Ban đầu, đây là “tác phẩm” của một nhóm tình nguyện viên – những người muốn đem một góc không gian xanh đến với người dân thành phố. Sau đó, nông trại được duy trì và phát triển bởi chính cộng đồng địa phương.
Dự án nông trại Prinzessinnegarten đã thu hút sự tham gia của rất nhiều người, nhiều hộ gia đình. Họ là những người thích công việc nhà nông nhưng lại không có đất, không gian để canh tác. Điều đó hoàn toàn dễ hiểu ở một thành phố lớn, đông đúc như Berlin.
Ra đời từ năm 2009, Prinzessinnegarten từng phải đối mặt với nguy cơ bị đóng cửa do Nghị viện Berlin có chủ trương đem đấu giá mảnh đất. Tuy nhiên, một bản kiến nghị với 30.000 chữ ký của cả người dân địa phương lẫn khách thăm quan đã buộc chính quyền phải suy xét lại. Nỗi lo nông trại đóng cửa đã được giải quyết.
Điều đặc biệt ở Prinzessinnegarten là thực vật không được trồng cố định trên mảnh đất mà được gieo trong các thùng nhựa, bao tải…, dễ dàng có thể di chuyển khi cần thiết. Đó là lý do, Prinzessinnegarten còn được gọi là “nông trại di động”.
Tới nay, có tới khoảng 500 giống rau, hoa và thảo mộc các loại được trồng tại đây. Những người tham gia thuộc đủ mọi lứa tuổi, ngành nghề. Họ cùng trò chuyện, trao đổi với nhau về phương pháp, kỹ thuật canh tác và trở thành một câu lạc bộ từ lúc nào không hay.
Ở Berlin, ngoài Prinzessinnegarten, còn có thêm một số nông trại, khu vườn mọc lên từ những bãi đất hoang như thế. Báo chí Mỹ còn gọi Berlin là “thành phố của những người ăn chay” vì xu hướng thích làm vườn và thưởng thức các món ăn từ rau, củ, quả sạch.
Ngay bên cạnh Prinzessinnegarten là một quán cà phê và quán bar, nơi thu mua một số loại nông sản nhất định từ nông trại để chế biến đồ ăn, thức uống cho thực khách.
Ở Berlin cũng xuất hiện những khu chợ nhỏ để những người tự trồng rau như ở Prinzessinnegarten có thể trao đổi nông sản với nhau, hoặc bán chúng cho các nhà hàng.