Dân Việt

Sơn La: Phá rừng đặc dụng để xây dựng thủy điện mini

Việt Tùng – Hoàng Lỵ 29/09/2016 14:54 GMT+7
Hơn 28ha rừng, trong đó có 16,7ha rừng đặc dụng trong Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha (Xuân Nha, Vân Hồ, Sơn La) sẽ biến mất, để “nhường chỗ” cho một thủy điện mini 4MW. Vì sao lại có sự đánh đổi khập khiễng này?

Thủy điện 4MW “nhấn chìm” hàng chục ha rừng

Dự án thủy điện Xuân Nha dự kiến sẽ được xây dựng trên suối Nậm Quanh, thuộc địa phận xã Xuân Nha (Vân Hồ, Sơn La) với công suất 4MW, sản lượng điện trung bình năm đạt 14,4 triệu KWh vào cuối năm nay. Công trình do Công ty CP xây dựng và dịch vụ kỹ thuật Thăng Long (Công ty Thăng Long) làm chủ đầu tư, với số vốn hơn 142 tỷ đồng.

img

Vị trí dự kiến sẽ xây dựng thủy điện Xuân Nha, nằm giữa KBT thiên nhiên Xuân Nha (Vân Hồ, Sơn La).

Theo đó, tại văn bản số 2339/HĐND, ngày 29.3.2016 của HĐND tỉnh Sơn La về chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án thủy điện Xuân Nha, dự án có diện tích đất sử dụng là 28,36ha, với 26,86ha đất lâm nghiệp, trong đó đất rừng đặc dụng 16,9ha, đất rừng phòng hộ 2,95ha, đất nông nghiệp, rừng sản xuất 7ha.

Để triển khai, ngày 9.8.2016, Công ty Thăng Long đã có văn bản chấp thuận thực hiện trồng rừng thay thế bằng phương pháp nộp tiền gửi UBND tỉnh và Sở NNPTNT Sơn La, diện tích chỉ 8,61ha, dựa trên biên bản kiểm tra diện tích, hiện trạng rừng ngày 23.7.2016. Và ngày 18.8.2016, Sở NNPTNT tỉnh Sơn La đã có tờ trình chấp thuận phương án nộp tiền của chủ đầu tư thủy điện với số tiền là hơn 551 triệu đồng, hạn cuối nộp vào Quỹ bảo vệ phát triển rừng ngày 30.12.2016.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Ngọc Tân – Giám đốc KBT thiên nhiên Xuân Nha khẳng định, Dự án chưa có gì cả, mới chỉ có nghị quyết của HĐND tỉnh về chấp thuận chủ trương đầu tư. “Theo luật khi thu hồi trên 20ha rừng đặc dụng, phải xin ý kiến của Quốc hội. Nhưng ở đây chủ đầu tư bảo chỉ thu hồi khoảng 16,9ha rừng đặc dụng, nên tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, còn diện tích làm nhà máy, đường ống, đường giao thông, không lấy đất rừng là đất gì. Họ nói xây dựng thủy điện để phát triển kinh tế xã hội, nhưng họ chặn dòng ngập hết ruộng, nương rẫy, lấy nước đâu cày cấy, chỉ người dân là khổ thôi. Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ, cần phải đầu tư sinh kế cho người dân vùng đệm để giữ rừng, trong khi đó Công ty Thăng Long lại làm thủy điện để phá rừng” – ông Tân nói.

img

Bản đồ mô tả vị trí dự kiến sẽ xây dựng thủy điện Xuân Nha.

Điều đáng lo ngại nữa là trong quá trình thi công san ủi chuẩn bị mặt bằng, khu phụ trợ, lán trại công nhân sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các thảm thực vật, hệ sinh thái, thủy sinh bị đảo lộn. Bên cạnh đó, mgười dân nơi đây còn lo lắng rằng, khi thi công, rất có thể sẽ xảy ra việc công ty lợi dụng, sâm lấn vào các khu vực rừng lân cận của người dân địa phương…

Dự án “phá rừng” đè lên dự án trồng rừng

Ông Vũ Đức Thuận – Chi Cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La cho biết: “Quan điểm của chúng tôi là không đồng ý xây dựng thủy điện trong khu bảo tồn. Trước đây việc xây dựng thủy điện Trung Sơn trên sông Mã ở (Quan Hóa, Thanh Hoa), song KBT Xuân Nha đã mất trắng hàng trăm ha rừng. Đối với rừng tự nhiên nên giữ lại, rừng đang phục hồi tốt nên bảo vệ, không nên chuyển đổi”.

 Ông Thuận cho biết thêm, việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng cần thành lập Hội đồng chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, Hội đồng đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên hiện chưa có hội đồng nào được thành lập. Trong thời gian tới Chi cục sẽ có ý kiến để tham mưu cho Sở. Theo đó, sẽ bám sát việc thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Đồng thời kiểm soát chặt việc trồng rừng thay thế, nếu chuyển đổi mục đích sử dụng rừng làm thủy điện.

img

Quan điểm của Chi Cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La Ông Vũ Đức Thuận Vũ Đức Thuận là không đồng ý xây dựng thủy điện trong khu bảo tồn.

Trong khi KBT Xuân Nha đang triển khai một dự án trồng rừng khu phục hồi sinh thái lên đến 10 tỷ đồng, thì một thủy điện chỉ 4MW lại cướp đi hơn 28ha rừng, trong đó có gần 17ha là rừng đặc dụng, khu phục hồi sinh thái. Không chỉ vậy, khi thi công ống dẫn nước, các công trình phụ trợ, cây cối sẽ bị chặt bỏ, chất thải xây dựng, đất đá, dầu mỡ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thảm thực vật, hệ sinh thái, môi trường của KBT và vùng hạ du, song không được của đầu tư đề cập đến phương án triển khai, khắc phục.

Trái ngược với tỉnh Sơn La, vừa qua UBND tỉnh Gia Lai đã gửi công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành xem xét không cho phép đầu tư xây dựng dự án Thủy điện Vĩnh Sơn 2, tại KBT Kon Chư Răng, huyện K’Bang. Bởi lãnh đạo tỉnh này cho rằng, việc xây dựng thủy điện sẽ gây ra nhiều hệ lụy, tác động xấu đến môi trường, hệ sinh thái và đời sống của người dân vùng hạ du. Trong khi đó 100% người dân xã Xuân Nha và các vùng lân cận đã có điện lưới, việc xây dựng nhà máy thủy điện mi ni này khiến dư luận đặt ra rất nhiều câu hỏi, phải chăng đây chỉ là “vỏ bọc” để chủ đầu tư thực hiện các mục đích khác?.

Dân Việt tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.