhà TT- Huế, nơi không có nhiều những cánh rừng ngập mặn ngút ngát như các tỉnh thành trong Nam ngoài Bắc. “Nghe nói chúng là cây hiếm, cây nằm trong Sách đỏ. Nhiều sinh viên, giảng viên ở thành phố từng về nghiên cứu làm luận văn, luận án thạc sĩ, tiến sĩ về nó”. Anh bạn cũng chỉ biết vậy.

Mùa hè năm Mão chỉ còn những ngày cuối, trời vẫn oi làm trễ giấc đêm. Giữa khuya khoắt bức nực, điện thoại réo. Đầu dây kia là người quen từ vùng Tân Mỹ (Phú Vang): “Cái cây chú nhờ anh dò tìm hồi trước chừ đã có manh mối. Nó ở trong khuôn viên Tam Giang Resort, hèn chi khó tìm. Là vẹt hoa đỏ”. Anh bạn cũng không quên chua thêm: Phải mau thu xếp về ngắm hoa chụp hình vì hình như cây nở hoa vào độ cuối hè đầu thu. Sáng ra tôi chưng hửng khi hỏi một số nơi không ai biết cây này là gì. Có người khẳng định không có cây trong sách đỏ sách hồng nào tên như vậy. Tân Mỹ cách Huế chừng hơn 10 cây số, tôi sốt ruột phóng xe về ngay trong sáng.

Nom bộ dạng đường đột không vẻ gì là khách du lịch, nhân viên bảo vệ khu resort chặn tôi ngay từ cổng. Hỏi về cây quý, anh ta ngần ngừ xác nhận. Nó không phải vẹt hoa đỏ mà là cây cóc đỏ và cóc hồng. Muốn xem phải được giám đốc đồng ý. Sau cuộc điện chớp nhoáng, yêu cầu được chấp thuận. Có vẻ là cây quý thật. Bởi dẫn khách đi xem cây mà có đến mấy anh bảo vệ luôn kè áp bên cạnh, như thể họ đưa tôi vào một nơi cất giấu kho báu. Hai cái cây lạ kia rồi, ngay bên mép nước sình lầy, hình thế uốn éo rất đặc biệt nổi bật giữa ngàn cây tự nhiên suôn đuột. Chúng tựa bon-sai được tạo thế quần thụ gió lùa ôm lên những giả sơn đắp nổi mấp mô giữa cái ao nông quanh co loằng ngoằng.

Trừ ra hai cái tên, thông tin về chúng vẫn rất mông lung. “Tui làm ở đây hơn 5 năm rồi. Năm nào cũng có người về nghiên cứu hai cái cây. Họ canh đúng thời điểm hạt rụng nhặt về gieo ươm, rồi chiết cành, dâm nhánh nhưng tất cả cây con sau đó chết hết, không biết vì sao? Nghe nói đây là hai cây kiểng ngập mặn quý hiếm có từ thời ông Ngô Đình Cẩn (em trai của Ngô Đình Diệm - Tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng hòa) về lập khu nghỉ mát”, anh bảo vệ tên Hạnh bất ngờ kể sau một hồi khách lạ ngó nghiêng chụp hình ngắm hoa.

img
Hình thế quần thụ, bạt phong lạ lùng của hai cây cóc ngập mặn ở TT- Huế được cho là bon-sai có từ thời ông Ngô Đình Cẩn

Cây cóc của ông Ngô Đình Cẩn?

Cuối cùng tôi cũng tìm được người mình cần tìm, nữ tiến sĩ chuyên ngành Sinh thái học, nguyên giảng viên khoa Sinh - Đại học Sư phạm Huế, người có hàng chục năm nghiên cứu rừng ngập mặn. Những cây hiếm như cóc đỏ, cóc hồng cũng không ngoại lệ. Cả hai cây cùng lúc được giảng viên này phát hiện trong một lần thực địa làm luận án tiến sĩ tại rừng ngập mặn Tân Mỹ.

Đó là năm 1998, TS Lê Thị Trễ còn nhớ như in. Ban đầu, có nhiều ý kiến cho rằng nó chỉ là cây cóc đỏ (tên khoa học Lumnitzera littorea) biến đổi màu hoa sang hồng. Trong danh mục cây rừng ngập mặn tại Việt Nam thời điểm đó cũng không có loài cóc hồng nào như thế mà chỉ có cóc đỏ. Về loài cóc đỏ ở Việt Nam, vùng Tân Mỹ hiện có hai cây, nó còn được ghi nhận tại Cam Ranh, Vũng Tàu, Hà Tiên, Côn Đảo... Trong Sách đỏ Việt Nam có tên loài cóc đỏ và hiện được xếp vào tình trạng “sẽ nguy cấp”.

Cóc hồng tại Việt Nam chỉ có một cây. Đây là một loài độc lập có tên khoa học là Lumnitzera rosea chứ không do bị biến đổi như người ta nhầm tưởng, TS Trễ cho biết. Để minh chứng, nữ tiến sĩ trưng ra nhiều tài liệu, báo cáo, công trình khoa học gồm cả tiếng ta lẫn tiếng tây.

Ngoài ra, còn có 3 nghiên cứu khoa học, 3 khóa luận tốt nghiệp đại học, 1 luận văn thạc sĩ cùng lấy đề tài cây cóc hồng Tân Mỹ để nghiên cứu, 1 đề tài luận án tiến sĩ cũng liên quan. Tôi để ý trên bàn tiếp khách có một tài liệu nước ngoài của nhà khoa học P.B.Tomlinson (Mỹ) ghi nhận cây cóc hồng được phát hiện lần đầu tại đảo Hinchinbrook thuộc Queensland, Australia.

