Judy sinh năm 1944, lớn lên ở Northcote, mẹ là Olive McShanag và cha là Leo Brooks - người làm việc cho Câu lạc bộ Bóng đá Carlton suốt 30 năm. Judy là con dâu của gia đình Moran, một dòng họ cai quản thế giới ngầm khét tiếng ở thành phố Melbourne suốt 3 thế hệ.
Judy Moran trước lúc tòa tuyên án. |
Gia đình khét tiếng
Khi mới bước chân vào gia tộc Moran, Judy đã là gái có chồng, song nhan sắc được miêu tả là đủ “thiêu đốt” bất kỳ gã đàn ông háo sắc nào. Trước đó, năm 1980, Judy kết hôn lần đầu tiên với John Leslie, người bị giết chết trong một vụ thanh toán giang hồ ở Sydney năm 1982.
Trở thành bà góa, “bản năng gốc” của người đàn bà này trỗi dậy và khi lấy chồng thứ 2, Judy bắt đầu cuộc đời của một nữ chúa mafia với sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ nền tảng của dòng họ Moran khét tiếng, đặc biệt là ông chồng mới cũng là bố già khét tiếng Lewis Moran.
Melbourne là thủ phủ và là thành phố lớn nhất bang Victoria của Australia, chỉ sau Sydney, với dân số khoảng 3,8 triệu người. Chính tại đây đã hình thành nên tổ chức tội phạm đầu tiên ở Australia vào năm 1900, đó là Liên minh các thợ bốc vác và thợ sơn tàu thủy (PSPDV).
Vào thời đấy, các tổ chức tội phạm khét tiếng là gia đình Moran, gia đình Williams, gia đình Pettingill, băng nhóm Carlton và băng nhóm Radev, chúng chia chác nhau nhiều nguồn thu lên đến trên 1 tỷ USD/năm từ các hoạt động buôn lậu ma túy, buôn lậu vũ khí, bảo kê, trộm cắp, kinh doanh mại dâm, mua bán người nhập cư lậu và kinh doanh rác.
Thành phố Melbourne mỗi năm thải ra hơn 2 triệu tấn rác các loại. Để xử lý một lượng rác lớn như vậy, chính quyền thành phố đã cho xây dựng các trung tâm xử lý bao gồm việc phân loại, tái chế và thiêu hủy. Thế nhưng nguồn cung cấp rác cho các trung tâm xử lý này lại do gia đình Moran quản lý với việc điều hành toàn bộ hoạt động thu gom, vận chuyển.
Toàn bộ chi phí cho các hoạt động này đều do ngân sách thành phố gánh chịu. Tuy nhiên, gia đình Moran lại buộc các cơ sở kinh doanh như nhà hàng, khách sạn, nhà máy, xí nghiệp... phải đóng thêm một khoản lệ phí còn được gọi là tiền bảo kê rác cho băng nhóm tội phạm này. Nếu không chấp hành thì rác sẽ ngập tràn các cơ sở kinh doanh này trong nhiều ngày, có khi kéo dài cả tuần.
Ngoài ra, gia đình Moran còn buôn lậu rác từ các thành phố, các khu công nghiệp đưa về thành phố Melbourne để xử lý. Đương nhiên ngân sách thành phố phải gánh chịu cho việc xử lý rác buôn lậu này. Chỉ riêng việc buôn lậu rác, chủ yếu là rác điện tử, đã thu về cho gia đình Moran hàng chục triệu USD mỗi năm.
Những phi vụ đẫm máu
Do được độc quyền trong việc thu gom rác nên gia đình Moran đã sử dụng rác như là vũ khí để “tống tiền” chính quyền thành phố và các cơ sở kinh doanh. Vai trò của Judy Moran lúc đó là đứng sau bố già Lewis Moran để điều khiển bọn đàn em ra tay trong các vụ làm ăn, thanh toán đối thủ...
