Dân Việt

Tâm sự của bà cụ 80 tuổi bán hàng rong

14/08/2011 14:48 GMT+7
(Dân Việt) - Nhiều người đến mua hoa quả của tôi, chỉ hỏi giá, không nhìn cân, đưa tiền chẵn và nhất quyết không chịu lấy lại tiền thừa. Tôi hiểu rằng, xung quanh tôi còn biết bao những tấm lòng nhân hậu…

Thu này bước sang tuổi bát tuần, gần tròn bốn thập niên tôi gắn bó cùng gánh hàng rong trên đoạn đường nối giữa các khu công nghiệp. Người đời vẫn nghĩ, dãi dầu sương nắng nhiều thì bệnh tật sẽ đeo đầy mình. Vậy mà bao nhiêu năm nay, tôi chưa một lần phải đến trạm y tế hay vào bệnh viện.

Cuộc sống đơn chiếc, nơi nương thân chỉ là một túp lều con rách nát ở phía sau nhà một người quen tốt bụng cho mượn, nhưng thật may tôi lại tìm được niềm vui qua những câu chuyện với những người công nhân nghèo ở khu công nghiệp sau giờ tan ca khi họ dừng xe mua mớ rau, cân quả...

img
Bà Tần Thị Loàn.

Tôi sinh ra và lớn lên ở đất chè Thái Nguyên, 17 tuổi lập gia đình với người cùng xóm, nhưng chỉ được 3 năm anh ấy bỏ đi biệt tích. Theo người làng xuôi về Hà Nội, tôi xin vào làm công nhân một nhà máy thức ăn gia súc ở Thanh Trì, rồi đi bước nữa và sinh được một cháu gái xinh xắn.

Hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, khi con gái tròn 4 tuổi, người chồng thứ 2 của tôi qua đời vì bệnh hiểm nghèo. Tang chồng chưa mãn, một năm sau, con gái tôi cũng đột ngột mất với căn bệnh giống bố. Tôi gần như suy sụp hoàn toàn. Chủ nhà trọ đuổi vì tôi không có tiền trả.

Phải nghỉ việc ở công ty mà không chế độ, tôi ra phố làm bất cứ việc gì người ta thuê, miễn là có tiền để đắp đổi qua ngày. Nhưng trong những tháng ngày vất vả, tủi nhục ấy, chưa khi nào tôi bán rẻ nhân cách, làm những việc trái với lương tâm của mình.

Lăn lộn không kể nắng mưa, ngày đêm, tôi cũng tích cóp được một khoản tiền đủ để mua một căn nhà nhỏ ở Phúc Yên (Vĩnh Phúc). Do không hiểu pháp luật, mua nhà mới được hơn 1 tháng thì tôi bị chủ vu cho là chiếm đất. Tôi trắng tay, bị đuổi ra ngoài đường, phải đến tá túc nhờ ở vườn sau nhà một người quen, ngày ngày gánh hàng rong mưu sinh quanh thị xã.

Mùa nào thức nấy, tôi dậy từ khi trời còn tối đất, đi bộ xuống tận cánh đồng Mê Linh mua rau gánh về bán rong trong những khu trọ công nhân, những xóm lao động nghèo. Tiền lãi kiếm được, ngoài phần phải chi mỗi ngày vài nghìn tiền ăn, còn lại tôi bỏ vào lợn đất, hễ gặp những đứa trẻ lang thang đáng thương hay ai đó cơ nhỡ thực sự cần sẽ đem ra giúp đỡ.

Bằng tấm lòng và tình cảm của mình, tôi đã khuyên và giúp đỡ cho không ít cháu nhỏ lỡ bỏ nhà ra đi tìm về lại với gia đình. Cũng có mấy thanh niên nghiện đã từng mang dao đến tận chòi lá tôi ở để cướp tiền, nhưng khi thấy tôi kể về những bất hạnh của cuộc đời mình, chúng bỏ đi, sau đó thỉnh thoảng còn qua thăm tôi, hứa sẽ cố gắng cai bằng được để trở lại làm người lương thiện.

Năm nay đã 80 xuân, tôi không thể đi hàng chục cây số mua rau về bán rong được nữa. Tôi mua hoa quả của lái buôn rồi ngồi vỉa hè bán. Nhiều người đến mua hoa quả của tôi, chỉ hỏi giá, không nhìn cân, đưa tiền chẵn và nhất quyết không chịu lấy lại tiền thừa. Tôi hiểu người ta đã kín đáo giúp tôi. Tôi hiểu rằng, xung quanh tôi còn biết bao những tấm lòng nhân hậu…

Bà Tần Thị Loàn (phường Phúc Thắng, thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc)