Người dân làng cho biết, làng nghề đan đó ở xã Thủ Sỹ, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên đã có khoảng 240 năm, vẫn tồn tại và phát triển.
Nghề đan cần sự khéo tay và tỉ mỉ. Thế nhưng ở xã Tiên Lữ, cả người già lẫn trẻ nhỏ đều có thể tạo nên sản phẩm. Các cụ bà ở đây chia sẻ, họ bắt đầu đan đó từ khi 5 tuổi, thậm chí còn đùa rằng biết đan đó từ trong bụng mẹ.
Nguyên liệu để làm ra những chiếc rọ, đó là nứa được chuyển từ trên rừng về. Đó có hình bầu dục, đuôi nhọn, miệng nhỏ tròn. Một người lành nghề mất khoảng 15-20 phút để tạo nên một chiếc đó hoàn chỉnh.
Đó có 3-4 loại, trong đó có 2 loại chính là đó hun và đó trắng. Đó trắng rẻ hơn, có giá khoảng 20.000 đồng một chiếc.
Đó hun được làm kỳ công, hun khói 3 lần cho lên màu. Đó hun bền hơn, không bị rêu bám và có giá khoảng 30.000-40.000 đồng một chiếc.
Rời tay cuốc, tay liềm, rời bàn học là trên tay người già đến người trẻ lại bắt tay vào nghề đan lát. Hàng ngày, trong làng, già trẻ nhộn nhịp phơi nan, đan đó, tạo thành bức tranh đặc sắc làng nghề nông thôn. Công việc này góp phần mang đến 50% thu nhập của người dân trong xã.
Sau khi hoàn thành, những chiếc đó được mang đi tiêu thụ ở các vùng chiêm trũng các huyện Tiên Lữ, Ân Thi, Phù Cừ của tỉnh Hưng Yên và các tỉnh thành Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng… để người nông dân đi đồng đặt bắt cua, cá, lươn…
Một tháng trung bình người dân ở đây chở đi 10-15 chuyến đó.
Người dân cho biết, cả thời chưa có xe đạp, họ đã gánh bộ đi khắp nơi bán hàng.
Nghề phụ nhưng lại mang đến thu nhập chính cho người dân. Hàng năm nơi đây cung cấp khoảng 650.000 sản phẩm cho thị trường.
Nhìn đơn giản, nhưng phải mất khoảng 2 giờ đồng hồ để có thể chằng được một chiếc xe đó như thế này.
Một chiếc đó có thể chứa 8-9 kg cá, tôm, và là công cụ không thể thiếu để đánh bắt trên sông rạch, vùng chiêm trũng, đầm phá khắp miền Bắc.
Ngôi nhà ngói nhỏ đậm chất Bắc Bộ với những người dân miệt mài làm việc, vừa kiếm thêm thu nhập, vừa bảo tồn và phát huy làng nghề truyền thống.