Chiến đấu cơ MiG-25 Foxbat của Nga ngày nay.
Ngày 6.9.1976, phi công Liên Xô hạ cánh ở Hakodate, Nhật Bản. Đường băng không đủ dài khiến máy bay lao qua khu đất trước khi có thể dừng lại.
Phi công rời máy bay và bắn hai phát đạn lên trời. Sau vài phút, lực lượng an ninh Nhật Bản cũng có mặt. Phi công Viktor Ivanovich Belenko, 29 tuổi thuộc lực lượng không quân Liên Xô, nói muốn đào ngũ.
Đây không phải là cuộc đào ngũ thông thường. Trung úy Belenko trải qua hành trình 643 km trên máy bay Mikoyan-Gurevich MiG-25 - chiến đấu cơ bí mật nhất mà Liên Xô từng phát triển ở thời đó.
Chiến đấu cơ bí ẩn
Lần đầu tiên phương Tây biết đến tiêm kích MiG-25 là vào những năm 1970. Radar do thám nhận ra loại máy bay mới đang được Liên Xô thử nghiệm. Lãnh đạo quân đội phương Tây đặc biệt lo ngại về phần cánh lớn lạ thường trên máy bay.
MiG-25 từng khiến Lầu Năm Góc lo ngại.
Đôi cánh lớn giúp tăng lực nâng, giúp máy bay dễ dàng đổi hướng trên bầu trời. Máy bay mới của Liên Xô dường như có cả phần cánh lớn và hai động cơ mạnh mẽ. Phương Tây lo ngại về tốc độ của loại máy bay này và liệu có chiến đấu cơ nào đối trọng được hay không.
Tháng 3.1971, Israel nhận thấy một máy bay mới có thể tăng tốc đến Mach 3,2 (3951 km/giờ) ở độ cao 19.000 m. Sau khi nhìn thấy nó lần thứ hai vài ngày sau đó, các chiến đấu cơ của Israel đã bay lên chặn đường, nhưng không thể tới gần.
Lầu Năm Góc khi đó đã nghĩ đến viễn cảnh Liên Xô chế tạo máy bay vượt trội, có thể qua mặt bất cứ phi cơ nào của Mỹ.
Quả là cách diễn giải sai lầm điển hình của quân đội, theo nhận định của Stephen Trimble, chủ biên người Mỹ của trang Flightglobal chuyên về hàng không thế giới.
"Họ dường như đã đánh giá quá cao khả năng của chiếc phi cơ đó bằng việc chỉ dựa vào hình thức bên ngoài," ông nói, "từ kích cỡ bộ cánh cho tới kích thước khổng lồ của máy bay."
"Họ biết là nó bay rất nhanh, và cũng rất dễ điều khiển, thay đổi hướng bay. Họ đúng về ý thứ nhất, nhưng không chính xác về ý thứ hai".
Phi công Viktor Belenko.
MiG-25 được chế tạo để đáp trả lại các máy bay chiến đấu F-108, SR-71 và B-70 của Mỹ. Tất cả đều có khả năng bay với vận tốc Mach 2+ và do đó, Liên Xô cảm thấy cần phải bắt kịp Mỹ về công nghệ.
Món quà đắt giá
Belenko là một trong những công dân Liên Xô kiểu mẫu. Trung úy phi công chào đời sau Thế Chiến 2. Lớn lên, Belenko gia nhập quân đội và trở thành phi công. Cảm thấy mệt mỏi vì sự thiếu thốn ở Liên Xô, Belenko quyết định đào ngũ dù không rõ nước Mỹ khi đó như thế nào.
Tiêm kích MiG-25 không đủ nhiên liệu để tới được căn cứ Mỹ. Vì vậy, trong một buổi huấn luyện thường ngày, Belenko đã rời phi đội và hướng đến Nhật Bản.
Phi công Liên Xô bay ở tầm thấp để tránh radar phát hiện. Benlenko dự định hạ cánh ở căn cứ Chitose nhưng chỉ đủ nhiên liệu tới Hakodate.
Với món quà "đắt giá", cùng với sổ tay ghi chép của Belenko, cơ quan tình báo phương Tây đã tháo tung chiếc MiG-25 để phân tích nó. Nhờ vậy mà người Mỹ biết được rằng MiG-25 không phải "siêu tiêm kích" như họ từng lo lắng.
Giấy tờ quân nhân của Belenko ngày nay được trưng bày tại bảo tàng CIA ở Washington D.C.
Chiếc MiG-25 sử dụng hai động cơ R-15 vốn từng được dùng cho dự án tên lửa hành trình tầm xa. Động như vậy tiêu tốn một lượng lớn nhiên liệu và do đó, MiG-25 có thiết kế to lớn. Phần cánh với kích thước vượt trội cũng chỉ để có thể nâng máy bay này trên không trung, chứ không phải giúp gia tăng khả năng cơ động như Lầu Năm Góc từng nghĩ.
Động cơ quá nặng nề như vậy khiến cho MiG-25 có tầm bay chiến đấu ngắn và thậm chí bay không vũ trang cũng quá ngắn. Điều này đã được chứng thực trong chuyến bay đào thoát của Belenko.
MiG-25 cũng chỉ có thể đạt tốc độ Mach 2,5 do trọng lượng vũ khí. Phiên bản trinh sát mà người Israel nhìn thấy mới có thể đạt tới Mach 3,2. Với tốc như vậy thì MiG-25 không bao giờ có thể đánh chặn được máy bay trinh sát SR-71 của Mỹ.
MiG-31 là phiên bản cải tiến, hoàn thiện hơn của MiG-25.
Nhà thiết kế MiG-25 vì quá chú trọng đến khả năng đánh chặn ở tầm cao đến nỗi bay ở tầm thấp và tốc độ thấp trở nên rất khó. Nó cũng không thể mang vũ khí tấn công mặt đất và không được tích hợp pháo.
Chuyên gia hàng không Mỹ Roger Connor nhận định: "MiG-25 không phải là máy bay chiến đấu hiệu quả. Chi phí sản xuất đắt đỏ trong khi hoạt động quá nặng nề". Thậm chí radar lắp đặt trên MiG-25 vẫn kém xa nhiều năm so với phiên bản của người Mỹ.
Mặc dù có những thiếu sót, Liên Xô vẫn chế tạo hơn 1.000 chiếc MiG-25 và nó cũng đã được xuất khẩu rộng rãi đến một số nước. Chiếc MiG-31 sau này chính là phiên bản nâng cấp hoàn thiện hơn của MiG-25.
Phi công Belenko sau này không quay trở về Liên Xô. Trung úy phi công này được Tổng thống Mỹ Jimmy Carter trao quyền công dân, trở thành kỹ sư hàng không vũ trụ trong quân đội Mỹ kể từ đó đến nay.