Dân Việt

Đặc sản vùng địa đầu Tổ quốc: Cam Hà Giang vàng ươm, đậm đà, vị ngọt khé

Thu Trang 03/10/2016 15:10 GMT+7
Cam Hà Giang có đặc điểm riêng dễ nhận biết là quả to và tròn, vỏ sần sùi, khi chín có màu vàng ươm, lõi cam vàng, có hạt, ăn có vị ngọt khé, đậm đà, có mùi thơm đặc trưng.

Hà Giang là một trong những tỉnh có diện tích trồng cam lớn nhất của cả nước, được trồng tập trung tại ba huyện: Vị Xuyên, Bắc Quang và Quang Bình nhưng nhiều nhất vẫn là ở huyện Bắc Quang. Huyện Bắc Quang là cửa ngõ của tỉnh Hà Giang, được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp.

img

Và cũng chỉ có nơi đây mới cho ra được những trái cam có hương vị đặc trưng như vậy.  Tính đến cuối năm 2015, tổng diện tích cam sành của tỉnh đạt 5.709 ha, trong đó 1.600 ha cho thu hoạch, sản lượng ước đạt 13.553 tấn....

Toàn huyện Bắc Quang có khoảng gần 2.500ha trồng cam, năng suất, chất lượng sản phẩm đạt gần 10 tấn/ha, sản lượng đạt gần 15.000 tấn, tạo thu nhập cho bà con trên địa bàn hơn 100 tỷ đồng. 

Cam Hà Giang có đặc điểm riêng dễ nhận biết là quả to và tròn, vỏ sần sùi, khi chín có màu vàng ươm, lõi cam vàng, có hạt, ăn có vị ngọt khé, đậm đà, có mùi thơm đặc trưng. Quả cam có cùi dày nên có thể để đến 20 ngày vẫn không bị hỏng…

img

Với vị không quá chua, nhưng cũng không ngọt khắt cam sành Hà Giang khiến ai thưởng thức cũng mê. Đặc biệt, trong những ngày lễ tết cam sành Hà Giang trở nên đắt hàng hơn bao giờ hết. Tầm tháng 11 âm lịch hàng năm là thời điểm những vườn cam tại nhiều huyện ở Hà Giang vào vụ thu hoạch.

Giữa màu xanh của lá, màu vàng tươi của những trái cam như tô thắm thêm sắc trời mảnh đất biên cương của tổ quốc. Rộn ràng tươi vui hơn nữa chính là nét mặt rạng rỡ của bà con nông dân và không khí thu mua, vận chuyển cam tấp nập. Trên mảnh đất cao nguyên đá này, cam chính là “vàng trong đá”, là tinh hoa của trời đất và cũng là kết tinh của mồ hôi, nước mắt đồng bào nơi đây.

img

Cam sành Hà Giang đã từng vang danh trên thị trường, được người tiêu dùng đón nhận. Tuy nhiên, cũng có thời điểm, do thoái hóa, diện tích cam đã bị giảm sút mạnh, ảnh hưởng tới sản lượng, chất lượng của cam Hà Giang. Trước tình hình đó, tỉnh đã xây dựng, thực hiện dự án “Phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm cam, quýt tỉnh Hà Giang đến năm 2020”. Đồng thời xác định, cây cam là một trong 5 sản phẩm cây con chủ lực, để thực hiện mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ bà con gắn bó với cây và mở rộng sản xuất, địa phương này đã xây dựng và ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người nông dân. Song song với đó, công tác xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm không ngừng được đẩy mạnh. Tiêu biểu như hàng loạt hội nghị giới thiệu sản phẩm được tổ chức; quảng bá hình ảnh sản phẩm; xây dựng biển chỉ dẫn vào vườn cam VietGap trên các trục đường, ghi rõ thông tin về diện tích, sản lượng, địa chỉ liên hệ.

Hoạt động xúc tiến thương mại được triển khai thông qua việc liên kết với các doanh nghiệp phân phối sản phẩm tại các siêu thị, chợ đầu mối… Nhờ đó, đến nay, cam sành Hà Giang đã có thương hiệu và có mặt ở hầu khắp các siêu thị lớn như Co.op Mart; Metro và sàn giao dịch rau hoa Hà Nội.

       Năm 2014, cam sành Hà Giang được người tiêu dùng bình chọn là một trong 10 sản phẩm dịch vụ người tiêu dùng tin cậy; được Hiệp hội Khoa học và Công nghệ lương thực thực phẩm Việt Nam chứng nhận danh hiệu vàng “Món ngon tinh hoa ẩm thực Việt”. Cam sành Hà Giang là một sản phẩm của riêng núi rừng Tây Bắc, của riêng vùng khí hậu cao nguyên đá. Thương hiệu cam sành Hà Giang đã được nhiều người biết đến. Và hôm nay, nếu có đến miền địa đầu của Tổ quốc mà chưa thưởng thức hương vị cam sành ở chính địa phương thì có lẽ bạn đã thiếu đi một nửa hương vị đáng nhớ của hành trình.