Bỗng dưng bị thu hồi đất?
Gia đình ông Nguyễn Xuân Hà (thôn 2, xã Xuân Quan) có 2 anh em trai. Người anh là liệt sĩ Nguyễn Văn Sơn hy sinh năm 1972.
Năm 1987, ông Hà xin tạm vắng tại địa phương để đưa vợ con vào Nam làm ăn và tìm mộ anh trai. Khi đi, gia đình gửi lại 5 suất ruộng được chia theo diện khoán 10 cho thôn 2 quản lý. Từ năm 1987 đến năm 1993, năm nào ông Hà cũng về địa phương xin giấy tạm vắng và thăm bố mẹ già.
Ông Nguyễn Văn Hà trên diện tích ruộng bị thu hồi. Ảnh: Gia Tưởng
Ngày 8.1.1994, ông đưa hài cốt anh trai về an táng tại nghĩa trang xã và cũng về quê sinh sống. Do quá trình chia lại ruộng năm 1993, gia đình ông Hà lúc đó vắng mặt tại địa phương nên đến năm 2004 mới được nhận lại phần ruộng của gia đình và canh tác ổn định từ đó đến nay.
Đến ngày 11.7.2013, chính quyền xã Xuân Quan ra Thông báo số 16/TB-GQTC thu hồi 4,2 sào ruộng tại xứ đồng Khúc Cá của hộ ông Nguyễn Xuân Hà dựa vào đơn tố cáo của ông Lê Đăng Lương, công dân thôn 2. Bức xúc trước việc làm vô lý này, ông Hà đã có đơn khiếu nại gửi UBND xã Xuân Quan. Ngày 13.9.2013 UBND xã này ra Quyết định số 58/QĐ-UBND không chấp nhận khiếu nại của ông Hà. Bởi vậy ông Hà tiếp tục khiếu nại đến UBND huyện Văn Giang, tuy nhiên UBND huyện lại ban hành Quyết định số 150/QĐ-GQKN cho rằng việc khiếu nại của ông Hà đối với quyết định của UBND xã là sai.
Hàng chục lần lên tòa xin xét xử
Không đồng tình với quyết định của UBND xã Xuân Quan và huyện Văn Giang, ngày 2.4.2014, ông Hà tiếp tục làm đơn khởi kiện lên Tòa án nhân dân huyện Văn Giang. Tuy nhiên, ông Hà cho biết, từ ngày nộp đơn lên tòa án đến nay đã hơn 2 năm nhưng ông vẫn chưa nhận được sự phản hồi từ phía tòa án. Đã hàng chục lần ông lên tòa án yêu cầu đưa ra xét xử, nhưng tòa án đều nêu lý do chưa tìm được chứng cứ đầy đủ (?).
Ông Hà cho biết, từ ngày nộp đơn lên tòa án đến nay đã hơn 2 năm nhưng ông vẫn chưa nhận được sự phản hồi từ phía tòa án. Đã hàng chục lần ông lên tòa án yêu cầu đưa ra xét xử, nhưng tòa án đều nêu lý do chưa tìm được chứng cứ đầy đủ. |
Trao đổi với PV NTNN, ông Chu Quốc Hiệu - Chủ tịch UBND huyện Văn Giang cho biết quan điểm của huyện nếu tòa phán huyện sai thì huyện sửa.
Bà Phan Thị Bích Thủy - Phó Chánh án Tòa án nhân dân huyện Văn Giang cho biết, do còn một số vướng mắc nên tạm thời trong tháng 9, tòa chưa đưa ra lịch xét xử đơn kiện của ông Hà.
Còn luật sư Vũ Viết Năng (Văn phòng Luật sư Hưng Giang, Hà Nội) cho biết, ông Hà nộp đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân huyện Văn Giang là tháng 4.2014. Theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 117, Bộ luật Tố tụng hành chính năm 2010, thời hạn chuẩn bị xét xử là 4 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Cũng theo quy định tại khoản 2, 3 điều luật trên, trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, toà án phải mở phiên toà; trường hợp có lý do chính đáng, thời hạn mở phiên toà có thể kéo dài, nhưng không quá 30 ngày.
Như vậy nếu Tòa án nhân dân huyện Văn Giang đã thụ lý vụ án mà đến nay đã hơn 2 năm chưa đưa vụ án ra xét xử (hoặc tạm đình chỉ hay đình chỉ giải quyết vụ án) là vi phạm nghiêm trọng tố tụng.
Theo luật sư Năng, nếu thông tin ông Hà phản ánh “tòa án huyện nêu lý do chưa tìm được chứng cứ đầy đủ” là chính xác thì lý do đó chỉ là ngụy biện, bởi thông báo của UBND xã thu hồi đất của ông Hà, các quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND xã Xuân Quan và Chủ tịch UBND huyện Văn Giang chính là chứng cứ. Và đặc biệt việc gia đình ông Hà được nhận ruộng và canh tác ổn định từ năm 2004 đến nay là một chứng cứ rõ nhất (theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 73 Luật Tố tụng hành chính).
“Để tránh tình trạng tòa “né’ huyện nên khoản 4, Điều 32, Luật Tố tụng hành chính năm 2015 đã quy định: “Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện trên cùng phạm vi địa giới hành chính với tòa án.” thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án cấp tỉnh. Do đó nếu ông Hà kiện quyết định của Chủ tịch UBND huyện Văn Giang thì vụ việc này cần phải chuyển đến tòa án tỉnh Hưng Yên để giải quyết” - luật sư Năng cho biết.