Năm 1988, gia đình Moran đã gây nên một cơn khủng hoảng rác khi đình chỉ mọi hoạt động thu gom rác trong nhiều ngày để gây áp lực buộc chính quyền thành phố tăng phí thu gom rác tính theo tấn. Hậu quả là rác ngập tràn khắp nơi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Cuối cùng chính quyền thành phố đành chấp nhận yêu sách của gia đình Moran để giải tỏa khủng hoảng rác.
Do nguồn lợi mang lại từ kinh doanh rác quá lớn nên rác đã trở thành nguyên nhân chính của những cuộc thanh toán đẫm máu của các băng nhóm tội phạm ở thành phố Melbourne kéo dài từ năm 1998 đến 2006. Vào những năm cuối thập niên 90, do bị trấn áp gắt gao trong các hoạt động buôn lậu ma túy, buôn lậu vũ khí, bảo kê và kinh doanh người nhập cư lậu nên các băng nhóm tội phạm ở Melbourne quay sang tranh giành việc kinh doanh rác với gia đình Moran.
Sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, khiến máu của nhà Moran đổ càng nhiều. Tháng 3.2004, chồng của Judy là bố già Lewis đã bị bắn chết trong Câu lạc bộ Brunswick. Trước đó, năm 2003, con trai của Lewis và Judy là Jason Maron cũng đã bị giết chết. Sau cái chết của chồng và con trai, Judy đảm nhận vai trò thống lĩnh băng đảng Moran. Tuy nhiên, mọi việc cũng không thuận buồm khi anh trai của Lewis là Desmond "Tuppence" Moran luôn là vật cản đối với cô em dâu trong mọi phi vụ làm ăn.
Ra tay với anh chồng
Tháng 6.2009, khi mâu thuẫn đã dâng đến đỉnh điểm, Judy quyết định “xử” anh chồng. Judy là một trong những người đầu tiên có mặt tại hiện trường. Vụ bắn chết Desmond Moran dường như đã làm trỗi dậy cuộc chiến trong thế giới ngầm từng cướp đi sinh mạng của hơn 30 người ở Melbourne giữa các năm 1998 và 2006.
Trong cái chết của Desmond Moran, “nữ chúa” bị Cảnh sát Australia nghi ngờ là kẻ tòng phạm. Sau đó, người ta tìm thấy đôi găng tay bằng len được cho là của Judy Moran bị vứt trong bụi rậm. Lục soát nhà “nữ chúa”, cảnh sát phát hiện thêm 3 khẩu súng ngắn và 1 khẩu súng trường đã nạp đạn giấu dưới đệm.
Cùng bị kết tội với Judy Moran là Suzanne Kane và Geoffrey “Nuts” Amour. Judy Moran bị cảnh sát bắt ngay đêm xảy ra vụ án mạng khi bà ta đang trên đường đi bộ về nhà. Cảnh sát còn tìm thấy trong két sắt an toàn tại nhà của Judy Moran 1 bộ tóc giả, 2 biển số xe đánh cắp và bộ quần áo giống như của hung thủ bắn chết Desmond Moran đã mặc.
Trong phiên xử ngày 10.8, Tòa án kết luận Judy Moran đã lập kế hoạch giết anh chồng trong một quán cà phê ở thành phố Melbourne. Phiên xét xử Moran đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông trên toàn thế giới bởi đây là người đứng đầu một gia đình mafia khét tiếng tại Australia.
Thẩm phán Lex Larsy - người chủ trì phiên tòa, mô tả tội ác của Moran là “kinh khủng” và bị cáo không hề tỏ ra ăn năn về tội ác. Judy Moran ra tòa trong tình trạng sức khỏe yếu đã tỏ ra sốc trước bản án và hét lên rằng mình vô tội. Trong khi đó, Geoffrey "Nutts" Armour, sát thủ nhận tiền của Moran để bắn chết Des "Tuppence" Moran, cũng nhận mức án 26 năm tù. Sát thủ thứ 2, Michael Farrugia, bị kết án 4 năm tù từ tháng 12.2010.
Quang Minh