Như vậy, thế giới đã từng có người nghiên cứu về loài này. Tomlinson cho rằng đây là dạng trung gian (lai) giữa loài cóc đỏ (Lumnitzera littorea) và cóc trắng (Lumnitzera racemosa), nhưng vẫn thuộc nhóm cây ngập mặn chính thức (true mangroves).

img
Tiến sĩ Lê Thị Trễ, người đầu tiên phát hiện cây cóc hồng duy nhất Việt Nam Ảnh: Ngọc Văn.

Theo TS Trễ, cóc hồng chỉ có tại vài quốc gia, lãnh thổ thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương như Australia, Indonesia, Philippines, New Caledonia, tài liệu quốc tế trước đây không đề cập Việt Nam. Một thông tin thú vị được TS Trễ dẫn từ nghiên cứu của C. Norman Duke (chuyên gia rừng ngập mặn người Úc): Cóc hồng chỉ hiện diện ở khu vực có hai loài cóc đỏ và cóc trắng, tuy nhiên không phải khu vực nào trên thế giới khi có mặt hai loài trên thì luôn kèm theo cóc hồng. Nhận xét đó phù hợp với thực tế cây cóc hồng ở Việt Nam, chỉ với một cá thể nhất biệt, dù có hai loài bố mẹ bên cạnh.

TS Trễ cho rằng cóc hồng là loài quý hiếm xét trên phương diện khoa học, nghiên cứu di truyền học, cần đưa vào Sách đỏ Việt Nam. Loài này có nguy cơ tuyệt chủng do khả năng tái sinh tự nhiên thấp, cần có nhiều công trình nghiên cứu nhân giống bảo tồn. “Cây cóc hồng duy nhất Việt Nam có thể là loài nhập nội. Có thể ông Ngô Đình Cẩn từng dùng nó chơi bon-sai. Với vai vế lúc đó, không khó để ông Cẩn sưu tầm những loài cây cảnh lạ và độc đáo như vậy”, TS Trễ nhận xét.

Chợt nhớ lần trò chuyện với nhà nghiên cứu Dương Phước Thu (Huế), người có nhiều năm nghiên cứu về gia đình họ Ngô. Được biết, “cậu Cẩn” có thú chơi chim, cá, gà, trăn đến cưỡi bò, sưu tầm cây quý… Đã chơi là phải thứ “độc”, chỉ có một mà không có hai. Hỏi chuyện cóc hồng, ông Thu cho rằng nếu “cậu Cẩn” sưu tầm cái bon sai khác thường kia để chơi thì điều đó không có gì lạ, đặc biệt vào lúc ông đang có đầy quyền uy như một lãnh chúa và luôn có nhiều kẻ xu nịnh, cơ hội, hãnh tiến vây quanh.

Qua bao biến cố thời cuộc, cây cóc hồng tồn tại cho đến giờ cũng có lắm điều lạ lùng. Một dạo xảy ra việc chuyển đổi chủ sở hữu khu du lịch ở Tân Mỹ (sau này là Abalone rồi Tam Giang Resort). Đám bảo vệ cũ lúc giao thời nảy ý đồ bứng hai cây cóc đem bán vì nghe đồn là cực quý. Cuối cùng, họ vẫn không sao thực hiện được dù chẳng bị ai ngăn cản.

Trước đó, TS Trễ cũng từng can ngăn một ông chủ có ý định phá bỏ hai cây hiếm để cải tạo lại khuôn viên. Lần khác về Tân Mỹ, tình cờ gặp ông chủ mới vừa đến tiếp quản khu du lịch và có kế hoạch lấp cống dẫn thủy triều cung cấp nước mặn, ô-xy cho khoảnh rừng có hai cây cóc hiếm. Thiếu ô-xy cây sẽ chết. Tiếp nhận thông tin từ nữ tiến sĩ, vị tân giám đốc lập tức yêu cầu dừng lấp cống, cho tôn tạo khu vực có hai bon-sai ngập mặn, chỉ đạo bảo vệ nghiêm ngặt.

Có thời lo lắng cho cây, Giáo sư Phan Nguyên Hồng- thầy của tiến sĩ Trễ - từng hỗ trợ tiền túi để bà mua đứt cây cóc hồng di đi nơi khác phục vụ nghiên cứu. Khó khăn về quản lý chăm sóc và sợ nhất là cây chết sau khi bị bứng đi, tiến sĩ Trễ ngưng ý định trên.

Rồi một ý tưởng mới hình thành trong tâm huyết nữ tiến sĩ mê rừng ngập mặn: “Giờ thì yên tâm, khi các cây cóc quý hiếm được bảo vệ nghiêm ngặt trong khu Tam Giang Resort. Tỉnh đang triển khai đề án bảo tồn rừng ngập mặn, tôi chỉ mong đề án trích một phần kinh phí kết hợp đầu tư từ doanh nghiệp để sớm nghiên cứu xây dựng tại Tân Mỹ một khu bảo tồn rừng ngập mặn với đa dạng các loài trên thế giới chứ không riêng các cây cóc. Làm vậy sẽ tốt cho cả doanh nghiệp lẫn địa phương trong bảo tồn, nghiên cứu, phát huy giá trị rừng ngập mặn, thu hút khách du lịch”.

Theo Tiền Phong