Giáo sư Nhật Bản Yoshinori Ohsumi.
Thông báo của Hội đồng Nobel của viện Karolinska ở Thụy Điển nhấn mạnh quá trình tự huỷ (autophagy) là cơ chế nền tảng của tế bào. Đột biến trong cơ chế tự hủy dẫn đến nhiều căn bệnh như Parkinson, tiểu đường và ung thư.
Mặc dù khái niệm này đã được biết đến cách đây hơn 50 năm nhưng “nó mang tầm quan trọng trong y học và chỉ mới được công nhận sau nghiên cứu mô hình chuyển dịch của Yoshinori Ohsumi trong những năm 1990”, Viện Karolinska tuyên bố.
“Các phát hiện của Ohsumi dẫn tới tư duy mới trong cách hiểu về cơ chế tái tạo của tế bào,” Hội đồng Nobel của Viện Karolinska ở Thuỵ Điển nói khi công bố giải thưởng 8 triệu crown Thuỵ Điển (933.000 USD).
“Phát hiện của ông Ohsumi mở đường để các nhà khoa học hiểu thêm về… nhiều quá trình sinh học, như thích ứng với tình trạng tế bào bị đói hoặc phản ứng với lây nhiễm”, tuyên bố nói thêm.
Ohsumi sinh năm 1945 ở Fukuoka, Nhật Bản. Ông hiện là Giáo sư tại Viện Công nghệ Tokyo. Đây là giải Nobel lần thứ 107 được trao trong lĩnh vực Y học kể từ giải Nobel đầu tiên năm 1905.
Giải Nobel Y học năm ngoái đã thuộc về 3 nhà khoa học nhờ phát hiện liên quan tới liệu pháp mới chống lây nhiễm từ sinh vật ký sinh và phương pháp điều trị mới chữa bệnh sốt rét.
Sau Nobel Y học, giải Nobel sẽ tiếp tục được trao trong các hạng mục Vật lý (ngày 4.10), Hóa học (ngày 5.10), Hòa bình (ngày 7.10). Giải Nobel Kinh tế và Văn học sẽ được trao vào tuần tới.